Steve Jobs đã truyền cảm hứng tạo ra startup Internet mạnh nhất châu Á
Bài phát biểu nổi tiếng của Steve Jobs vào năm 2005 đã trở thành cảm hứng để một sinh viên sáng lập nên startup công nghệ hàng đầu châu Á hiện nay.
CEO quá cố Steve Jobs của Apple được biết đến với nhiều bài phát biểu để đời. Không chỉ có tài năng thuyết trình về sản phẩm, rất nhiều bài diễn thuyết hay chia sẻ với sinh viên của ông cũng được chia sẻ lại nhiều năm sau.
Một trong những bài phát biểu nổi tiếng nhất của Jobs được ghi lại vào năm 2005, dành cho các sinh viên tốt nghiệp của Đại học Stanford với lời khuyên "hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ". Có lẽ chính Steve Jobs cũng không biết rằng một sinh viên nước ngoài đã "nghiện" và được truyền cảm hứng từ bài phát biểu đó.
Động lực để khởi nghiệp
Khi đó đang theo học quản trị kinh doanh tại Stanford, Forrest Li (Lý Tiểu Đông) cho biết đã nghe đi nghe lại đoạn video "2-3 lần mỗi ngày trong cả tháng", trước khi có động lực để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình.
Sau 15 năm, startup của Forrest Li, giờ đây tên là Sea, đã trở thành tập đoàn được niêm yết có giá trị cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn của ông đặt trụ sở chính tại Singapore và hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số khác.
Tôi đã luôn dặn mình. Với các bạn, những sinh viên vừa ra trường, tôi cũng muốn các bạn luôn giữ được tinh thần ấy. Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ.
Steve Jobs nói trong bài phát biểu trước sinh viên Stanford, năm 2005.
Trước khi trở thành một doanh nhân, Forrest Li từng làm việc tại nhiều nơi khác nhau, trong đó có chi nhánh của Motorola ở Trung Quốc.
"Lúc đó tôi không biết nhiều về việc khởi nghiệp", Li thừa nhận.
Cuộc đời ông thay đổi kể từ khi học MBA tại Stanford, bao gồm cả việc gặp gỡ người vợ hiện tại. Những trải nghiệm khi học tại Stanford và sau những cuộc gặp gỡ với nhiều người thành công trong lĩnh vực kinh doanh đã đem đến một niềm cảm hứng lớn cho ông.
"Qua những cuộc trò chuyện đó, phần nào tôi nhận thấy mình có nhiều điểm tương đồng với những bạn cùng lớp", người sáng lập Sea chia sẻ.
Sau khi gặp thất bại với một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực game tại Singapore, Li đã thành lập một công ty khác mang tên Garena vào năm 2009. Năm 2010, Garena lần đầu được nhận một khoản đầu tư từ Tencent. Năm 2017, Garena được đổi tên thành Sea và được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York.
Ông Li đang nắm giữ 25,4% cổ phần của tập đoàn tính đến tháng 3, tương đương 38,8% quyền biểu quyết. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của ông đã đạt mức 8 tỷ USD.
Giá trị của Sea tại sàn giao dịch chứng khoán New York đã tăng hơn 4 lần kể từ đầu năm nay, đạt mức hơn 70 tỷ USD, và vượt qua giá trị của các ngân hàng lớn trong khu vực như Ngân hàng Trung ương Châu Á của Indonesia (45 tỷ USD) và DBS Group Holdings của Singapore (37 tỷ USD).
Sự tăng trưởng về giá cổ phiếu của Sea trong đại dịch Covid-19 thậm chí vượt xa cả những ông lớn như Amazon (tăng khoảng 60%) hay Alibaba Group Holding và Tencent Holdings (tăng khoảng 30%).
Li cho biết đại dịch Covid-19 biến thị trường thương mại điện tử trở thành đầu tàu cho nền kinh tế Đông Nam Á.
"Tôi tin rằng tăng trưởng là điều quan trọng nhất. Mỗi ngày lại có thêm những người dùng mới của thị trường thương mại điện tử. Chúng tôi muốn nắm bắt và tận dụng tất cả cơ hội này để đảm bảo tăng trưởng nhanh hơn trung bình thị trường", Li chia sẻ trong bài phỏng vấn với Nikkei Asia.
Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường đi kèm với chi phí cao. Trong khi doanh thu của Sea trong quý II/2020 đã đạt mốc 882 triệu USD, cao hơn gấp đôi với cùng kỳ năm trước, khoản lỗ ròng của tập đoàn cũng tăng 40% lên mốc 393 triệu USD. Việc Đông Nam Á đang trở thành thị trường tiềm năng cho các công ty kỹ thuật số mới nổi sẽ khiến Sea đối mặt với mức độ cạnh tranh cao hơn.
