Sóng ngầm
Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen đang thúc đẩy các nỗ lực giảm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và CH Síp, hai nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Ông cũng tiết lộ, các nhà lãnh đạo EU không loại trừ cách tiếp cận 'cây gậy và củ cà-rốt' đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm ngăn căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải đe dọa an ninh và sự ổn định khu vực.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen đang thúc đẩy các nỗ lực giảm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và CH Síp, hai nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Ông cũng tiết lộ, các nhà lãnh đạo EU không loại trừ cách tiếp cận “cây gậy và củ cà-rốt” đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm ngăn căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải đe dọa an ninh và sự ổn định khu vực.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai đồng minh trong NATO, ngày càng xấu đi, liên quan hoạt động khai thác nguồn năng lượng trên vùng biển Đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc một số quốc gia tiến hành các hoạt động khoan khai thác nhiên liệu mà không có sự tham gia của nước này. An-ca-ra khẳng định, vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Hy Lạp coi các cuộc khoan thăm dò của An-ca-ra là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Hy Lạp. Cả hai bên đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis và các tàu chiến hộ tống tới khu vực này, sau khi Hy Lạp và Ai Cập ký kết thỏa thuận về biên giới trên biển.
Căng thẳng leo thang khi mới đây các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tập trận hằng năm tại CH Bắc Síp tự xưng, một thực thể chỉ được An-ca-ra công nhận. Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ph.Óc-tay xác nhận, quân đội nước này đã bắt đầu cuộc tập trận mang tên “Bão táp Địa Trung Hải” với Bộ Chỉ huy An ninh của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo cuộc tập trận đang diễn ra thành công.
Phản đối các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Hy Lạp nhấn mạnh nước này duy trì việc tìm kiếm các thỏa thuận hàng hải với các quốc gia láng giềng trong khu vực, dựa trên luật pháp quốc tế và các công ước quốc tế về Luật Biển. Trong khi đó, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, A-ten đàm phán với Pháp và các nước về việc mua vũ khí để nâng cao năng lực của các lực lượng vũ trang. Hy Lạp thông báo sẵn sàng trích một phần dự trữ tiền mặt để mua sắm vũ khí và các phương tiện khác giúp tăng cường sức mạnh phòng thủ.
Lo ngại tranh chấp giữa hai bên leo thang thành đối đầu nguy hiểm, Đức kêu gọi các bên ngừng tập trận ở Đông Địa Trung Hải, nhằm tạo không gian xúc tiến các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. EU thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngay trước cuộc gặp của các nhà lãnh đạo khối cuối tháng này. Điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu S.Mi-sen kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế những hành động có thể làm tăng căng thẳng với Hy Lạp. Dù không tiết lộ chi tiết các công cụ mà EU dự định áp dụng trong vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, song nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định “cây gậy và củ cà-rốt” là lựa chọn tốt nhất. EU sẵn sàng đưa ra chính sách khích lệ để đáp lại thiện chí của An-ca-ra, song có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu cần thiết để gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ. Tại cuộc họp sắp tới, các nhà lãnh đạo EU thảo luận một loạt vấn đề hóc búa về năng lượng, an ninh, di cư và cả ranh giới ở phía đông Địa Trung Hải; EU sẽ tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền của Hy Lạp và Síp.
Trong bối cảnh tranh chấp giữa Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ gây rạn nứt khối, Tổng Thư ký NATO kêu gọi hai nước thành viên giảm leo thang căng thẳng, giải quyết tranh chấp trên tinh thần đoàn kết và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. NATO khẳng định tìm cách tránh xảy ra xung đột ở Đông Địa Trung Hải. Trong khi đó, căng thẳng với Hy Lạp khiến cánh cửa gia nhập EU càng chưa thể rộng mở với Thổ Nhĩ Kỳ. Song, An-ca-ra dùng “con bài di cư” để mặc cả với EU, cảnh báo EU không thể mong đợi sự hợp tác từ Thổ Nhĩ Kỳ nếu trừng phạt An-ca-ra.
Cả NATO và EU đều tăng cường nỗ lực hòa giải nhằm ngăn chặn tranh chấp và các động thái leo thang căng thẳng, như những cơn sóng ngầm có nguy cơ biến khu vực phía đông Địa Trung Hải thành một điểm nóng xung đột mới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/song-ngam--616072/