Sự cần thiết thành lập nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại (*)

Sự thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại là xu hướng tất yếu trong thời đại phát triển của xã hội, trong đó có sự phát triển của Phật giáo Việt Nam; đồng thời để bảo vệ những quyền lợi chính yếu của Phật giáo trước những tác động xâm lấn của những đối tượng 'không thân thiện'.

Thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại là xu hướng tất yếu trong thời đại phát triển của xã hội, trong đó có sự phát triển của Phật giáo Việt Nam; đồng thời để bảo vệ những quyền lợi chính yếu của Phật giáo trước những tác động xâm lấn của những đối tượng “không thân thiện”.

Tác giả: TS. Thích Lệ Quang
Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.

Tóm tắt: Truyền thống Phật giáo xem Giới luật là nền tảng cốt lõi của quá trình tu tập, chuyển hóa con người Phật giáo trở thành một người có đầy đủ phẩm chất đạo đức, một vị tu sĩ có đạo hạnh, hữu ích cho xã hội và cao hơn nữa là đạt đến sự giác ngộ, giải thoát, chứng quả Bồ đề.

Vì vậy, trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, các luật sư Phật giáo luôn luôn là những vị được tôn kính, là mô phạm cho sự đào tạo các tu sĩ trẻ những điều Giới luật của Phật giáo trên bước đường hành đạo. Tuy nhiên, trong thời đại xã hội hóa, toàn cầu hóa, khi mọi vấn đề xã hội và giới tu sĩ đã trở nên phức tạp, nhất là sự phát triển không kiểm soát của không gian mạng, thì luật sư về Giới luật Phật giáo không còn đủ sức lực để bảo vệ chính mình trong điều kiện mới của xã hội.

Do đó, sự cần thiết phải thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại, để đối phó với những tác động không mong muốn và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Phật giáo là một nhu cầu tất yếu trong xã hội ngày nay. Bài viết tập trung trình bày về Nhóm nghiên cứu thông tin Phật giáo trên không gian mạng; sự cần thiết thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại. Mục đích của việc thành lập là để tìm ra giải pháp tốt hơn, giúp bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi của Phật giáo trong tương lai.

Từ khóa: Luật sư Phật giáo đối ngoại, không gian mạng, nghiên cứu thông tin, Phật giáo.

Trong Luật Ma Ha Tăng Kỳ viết: “Thiện nam tử nào muốn xây dựng Phật pháp, cần phải quyết tâm thọ trì luật này. Vị nào muốn cho Phật pháp cửu trụ tại thế gian, cần phải quyết tâm thọ trì luật này” [1]. Do vậy, Giới luật Phật giáo từ xưa cho đến ngày nay đóng một vai trò hết sức to lớn và có ý nghĩa rất sâu sắc trong chốn thiền môn. Mặc dù, Phật giáo hiện nay có hai hệ phái Nam truyền Phật giáo và Bắc truyền Phật giáo, nhưng Giới luật vẫn là nền móng quan trọng của các hệ phái để duy trì mạng sống của Tăng già.

Truyền thống Phật giáo xem Giới luật Phật giáo là nền tảng cốt lõi của quá trình tu tập, chuyển hóa con người Phật giáo trở thành một người có đầy đủ phẩm chất đạo đức, một vị tu sĩ có đạo hạnh, hữu ích cho xã hội và cao hơn nữa là đạt đến sự giác ngộ, giác thoát, chứng quả Bồ đề. Vì vậy, trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, các luật sư Phật giáo luôn luôn là những vị được tôn kính, là mô phạm cho sự đào tạo các thế hệ tu sĩ trẻ những điều Giới luật của Phật giáo trên bước đường hành đạo.

Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, xã hội hóa, toàn cầu hóa ngày càng đa chiều, khi mọi vấn đề xã hội và giới tu sĩ đã trở nên phức tạp, nhất là sự phát triển không kiểm soát của không gian mạng, thì luật sư về Giới luật Phật giáo không còn đủ sức lực để bảo vệ chính mình trong điều kiện mới của xã hội. Cách tiếp cận theo phương pháp truyền thống đã bị phá vỡ bởi sự thay đổi của xã hội con người.

Chính sự vận động và phát triển của xã hội, đã phát sinh nhiều hệ phái chính thống, phi chính thống, các trào lưu tư tưởng mới, tác động không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của Phật giáo, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, không gian mạng trở nên phức tạp và có chiều hướng ngày càng tiêu cực đối với Phật giáo.

