TS. Đặng Kim Sơn: Hội đồng Lúa gạo quốc gia là bước đổi mới thể chế quan trọng
'Điều mọi người trông đợi là hội đồng ngành hàng ra đời sẽ giải quyết được những vấn đề vướng mắc tồn tại lâu nay làm hạn chế sự phát triển của ngành hàng lúa gạo', TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn về đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia.
(KTSG) – “Điều mọi người trông đợi là hội đồng ngành hàng ra đời sẽ giải quyết được những vấn đề vướng mắc tồn tại lâu nay làm hạn chế sự phát triển của ngành hàng lúa gạo”, TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn về đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia.
– TS. Đặng Kim Sơn: Lúa gạo là ngành hàng nông nghiệp chiến lược quan trọng hàng đầu Việt Nam. Đây là ngành hàng đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho đông đảo người sản xuất kinh doanh, sử dụng phần lớn tài nguyên tự nhiên, tác động lớn đến môi trường.
Mặt khác, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nó lại diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, liên quan đến nhiều tác nhân trong nền kinh tế, tác động đến nhiều thị trường trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến chính trị và ngoại giao. Với tầm quan trọng đặc biệt và quy mô rộng lớn như vậy, việc thành lập một hội đồng để phát triển ngành hàng là rất cần thiết.
Trên thế giới, các quốc gia có lợi thế đặc biệt về những ngành hàng nông sản quan trọng hầu hết đều thành lập các “hội đồng ngành hàng” để thống nhất quản lý và phát triển chúng trở thành các mũi nhọn chiến lược quốc gia. Đây là cách làm của Thái Lan đối với lúa gạo và mía đường, Malaysia với cọ dầu, Brazil với cà phê… Với nhiều quốc gia phát triển nông nghiệp khác, hình thức tổ chức hội đồng ngành hàng được áp dụng cho hầu hết các nông sản quan trọng để gắn kết các hiệp hội chuyên ngành, gắn kết nhà nước với khối tư nhân, gắn kết các tổ chức của nông dân với các tổ chức của doanh nghiệp.
KTSG: Theo dự thảo Tờ trình trình Chính phủ và hồ sơ liên quan về thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia vào ngày 1-8-2024, Hội đồng Lúa gạo quốc gia sẽ có chức năng tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách, các phương hướng, giải pháp vì sự phát triển ngành hàng lúa gạo. Theo ông, cùng với chức năng này, cần đưa ra những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho Hội đồng Lúa gạo quốc gia hay không?
– Ở các quốc gia nói trên, tổ chức hội đồng ngành hàng là cơ quan quản lý cao nhất và cũng là cơ quan trực tiếp điều hành sự hoạt động và phát triển của các ngành hàng. Vì thế, hội đồng không chỉ là tổ chức tham mưu, hỗ trợ các cấp lãnh đạo ra quyết định mà còn đóng vai trò phối hợp các hoạt động chỉ đạo chiến lược, liên kết các tác nhân và điều hành các vấn đề tổng thể của ngành hàng. Để thực hiện được các chức năng trên, hội đồng ngành hàng cần tiến hành các nhiệm vụ sau:
(1) Chỉ đạo: thu thập, phân tích, xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, cung cấp thông tin làm căn cứ ra quyết định cho hội đồng và các thành viên:
i. Theo dõi cung, cầu lúa gạo, các vật tư sản xuất trên thị trường trong và ngoài nước.
ii. Theo dõi, đánh giá chi phí sản xuất, kinh doanh, hiệu quả, thu nhập các tác nhân trong chuỗi giá trị.
iii. Giám sát, đánh giá sử dụng tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh, phát thải khí nhà kính sản xuất lúa.
(2) Liên kết: các khối tác nhân chính (bộ ngành, trung ương – địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp – nông dân, với ngành lúa gạo các nước cạnh tranh, với các thị trường chính…).
i. Kết nối thông tin, tổ chức đối thoại giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, các địa phương, các bộ ngành liên quan đến phát triển ngành hàng.
ii. Đề xuất và triển khai chính sách để điều hòa lợi ích, đảm bảo công bằng giữa các tác nhân, đối tác.
iii. Xử lý tranh chấp giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, bảo vệ quyền lợi trong tranh chấp quốc tế.
