Sốt ruột bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang... nghỉ dưỡng
Thời điểm hiện tại, trong khi nhiều phân khúc bất động sản dần có tín hiệu phục hồi, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ảm đạm. Phân khúc này vẫn đối mặt khó khăn khi giao dịch đóng băng, nguồn cung mới nhỏ giọt, hàng tồn kho lớn…
Sớm nở, tối tàn
Xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2015, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng dần trở thành phân khúc được các nhà đầu tư đón nhận. Theo đó, hàng loạt các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã được phát triển, tập trung ở khu vực Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...
Tuy nhiên, đến năm 2018 phân khúc này bộc lộ hàng loạt các vấn đề như tính pháp lý của condotel; năng lực vận hành, cam kết của chủ đầu tư, giá... khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy.
Ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể tới tác động của dịch COVID-19 khiến thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có dấu hiệu đóng băng và không có giao dịch cho tới hết năm 2021. Đầu năm 2022, dòng tiền dễ với lãi suất thấp được bơm vào thị trường, kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả các phân khúc.
Kết quả sau một thời gian ồ ạt đầu tư phát triển là dư thừa nguồn cung, ghi nhận hàng chục nghìn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào tình trạng “bơ vơ”. Nhà đầu tư vỡ mộng khi bài toán đầu tư không mang lại lợi nhuận như mong muốn.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm, dù nhiều phân khúc khác đã có dấu hiệu phục hồi. Trong năm 2023, thị trường ghi nhận gần 3.200 sản phẩm, giảm hơn 80% theo năm.
Bên cạnh nguồn cung chậm cải thiện, toàn thị trường ghi nhận 726 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng giao dịch thành công trong năm, giảm 90% so năm 2022. Phần lớn bất động sản nghỉ dưỡng vẫn “bất động” suốt thời gian qua, dù giá bán giảm 50% trên thị trường thứ cấp. Nhất là sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng giá trị cao trên 10 tỷ đồng.
Bao giờ phục hồi?
Thực tế, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có liên quan chặt chẽ đến thị trường du lịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn còn gặp nhiều thách thức, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi lực cầu ở một số địa phương.
Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư Hội Môi giới Bất động sản - nhận định, chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường. Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023.
“Loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đặc biệt, liên quan đất đai Nghị định số 10 về tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng… thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư. Hỗ trợ sự bứt phá trở lại của bất động sản nghỉ dưỡng”, bà Miền cho hay.
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels - chỉ ra rằng, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang lên kế hoạch tái khởi động.
Trong số các thị trường ven biển, Đà Nẵng đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi nhờ cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế và sự gia tăng của nhóm khách Hàn Quốc. Trung bình, mỗi ngày Đà Nẵng đón nhận khoảng 25 chuyến bay từ Hàn Quốc, chiếm hơn 50% tổng số chuyến bay quốc tế đến thành phố biển này. Trong khi đó, thị trường Nha Trang - Cam Ranh vẫn gặp nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung Quốc.
Ông Mauro cho rằng, mục đích sau cùng với sản phẩm nghỉ dưỡng là đem đến trải nghiệm cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều dự án phát triển giai đoạn trước chưa chú ý đến khía cạnh này, thậm chí chỉ chú trọng việc xây bán với quy mô lớn.
"Đây là thời điểm thích hợp để các chủ đầu tư điều chỉnh mô hình kinh doanh, quan tâm hơn đến yếu tố phát triển bền vững để truyền tải tốt nhất tinh thần ngành nghỉ dưỡng", ông Mauro cho hay.