Vì vậy, sự cần thiết phải thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại, để đối phó với những tác động không mong muốn và bảo vệ nền tảng tư tưởng Phật giáo là một nhu cầu tất yếu trong xã hội hiện đại. Do đó, cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, khoa học về các thông tin Phật giáo từ không gian mạng và thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại.

Nhóm nghiên cứu thông tin Phật giáo trên không gian mạng

Trước hết, không gian mạng (cyberspace) được giải thích và quy định rõ trong Luật An ninh mạng 2018, tại khoản 3 Điều 2, như sau: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”.

Do vậy, không gian mạng hay còn gọi là không gian ảo, là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Khái niệm không gian mạng được phát triển phổ biến nhất vào những năm 1990, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 phát triển vượt bậc về các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, kĩ thuật số, hệ thống điện toán, thông tin liên lạc và sự bùng nổ của mạng internet toàn cầu, nó đánh dấu sự thành tựu quan trọng của nhân loại về sự tiến bộ khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp.

Có thể nói, không gian mạng là một môi trường thực tế ảo cho tất cả mọi tầng lớp từ người giàu, người nghèo, người trung lưu, bình dân, thứ dân cho đến các quan chức, tôn giáo, chính khách…đều có thể tương tác, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, phát triển kinh doanh, nghề nghiệp, trao dồi kiến thức, đạo đức, vui chơi trò chuyện, khoa học, nghệ thuật, thảo luận chính trị…tương tác xã hội hết sức hiệu quả, nhanh chóng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đem đến cho con người về mặt công nghệ, những lợi ích đối với xã hội loài người, là một ẩn số tiềm tàng của sự nguy hiểm do nó tạo ra, tác động to lớn đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của con người trên toàn thế giới.

Thông qua mạng truyền thông toàn cầu, những cá nhân, công ty, tập đoàn, tổ chức, nhà nước, tôn giáo…đều trở thành nạn nhân của sự lừa đảo qua mạng, nhằm chiếm đoạt tài sản, chiếm quyền truy cập tài khoản bằng những mã độc để thực hiện hành vi tống tiền và công kích, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, tôn giáo qua mạng xã hội.

Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin & Truyền thông, cho thấy chỉ riêng trong 11 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet, trong đó sự lừa đảo, giả mạo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng chiếm tỷ lệ nhiều nhất, khoảng 91% trong các vụ lừa đảo khác.

Sự thiếu nhận thức và sử dụng mạng truyền thông internet, đã trở thành điểm yếu cho các đối tượng lừa đảo công nghệ mạng ra sức khai thác, tấn công vào lỗ hổng bảo mật, điểm yếu của tài khoản các cá nhân và đặc biệt là hiện nay xu hướng tấn công mạng bằng mã độc tống tiền (ransomare), ngày càng tăng cao trong các hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân.

Mặt khác, xu hướng bôi nhọ, phá hoại, nói xấu, đặt chuyện…ngày càng trở nên thịnh hành trong những năm gần đây trên cộng đồng mạng, hết sức phức tạp. Những đối tượng theo “chủ nghĩa cơ hội” đã lợi dụng những điểm yếu của con người trong cuộc sống, để tung tin, phỉ báng, bôi nhọ, nhằm mục đích lợi lộc cá nhân. Nếu không chiếm hữu được lợi lộc thì sẽ không có đối tượng “cơ hội” xuất hiện, nhưng vì lợi lộc được sở hữu nên những đối tượng “cơ hội” đã xuất hiện và trở nên nguy hiểm đối với con người.

Đặc biệt là hiện nay, những đối tượng có “quan điểm lệch lạc” đối với Phật giáo, những thành phần “bất hảo”, “không thân thiện” với Phật giáo, đã tung tin, truyền bá những “quan điểm lệch pha” về tư tưởng và hình ảnh Tăng đoàn Phật giáo, nhằm làm thay đổi quỹ đạo của Phật giáo trong lộ trình truyền pháp lợi sinh. Do đó, để đối phó với những “UAV bầy đàn” không thân thiện và những tư tưởng lệch pha về nhận thức, chúng ta nên cần một hệ thống “tác chiến điện tử” đủ mạnh để ngăn ngừa và vô hiệu hóa nó.