(3) Điều chỉnh: phối hợp các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách để hội đồng thực sự có năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh, thị trường, tài nguyên ngành lúa gạo.
i. Giám sát, đảm bảo duy trì quỹ đất lúa cả về quy mô lẫn về hiệu quả sử dụng theo quy hoạch quốc gia ở từng địa phương, đề xuất xử lý kịp thời khi có vi phạm.
ii. Đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ, xử phạt và giám sát thực hiện các địa phương, các vùng chuyên canh đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra biến động giá cả.
iii. Đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ, xử phạt và giám sát thực hiện, chia sẻ rủi ro và lợi ích, đảm bảo công bằng các tác nhân, các địa phương sản xuất, kinh doanh, giữ đất lúa.
iv. Đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ, xử phạt và giám sát thực hiện để đảm bảo lợi ích công bằng và nghiêm túc với các tác nhân, các địa phương về bản quyền giống, thương hiệu gạo.
v. Đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ, xử phạt và giám sát minh bạch và hiệu quả xuất, nhập khẩu lúa gạo, sản phẩm từ lúa gạo và vật tư thiết yếu đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
KTSG: Để thực hiện chức năng nêu trên, theo dự thảo Tờ trình, thành phần của Hội đồng Lúa gạo quốc gia là các vị lãnh đạo bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao… và lãnh đạo một số địa phương. Để tăng tính chuyên môn của hội đồng, theo ông, có cần thêm sự tham gia của đại diện các hiệp hội, các viện chuyên ngành hay không và vì sao?
– Với vai trò như trên, đương nhiên một thành phần quan trọng của hội đồng ngành hàng là các tác nhân trong chuỗi giá trị mà quan trọng nhất là các doanh nghiệp hoặc đại diện của họ là các hiệp hội (cả lớn và nhỏ, cả sản xuất, chế biến và kinh doanh); đại diện của nông dân và hợp tác xã. Đây là thành phần không thể thiếu được trong hội đồng ngành hàng ở các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, có thể có các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu…
KTSG: Cá nhân ông kỳ vọng Hội đồng Lúa gạo quốc gia sẽ làm được điều gì đầu tiên sau khi thành lập? Liệu diện mạo ngành lúa gạo Việt Nam có thể thay đổi theo hướng tốt hơn với sự hoạt động của hội đồng này?
– Điều mọi người trông đợi là hội đồng ngành hàng ra đời sẽ giải quyết được những vấn đề vướng mắc tồn tại lâu nay làm hạn chế sự phát triển của ngành hàng lúa gạo. Đó là:
(1) Người sản xuất thiếu vốn, có nơi vật tư đầu vào chưa ổn định về chất lượng hoặc giá cả, cần hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, cần hưởng lợi từ việc sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính.
(2) Sản xuất nhỏ manh mún, cần có tổ chức đáng tin cậy và hiệu quả gắn kết nông dân với nhau để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất đồng bộ tiêu chuẩn, số hóa nguồn gốc, có dịch vụ hỗ trợ sản xuất, được bao tiêu sản phẩm đầu ra.
(3) Các doanh nghiệp chưa có thể chế đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu đồng bộ về tiêu chuẩn, lớn về quy mô được giám sát chặt chẽ, gắn với hệ thống kho dự trữ chất lượng tốt làm chân hàng vững chắc để chủ động ký kết hợp đồng xuất khẩu.
(4) Hoạt động xuất khẩu chưa có cơ chế vận hành minh bạch để đảm bảo cạnh tranh công bằng, yên tâm đầu tư xây dựng thương hiệu ổn định, bảo vệ bản quyền giống, chia sẻ lợi ích hợp lý cho mọi tác nhân tham gia chuỗi giá trị.
(5) Cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ khuyến nông chưa có cơ chế tạo động lực vật chất và tinh thần gắn bó phục vụ nông dân, doanh nghiệp, chưa gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh…
(6) Thông tin thị trường, quản lý tài nguyên, khoa học công nghệ… thiếu thốn, chia cắt và không minh bạch, tạo rủi ro và gây tốn kém cho người sản xuất, kinh doanh, quản lý.
(7) Các hoạt động xây dựng quy hoạch, chiến lược, chính sách…, giám sát và điều hành thực hiện thiếu phối hợp, thiếu đánh giá hiệu quả, thiếu bộ phận hỗ trợ đối tượng tiếp cận.
Tất nhiên, nhiều việc chưa thể làm được ngay, nhưng việc thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia sẽ là bước đổi mới thể chế quan trọng để triển khai thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp đã được Chính phủ thông qua, mở đường cho các ngành hàng chiến lược của Việt Nam đi lên.