Sóng thời gian

Đây là tên cuốn hồi ký mới nhất của Phạm Minh Thông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành vào quý II/2019.

Tác giả là một doanh nhân xây dựng một thời khá nổi tiếng của “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm”. Phạm Minh Thông một thời cũng đã gây ngạc nhiên cho giới văn nghệ khi cho ra đời nhiều tập thơ tình tưởng không ăn nhập gì với cái nghề xây dựng khô khan của mình.

Cuốn hồi ký bao gồm 16 chương là những hồi ức của tác giả từ thời thơ ấu cho đến tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc, vào đại học và trở lại quê hương, đóng góp nhiều công trình xây dựng. Trong đó tên tuổi của ông gắn liền (cả niềm vui lẫn nỗi buồn) với cây cầu quay Sông Hàn. Một công trình khá nổi tiếng lúc bấy giờ và nay đã trở thành một sản phẩm du lịch mà bất kỳ khách du lịch nào khi đặt chân đến thành phố bên bờ sông Hàn này cũng muốn một lần được nhìn thấy cảnh cầu sông Hàn quay vào lúc đêm khuya.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mở đầu cuốn hồi ký, tác giả dành khá nhiều trang viết về kỷ niệm tuổi thơ yêu dấu ở làng quê La Qua, Quảng Nam nơi tác giả sinh ra “dưới mái nhà tranh, trong căn buồng tường phên che bằng tranh rạ”. Rời xa quê hương miền Nam, trong 3 năm đầu tiên, anh bộ đội Phạm Minh Thông được bố trí vào Sư đoàn 324 đóng quân tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Thời gian này anh được đi học đào tạo y tá tại trường quân y sư đoàn, được cấp bằng y tá với quân hàm Thượng sĩ quân y. Tuy nhiên, sau đó lại được chọn tham gia vào công cuộc cải cách ruộng đất. Những ấn tượng về giai đoạn này, tác giả đã thể hiện qua đoạn văn: “Khi đội về đến làng để tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất thì họ được quyền thay mặt Đảng, nhà nước để tiến hành công việc cải cách, gần như họ thay cả bộ máy chính quyền địa phương, bởi thế người dân mới kháo nhau: Nhứt đội nhì trời. Trời còn phải đứng sau huống chi dân…”.

Năm 1967 anh tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng Hà Nội (tách ra từ ĐHBK), đồng thời nhận công tác tại Cục Xây dựng Hà Nội. Sau đó anh được nhận quyết định làm quyền Giám đốc Xí nghiệp bê tông đúc sẵn Vĩnh Tuy, sau đó xí nghiệp này được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ. Theo tác giả, “gần 50 năm sống với nghề xây dựng, từng thi công biết bao công trình lớn cả nước, nhưng trong đời tôi, quá trình xây dựng Lăng Bác là một sự kiện quan trọng, kỷ niệm sâu sắc mà tôi đã mang đi suốt cả đời mình”.

Một thời điểm đáng nhớ nhất khác là khi ông đảm nhận chức vụ giám đốc Công ty Hợp doanh xây lắp và kinh doanh nhà Quảng Nam-Đà Nẵng với “những công trình nặng tình quê hương” được dư luận thừa nhận như là con chim đầu đàn của ngành xây lắp miền Trung-Tây Nguyên vào thập niên 90 của thế kỷ 20. Cũng từ đó, Phạm Minh Thông trở thành gương mặt nổi cộm trên báo chí, khi thì được tán tụng tận mây xanh, khi thì bị “đánh tơi tả”. Và đỉnh cao của câu chuyện, đó là sự thành công cùng những hệ lụy của việc xây dựng công trình cầu sông Hàn…

Trong hồi ký, tác giả kể lại khá chi tiết những diễn biến các buổi gặp gỡ, làm việc với những lãnh đạo thành phố lúc này để dẫn đến việc xây cầu sông Hàn được giao cho công ty và được khánh thành đúng vào dịp 29/3/2000, chào mừng 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng. Trong buổi lễ trọng đại đó, tác giả được mời lên khán đài hai lần để nhận bằng khen. Nhưng ngay sau những lời chúc tụng tưng bừng từ thành tựu cây cầu thế kỷ chưa đầy một ngày, tối hôm sau 30/3/2000, Phạm Minh Thông đã bị công an đón bắt trên đường đi công tác về lại cơ quan và bị đưa ngay vào nhà lao Hòa Sơn. Trong cái “chương dài” này, thực ra tác giả cũng chỉ tập trung ở một điều lớn nhất: “tôi cứ bị ám ảnh bởi một ý nghĩ tại sao những việc diễn ra cuối chặng đường theo cách mạng của tôi lại lắm uẩn khúc đến vậy?”, “Và tôi đã nộp đơn chờ đợi, nộp đơn, chờ đợi… để minh oan cho mình đến nay đã trên 11 năm?”.

Bằng thể loại hồi ký, Sóng thời gian của Phạm Minh Thông tái hiện lại những khoảnh khắc buồn vui, kể cả những uẩn khúc trong dòng đời sôi động mà tác giả đã từng sống, từng trải nghiệm bằng góc nhìn riêng của mình. Đặc biệt, tác phẩm này liên quan đến những người, những việc có thật về vấn đề cầu sông Hàn mà những hệ lụy của nó vẫn còn chưa ngã ngũ. Chúng ta không vội đưa ra những đánh giá đúng sai các vấn đề có thể được cho là “nhạy cảm”, mà tốt hơn hết là hãy đọc, hãy bình tâm, chiêm nghiệm nhìn lại… cơn chao đảo của sóng thời gian. Và hơn hết, cầu Sông Hàn vẫn còn đó, như một biểu tượng của nhộn nhịp, bền vững ngang qua dòng sông thơ mộng của thành phố Đà Nẵng hướng đến tương lai…

Trần Trung Sáng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/song-thoi-gian-88693.html