Điều đó, có nghĩa là Giáo hội nên thành lập một đội ngũ hay một Nhóm chuyên viên có trình độ cao về kiến thức Phật học, thế học, luật học, trình độ về quản trị mạng, để nghiên cứu, tìm hiểu hết sức kỹ lưỡng những vấn đề phát sinh của Phật giáo từ không gian mạng. Nhất là, những thông tin, hình ảnh của chư Tăng, Ni, những bài thuyết pháp có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và giáo lý Phật giáo; những lời trích, bôi nhọ, công kích, nói xấu, gây bất lợi về Giáo hội Phật giáo, Tăng đoàn Phật giáo.

Từ đó, làm cơ sở dữ liệu cho Giáo hội ra những quyết định để xử lý một cách dung hòa, hợp tình hợp lý, nhưng đủ mạnh để giải quyết các vấn đề bất lợi đối với Phật giáo. Điều mấu chốt hiện nay, là Giáo hội cần thiết thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại trong tình hình mới.

Sự cần thiết thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại

Luật sư chuyên trách về Giới luật của Phật giáo đã được thành lập cùng với ra đời của đạo Phật cách đây khá lâu và nó giữ một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống Giới luật của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng. Vấn đề được đặt ra là, tại sao chúng ta cần phải thành lập “Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại” trong tình hình mới hiện nay?

Trong xu hướng hiện nay, khi nền tảng mạng xã hội trở nên khá phức tạp, đặc biệt là sự công kích, phỉ báng, bôi nhọ nhân phẩm tu sĩ, làm mất uy tín Tăng đoàn của Phật giáo hiện nay với tầng suất ngày càng tăng về mức độ nguy hiểm, nó tỷ lệ nghịch với niềm tin Phật giáo ngày càng suy giảm, mà nguyên nhân của nó đến từ những yếu tố khách quan cũng như chủ quan trong cộng đồng mạng.

Do đó, vai trò của luật sư Phật giáo theo quan điểm truyền thống là chưa đủ sức lực để bảo vệ quyền lợi và những giá trị cốt lõi của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cần thiết phải có đội ngũ luật sư Phật giáo đối ngoại theo đúng nghĩa của nó. Bởi vì, luật sư là: “Người có chức trách dùng pháp luật bào chữa cho bị can trước tòa án” [2].

Sự thành lập Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại là xu hướng tất yếu trong thời đại phát triển của xã hội, trong đó có sự phát triển của Phật giáo Việt Nam; đồng thời để bảo vệ những quyền lợi chính yếu của Phật giáo trước những tác động xâm lấn của những đối tượng “không thân thiện”, thì Giáo hội Phật giáo cũng cần suy xét lại vấn đề này.

Chẳng hạn, đối với những đối tượng có ý đồ bôi nhọ, phỉ báng làm mất uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; bôi nhọ, nói xấu đức Pháp chủ Phật giáo Việt Nam; làm mất uy tín của đức Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung Ương Phật giáo thì chúng ta cần phải có luật sư để khởi kiện họ ra tòa về tội làm mất uy tín, nhân phẩm của một công dân hoặc tổ chức.

Chúng ta cũng nên hiểu rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Phật giáo chính thống, được nhà nước công nhận, chính quyền bảo hộ. Sự suy cử chức danh lãnh đạo đó, được sự đồng thuận nhất trí của tập thể lãnh đạo Phật giáo và sự tôn trọng của tín đồ Phật giáo, hơn nữa là sự đồng thuận của chính phủ.

Do đó, đòi hỏi cần phải có luật sư am hiểu về pháp luật nhà nước, luật tín ngưỡng tôn giáo, thông suốt về Giới luật của Phật giáo, để tham mưu cho lãnh đạo Giáo hội những vấn đề cấp bách mang tính thời sự. Ban Pháp chế và những luật sư trong Phật giáo chỉ giới hạn trong lĩnh vực nội bộ Phật giáo, vì vậy đối với những vấn đề vừa mang tính chất Phật giáo vừa mang tính chất xã hội, thì rất hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề như hiện nay. Chúng ta có thể thành lập hai bộ phận chuyên trách về luật trong Giáo hội:

Thứ nhất, bộ phận chuyên trách về luật của Phật giáo: Là những người, nhóm người có trình độ, có chuyên môn, am hiểu về Giới luật Nam truyền, Bắc truyền của Phật giáo, làm tham mưu cho giới lãnh đạo Giáo hội giải quyết, ngăn chặn, đề phòng trong những tình huống xảy ra không nhưng mong muốn đối với giới tu sĩ Phật giáo, Phật tử, tự viện…; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới tu sĩ.

