Sự bất định trong thương mại sẽ còn tiếp tục sau những tuyên bố của Tổng thống Trump

Lo ngại về căng thẳng thương mại leo thang đã quay trở lại sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể thúc đẩy mức thuế 50% đối với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ ngày 1/6 và cảnh báo Apple rằng có thể đối mặt với mức thuế 25% đối với tất cả iPhone nhập khẩu vào Mỹ.

Hai mối đe dọa song song được đưa ra thông qua phương tiện truyền thông xã hội vào ngày 23/5 đã làm chao đảo thị trường toàn cầu sau nhiều tuần căng thẳng thương mại hạ nhiệt đã góp phần thúc đẩy sự hồi phục của thị trường tài chính. Trong phiên giao dịch ngày 23/5, các chỉ số cổ phiếu lớn của Mỹ và cổ phiếu châu Âu đã sụt giảm và đồng đô la suy yếu, trong khi vàng tăng giá. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng sụt giảm do lo ngại về tác động của thuế quan đối với tăng trưởng kinh tế.

"Tôi cho rằng khi chúng ta tiến gần hơn đến thời điểm kết thúc của khung thời gian 90 ngày cho các cuộc đàm phán thương mại này, thị trường thực sự sẽ bắt đầu tập trung vào thuế quan ngày càng nhiều hơn", Paul Hickey, đồng sáng lập của Bespoke Investment Group cho biết. Việc tạm dừng áp thuế của Tổng thống Trump sẽ kết thúc vào ngày 9/7.

Đòn tấn công thuế quan của Tổng thống Trump nhằm vào EU được thúc đẩy bởi niềm tin của Nhà Trắng rằng các cuộc đàm phán với EU đang không tiến triển đủ nhanh. Tuyên bố tăng thuế đối với EU của Tổng thống Trump đã đánh dấu sự trở lại của cuộc chiến thương mại đã làm rung chuyển thị trường trước đó, và làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, đòn tấn công của tổng thống Trump vào Apple cũng là nỗ lực mới nhất của Tổng thống Mỹ nhằm gây sức ép buộc một công ty cụ thể phải dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Mỹ, sau các nhà sản xuất ô tô, công ty dược phẩm và sản xuất chip. Tuy nhiên, Mỹ không sản xuất hàng loạt điện thoại thông minh - ngay cả khi người tiêu dùng Mỹ mua hơn 60 triệu điện thoại mỗi năm - và việc chuyển sản xuất có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất của iPhone lên gấp nhiều lần.

Ngoài ra, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục rằng mức thuế đề xuất đối với Apple cũng có thể được áp dụng cho "Samsung và bất kỳ hãng nào khác". Ông Trump cho biết, mức thuế mới đối với điện thoại thông minh có thể sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 6.

"Tôi không tìm kiếm một thỏa thuận…Chúng tôi đã thiết lập thỏa thuận - ở mức 50%. Nhưng một lần nữa, sẽ không có thuế quan nếu họ xây dựng nhà máy ở đây", Tổng thống Trump cho biết về vấn đề liên quan tới thỏa thuận thương mại với EU.

Trong khi đó, Ủy viên thương mại EU, Maros Sefcovic cho biết, Ủy ban châu Âu đã cam kết hoàn toàn đảm bảo một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên sau cuộc điện đàm vào ngày 23/5 với Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. Ông nói thêm rằng thương mại EU-Mỹ "phải được hướng dẫn bởi sự tôn trọng lẫn nhau, không phải là đe dọa".

Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cho biết, ông ủng hộ chiến lược của EU trong các cuộc đàm phán thương mại và EU có thể sẽ xem thông báo mới nhất này là một phần của các cuộc đàm phán. "Chúng tôi đã thấy trước đây rằng thuế quan có thể tăng và giảm trong các cuộc đàm phán với Mỹ", ông cho biết.

Nhà Trắng đã tạm dừng hầu hết các mức thuế trừng phạt mà Tổng thống Trump công bố vào đầu tháng 4 đối với hầu hết mọi quốc gia trên thế giới sau khi các nhà đầu tư bán tháo tài sản của Mỹ bao gồm trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng đô la. Tổng thống Trump hiện vẫn giữ nguyên mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu và sau đó đã giảm mức thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30%.

Mặt khác, mức thuế 50% đối với hàng nhập khẩu của EU, nếu Mỹ áp dụng, sẽ có thể làm tăng giá tiêu dùng đối với mọi hàng hóa từ khu vực này.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ năm ngoái lên tới khoảng 500 tỷ euro (566 tỷ USD), dẫn đầu là Đức (161 tỷ euro), Ireland (72 tỷ euro) và Ý (65 tỷ euro). Theo dữ liệu của EU, dược phẩm, ô tô và phụ tùng ô tô, hóa chất và máy bay nằm trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ.

Tranh chấp về vấn đề thuế quan

Nhà Trắng đã đàm phán thương mại với nhiều quốc gia, nhưng tiến độ vẫn chưa ổn định.

"EU là một trong những khu vực mà Tổng thống Trump không ưa thích nhất và ông ấy dường như không có mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo của EU, điều này làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai bên", Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại XTB cho biết.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Nhật Bản có vẻ bớt căng thẳng hơn.

Sau cuộc họp riêng với Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhật Bản, Ryosei Akazawa cho biết hai bên đã thảo luận về việc mở rộng thương mại, các rào cản phi thuế quan và các vấn đề an ninh kinh tế. Ông mô tả các cuộc đàm phán giữa hai bên là thẳng thắn và sâu sắc hơn so với các cuộc đàm phán trước đó.

Phát biểu với các phóng viên, ông Akazawa cho biết, mặc dù sẽ rất tuyệt nếu có thể đạt được thỏa thuận khi Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng tới tại Canada, nhưng ông sẽ không vội vàng chỉ để đảm bảo một thỏa thuận thương mại.

"Đất nước chúng ta có những lợi ích quốc gia cần được bảo vệ, vì vậy chỉ nhanh chóng đạt được thỏa thuận là không đủ…Là một nhà đàm phán, tôi có thể nói rằng trong các cuộc đàm phán, bên nào tuân thủ thời hạn thường sẽ thua cuộc", ông Akazawa cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ không bình luận về các thỏa thuận thương mại tiềm năng khác, nhưng ông cho biết trên Fox News rằng, sẽ có nhiều thỏa thuận được công bố hơn khi thời hạn tạm dừng áp thuế qua lại trong 90 ngày sắp kết thúc vào tháng 7.

Mặt khác, Apple đang đẩy nhanh kế hoạch sản xuất hầu hết iPhone được bán tại Mỹ tại các nhà máy ở Ấn Độ vào cuối năm 2026 để tránh mức thuế quan có thể cao hơn ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, khả năng chuyển dây chuyền sản xuất sang Mỹ lại càng mong manh. Vào tháng 2, Apple cho biết sẽ chi 500 tỷ USD trong bốn năm tại 9 bang của Mỹ, nhưng khoản đầu tư đó không nhằm mục đích đưa hoạt động sản xuất iPhone đến Mỹ.

"Thật khó để tưởng tượng rằng Apple có thể tuân thủ hoàn toàn yêu cầu này của tổng thống trong 3-5 năm tới", nhà phân tích Gil Luria của D.A. Davidson & Co. cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/su-bat-dinh-trong-thuong-mai-se-con-tiep-tuc-sau-nhung-tuyen-bo-cua-tong-thong-trump-post369903.html