Các mảng kinh doanh của Sea
Lĩnh vực kinh doanh chính của Sea là trò chơi trực tuyến. Hiện tại, có khoảng hơn 500 triệu người chơi trên toàn cầu đang chơi các tựa game do Sea quản lý.
Free Fire đã trở thành tựa game đầu tiên do Sea tự phát triển và được phát hành vào năm 2017. Tựa game được thiết kế với cấu hình ở mức vừa phải và tương thích với hầu hết dòng điện thoại thông minh.
Hiện tại, chúng tôi sẽ không tham gia vào một lĩnh vực nào khác.
Forrest Li chia sẻ về 3 lĩnh vực kinh doanh chính của Shopee, gồm game, thương mại điện tử và thanh toán.
"Chúng tôi đã vận hành nhiều tựa game với các nhà phát triển trò chơi điện tử tại khu vực Đông Nam Á . Vì vậy, chúng tôi hiểu được những gì mà người chơi tại khu vực này yêu thích", ông Li nói thêm.
Thu nhập từ lĩnh vực game giúp tập đoàn có thể đầu tư cho các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Sea sở hữu Shopee, nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, tập đoàn của Forrest Li cũng đang mở rộng lĩnh kinh doanh khi cố gắng khai thác vào mảng thanh toán kỹ thuật số và một số dịch vụ tài chính khác . Ông Li nói thêm rằng hình thức thanh toán điện tử là "nền móng" của nền kinh tế kỹ thuật số.
Lý do Sea đang được định giá ở mức cao là nhờ vào sự kết hợp giữa các lĩnh vực kinh doanh bao gồm trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và tài chính. Đây là điều mà những gã khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba hay Tencent đã làm được.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác để các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng của Sea là việc tập đoàn này đang hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, nơi có tới hơn 650 triệu dân nhưng lại có nhiều cơ hội phát triển hơn so với Mỹ và Trung Quốc.
"Độ phổ biến và tỷ lệ thâm nhập của các dịch vụ kỹ thuật số tại Đông Nam Á vẫn còn thấp hơn nhiều so với Bắc Mỹ và các khu vực khác trên thế giới", Justin Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á của United First Partners tại Singapore cho biết.
Điểm sáng của thị trường
Sự phát triển nhanh chóng của Sea là điều đáng chú ý vào thời điểm một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số của Đông Nam Á đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19. Hai công ty nổi bật nhất trong khu vực là Grab và Gojek được biết đến như những ông lớn do có mức định giá hơn 10 tỷ USD gần đây đã buộc phải cắt giảm nhân viên do ảnh hưởng từ đại dịch.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của Sea cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một minh chứng điển hình cho rủi ro là tập đoàn tiếp tục thua lỗ lớn trong năm 2019 và nửa đầu 2020.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Li cho biết nếu giảm chi phí marketing, tập đoàn của ông có thể sinh lời bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, do phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Lazada hay Tiki khiến việc cắt giảm chi phí marketing là điều bất khả thi.
"Tập đoàn có thể thu được lợi nhuận từ lĩnh vực thương mại điện tử nếu không tập trung vào việc thu hút khách hàng. Tuy nhiên, do cần giành thị phần, chi phí cho marketing có thể không giảm trong thời gian tới", Sachin Mittal, nhà phân tích công nghệ tại DBS Group Holdings nói với Nikkei Asia.
Khi nói đến các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, mức độ thâm nhập và phổ biến của Sea là tương đối thấp khi so sánh với một số đối thủ trong khu vực và những gã khổng lồ trong ngành công nghệ đến từ Trung Quốc như Ant Group, nhà điều hành Alipay.
Mittal chỉ ra rằng mảng thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số của Sea dự kiến sẽ tiếp tục báo lỗ trong khoảng 2 năm nữa do sự cạnh tranh khốc liệt và dựa trên cơ sở điều chỉnh thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao.
Liên quan đến mối quan hệ với Tencent, công ty đang sở hữu 25,6% cổ phần của Sea và là cổ đông lớn, ông Li cho biết Sea có quyền từ chối xuất bản các tựa game của Tencent tại những thị trường quan trọng ở Đông Nam Á. Mối liên hệ này cũng không khiến Sea gặp nguy khi Mỹ cấm WeChat.
“Chúng tôi là một công ty đến từ Singapore và được niêm yết tại Sàn chứng khoán New York. Tencent đã đầu tư vào nhiều công ty trên toàn cầu, và chúng tôi chỉ là một trong số đó", Forrest Li chia sẻ.