Sốp Cộp nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Xuất phát điểm thấp, yêu cầu của các tiêu chí ngày càng cao, chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Sốp Cộp gặp nhiều khó khăn. Nhưng, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu, toàn huyện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để 6/8 xã từng bước hoàn thành các tiêu chí.

Trung tâm huyện Sốp Cộp hôm nay.

Trung tâm huyện Sốp Cộp hôm nay.

Nhiều khó khăn

Sốp Cộp là một trong 74 huyện nghèo của cả nước (giai đoạn 2021-2025), với đặc thù là huyện vùng cao biên giới, địa hình chia cắt, dân cư sống rải rác. Năm 2011, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện với xuất phát điểm thấp, chỉ có 1 xã đạt 4 tiêu chí, 7 xã còn lại đạt từ 1-3 tiêu chí.

Hạ tầng còn thiếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, mạng lưới giao thông và vùng sản xuất phân tán nhỏ lẻ nên chi phí đầu tư cao, nhu cầu vốn để triển khai thực hiện theo quy hoạch quá lớn so với tiềm năng và các nguồn lực của địa phương. Đời sống của nhân dân còn ở mức thấp, thu nhập bình quân năm 2023 dưới 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là gần 60%. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung; các hình thức tổ chức sản xuất còn chưa đa dạng, sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế như HTX, doanh nghiệp với nông dân còn hạn chế, hiệu quả hợp tác chưa cao.

Tuyến đường về trung tâm xã Sam Kha thường xuyên bị sạt lở.

Tuyến đường về trung tâm xã Sam Kha thường xuyên bị sạt lở.

Đơn cử như tại xã Sam Kha, qua rà soát theo bộ tiêu chí mới, hiện xã mới đạt 3/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Ông Thào A Cờ, Chủ tịch UBND xã Sam Kha, thông tin: 16 tiêu chí còn lại, khó khăn nhất là các tiêu chí giao thông, thu nhập, hộ nghèo. Đây là những tiêu chí đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn, trong khi nội lực của xã còn nhiều hạn chế. Hiện nay, thu nhập bình quân ở xã mới đạt 9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã gần 70%. Cái khó để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ. Với tổng kinh phí khoảng 2-3 tỷ đồng/năm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đến thời điểm này, xã còn 3 cụm dân cư Huổi Sút, Pá Hốc, Tìa Dình chưa có điện lưới quốc gia.

Quyết tâm thực hiện

Huyện Sốp Cộp xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp ủy chính quyền; ban hành các chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo nhiệm kỳ và giai đoạn phù hợp với thực tiễn địa phương. Huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân.

UBND huyện Sốp Cộp họp triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

UBND huyện Sốp Cộp họp triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện đồng bộ các hình thức tuyên truyền, như: Một trong những giải pháp được huyện lựa chọn đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua hoạt động văn hóa nghệ thuật và tuyên truyền trực quan. Chỉ đạo các xã thành lập các tổ làm công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình; tăng cường vai trò của MTTQ và các đoàn thể.

Hội Phụ nữ xã Sốp Cộp tuyên truyền hội viên chung tay xây dựng nông thôn mới.

Hội Phụ nữ xã Sốp Cộp tuyên truyền hội viên chung tay xây dựng nông thôn mới.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã tích cực hưởng ứng thông qua những việc làm cụ thể, chung sức với địa phương để xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 10 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 210 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 83.000m2 đất và hàng nghìn ngày công để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng.

Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện Sốp Cộp đã huy động trên 2.800 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM, trong đó vốn ngân sách Trung ương và địa phương trên 1.800 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình khác gần 1.000 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn đã đầu tư xây dựng hơn 500 công trình giao thông, thủy lợi, điện, công trình trường học, nhà văn hóa và nhiều công trình phụ trợ khác. Có 8 xã, 90 bản làm được 1.450 tuyến nhánh đường trục bản, liên bản, ngõ xóm, với tổng chiều dài 185,7km.

Nhân dân xã Púng Bánh làm đường giao thông.

Nhân dân xã Púng Bánh làm đường giao thông.

Tại xã Púng Bánh đến nay đạt 12/19 tiêu chí, xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2026. Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Púng Bánh, cho biết: Đến nay, toàn xã đã bê tông hóa trên 30 tuyến đường nội bản, liên bản, tổng chiều dài trên 7km, với tổng kinh phí hơn 9,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 5,2 tỷ đồng. Năm 2022, từ các nguồn vốn của ngân sách nhà nước, xã đã hoàn thành 2 nhà văn hóa bản Kéo và bản Liềng (trị giá 1,4 tỷ đồng/nhà) và công trình thủy lợi bản Khá Nghịu, công trình nước sinh hoạt bản Lầu được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn xã đang thi công xây dựng 1 nhà văn hóa xã, 5 nhà văn hóa bản, cùng nhiều công trình thủy lợi kiên cố khác.

Nhân dân xã Sốp Cộp phát triển mô hình nuôi trâu, bò sinh sản.

Nhân dân xã Sốp Cộp phát triển mô hình nuôi trâu, bò sinh sản.

Trong triển sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh địa phương, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh canh tăng vụ. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ cây trồng, con giống cho các hộ gia đình khó khăn sản xuất... Từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa, trồng cây ăn quả tập trung như: Vùng chuyên canh lúa ở Mường Và, Nậm Lạnh; chuyên canh cà phê ở Dồm Cang; trồng cam, quýt ở Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn. Khuyến khích nhân dân các xã phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, như: Mô hình chăn nuôi ngựa ở xã Sam Kha; nuôi vịt bản địa ở xã Dồm Cang; nuôi trâu sinh sản ở xã Sốp Cộp… Ngoài ra, huyện còn tiến hành tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài huyện, tạo đầu ra ổn định, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, toàn huyện đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã đạt 8 - 10 tiêu chí; 3 xã đạt 7 tiêu chí. Kinh tế, văn hóa, xã hội có sự phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Kết quả này là động lực để huyện Sốp Cộp tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/sop-cop-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi-TSaodwlSR.html