Sony và tham vọng lấn sân metaverse

Sony đang tìm cách đưa thể thao vào phim ảnh, âm nhạc và trò chơi để biến chúng thành trụ cột mới trong hoạt động kinh doanh giải trí của mình.

 Sony và tham vọng lấn sân metaverse (Ảnh: Nikkei Asia)

Sony và tham vọng lấn sân metaverse (Ảnh: Nikkei Asia)

Sony đang tìm cách đưa thể thao vào phim ảnh, âm nhạc và trò chơi để biến chúng thành trụ cột mới trong hoạt động kinh doanh giải trí của mình. Sony đang tìm cách mua lại các công ty công nghệ để giúp họ xây dựng nội dung 3D cho metaverse.

Công ty Nhật Bản gần đây đã mua lại toàn bộ cổ phần đang lưu hành của công ty khởi nghiệp Hà Lan Beyond Sports, chuyên sử dụng hoạt hình 3D để sản xuất nội dung từ các trò chơi thể thao thực tế hoặc dữ liệu trận đấu. Giá mua chưa được tiết lộ, nhưng được cho là vào khoảng 5 tỉ đến 10 tỉ yên (35,36 triệu USD đến 70,72 triệu USD).

Việc Sony mua Beyond Sports được xử lý thông qua Hawk-Eye Innovations có trụ sở tại Vương quốc Anh, công ty phát triển các hệ thống camera theo dõi chuyển động của các quả bóng trong các sự kiện thể thao. Hawk-Eye đã được Sony mua lại vào năm 2011.

Công nghệ của Hawk-Eye (hệ thống camera mắt diều hâu) được đánh giá là vô cùng giá trị trong thế giới thể thao. Hệ thống camera của nó được sử dụng trong hơn 20.000 trận đấu diễn ra hàng năm tại 90 quốc gia.

Một số trận đấu quần vợt tại các giải đấu quốc tế đã sử dụng công nghệ này thay vì trọng tài biên. Trong môn bóng chày, dịch vụ dữ liệu của Hawk-Eye đã được một số câu lạc bộ bóng chày chuyên nghiệp của Nhật Bản sử dụng để phân tích các cú ném và các cú đánh.

Máy ảnh Hawk-Eye Innovations được sử dụng để theo dõi chuyển động của quả bóng trong các trận đấu bóng chày chuyên nghiệp ở Nhật Bản (Ảnh: Nikkei Asia)

Máy ảnh Hawk-Eye Innovations được sử dụng để theo dõi chuyển động của quả bóng trong các trận đấu bóng chày chuyên nghiệp ở Nhật Bản (Ảnh: Nikkei Asia)

Tuy nhiên, công nghệ này cũng có những giới hạn nhất định. Ở Châu Âu và Mỹ, các nội dung video hoạt họa 3D có thể được xem từ bất kỳ góc nhìn nào sau một sự kiện thể thao là thứ khá phổ biến, nhưng dữ liệu 3D mà hệ thống của Hawk-Eye thu thập được từ nhiều camera lại chưa đủ chính xác để làm điều tương tự.

Thương vụ thâu tóm vừa qua của Sony đã giải quyết vấn đề này. Công nghệ của Beyond Sports có thể chuyển dữ liệu trận đấu - kể cả những dữ liệu chưa đầy đủ - thành hoạt họa 3D hoàn chỉnh, bằng cách tận dụng những kỹ thuật đặc biệt mà công ty này có được trong lĩnh vực khoa học thể thao. Nó đã được sử dụng thành công tại các giải National Football League và National Hockey League.

Các công ty công nghệ thể thao hiện dưới sự bảo trợ của Sony, bao gồm Pulselive có trụ sở tại Vương quốc Anh được mua cùng thời điểm với Hawk-Eye, sẽ hợp tác để cung cấp dịch vụ dữ liệu thể thao toàn diện.

Dữ liệu các trận đấu được ghi lại bởi hệ thống camera của Hawk-Eye sẽ nhanh chóng được Beyond chuyển thành nội dung 3D. Sau đó, nội dung sẽ được chuyển đến Pulselive, nơi tạo và quản lý các trang web chính thức cho các tổ chức và các câu lạc bộ thể thao. Bằng cách cung cấp nội dung 3D của Beyond trên các trang web của Pulselive, Sony hy vọng sẽ tạo ra một loại nền tảng thể thao ảo mới.

Trong những năm gần đây, Sony đã thể hiện sự quan tâm rõ ràng đến thế giới thể thao. Vào năm 2021, công ty đã hợp tác với câu lạc bộ Manchester City trong một thử nghiệm nhằm tái tạo sân vận động Etihad và các cầu thủ trong metaverse.

Giám đốc điều hành Sony Kenichiro Yoshida coi metaverse như một nơi để mọi người có thể chia sẻ thời gian và không gian với những người khác. Nếu Sony có thể thành công trong việc mang đến các nội dung thể thao cho khán giả của mình, trong đó thu hút người hâm mộ vào thế giới ảo để cùng thưởng thức những thứ họ yêu thích, bằng các tài nguyên vừa thâu tóm được, thì đây sẽ là một lĩnh vực kinh doanh mới có tầm quan trọng đặc biệt đối với công ty.

Theo Nikkei Asia

Minh Quang

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/sony-va-tham-vong-lan-san-metaverse-post162159.html