Thứ hai,bộ phận chuyên trách về pháp luật nhà nước: Là những người, nhóm người có trình độ thế học, trình độ luật học, am hiểu về pháp luật nhà nước, luật tín ngưỡng tôn giáo, luật dân sự; đồng thời am hiểu về luật của Phật giáo, bao gồm các thông tin, văn bản, các nghị quyết của Phật giáo.

Từ đó họ có cái nhìn tổng thể về mối quan hệ giữa Phật giáo và pháp luật, làm tham mưu cho giới lãnh đạo Giáo hội, các vấn đề liên quan đến xã hội, như khởi kiện những người làm mất uy tín Giáo hội, bôi nhọ nhân phẩm tu sĩ, nói sai sự thật về lĩnh vực Phật giáo, bảo vệ chính đáng quyền và lợi ích hợp pháp của Phật giáo…

Sự kết hợp đồng bộ hai bộ phận này, với vai trò là chủ thể trong một tổ chức Giáo hội hiện nay, sẽ góp phần đáng kể trong việc quản lý Tăng, Ni và hạn chế được những tác động xấu từ yếu tố bất lợi bên ngoài đối với Phật giáo. Phật giáo không chủ trương đối đầu, Phật giáo yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, yêu thương, Từ bi.

Tuy nhiên, Phật giáo không phải nhu nhược, bi quan, trước những tác động tiêu cực, góp phần gây bất lợi về niềm tin của tín đồ Phật giáo, trước sự xâm lấn của những đối tượng “không thân thiện”, những kẻ theo “chủ nghĩa cơ hội”, những kẻ “ảo thuật” cuộc sống làm cho sự thật trở thành trò giả dối vì mục đích lợi lộc. Giáo hội cần có những “bước đi mới” trong xu hướng phức tạp của xã hội ngày nay.

Tóm lại, Trong xu hướng xã hội hóa và sự hội nhập sâu rộng như hiện nay, thì Phật giáo cần có những bước đi mới, phù hợp với tiến trình phát triển của dân tộc. Sự trân trọng, tôn kính đối với những thành quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cống hiến cho quần chúng nhân dân, cho sự đoàn kết dân tộc trong những năm qua là một sự thật không thể đảo ngược.

Mặc dù vậy, con đường phía trước của Phật giáo Việt Nam đang đứng trước những thử thách mới, trước những tác động của yếu tố nội tại cũng như ngoại tại, mà Phật giáo cần phải đối đầu giải quyết. Do đó, đứng trước những đòi hỏi của nhu cầu thực tiễn xã hội hiện nay “không phải lời nói là quan trọng, không phải im lặng là quan trọng, mà cũng không phải vô vi thụ động là quan trọng”, mà chúng ta phải biết hành động “đúng thời, đúng lúc, phù hợp với sự biến đổi của xã hội trong tình hình mới hiện nay”.

Trong đó, sự cần thiết thành lập Nhóm nghiên cứu thông tin Phật giáo trên không gian mạng và Nhóm luật sư Phật giáo đối ngoại, sẽ góp phần giảm bớt sự hạn chế phát sinh không vốn có của chúng ta và sự tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài đối với Phật giáo. Phải chăng, đây là một ý kiến nhỏ trong muôn ngàn ý kiến hữu ích đóng góp cho Phật giáo trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Tác giả: TS. Thích Lệ Quang
Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành, Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, 2011.

Ngụy Hữu Tâm, Nguyễn Hoài Bão (dịch), Từ điển Xã hội học, NXB. Thế giới, 2002.

Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán – Việt, NXB. Khoa học xã hội, 2012.

Thích Đổng Minh (dịch), Trùng trị Tỳ ni sự nghĩa tập yếu, tập 1, NXB. Tôn giáo, 2011.

Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của con người, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1970.

***

CHÚ THÍCH

[1] Thích Đổng Minh (dịch), Trùng trị Tỳ ni sự nghĩa tập yếu, tập 1, Nxb. Tôn giáo, 2011, tr. 39.

[2] Nguyễn Như ý (chủ biên), Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia TP. HCM, tr.970.

(*) Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm và cách hành văn của tác giả.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/su-can-thiet-thanh-lap-nhom-luat-su-phat-giao-doi-ngoai.html