Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân nhờ thực hiện Đề án 818

Thay vì thói quen trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để được sử dụng miễn phí các dịch vụ DS-KHHGĐ thì hiện nay, người dân đã chủ động trả tiền để được lựa chọn sản phẩm và dịch vụ phù hợp với khả năng và nhu cầu.

Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2020" (Đề án 818) được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ năm 2015.

Khi tiếp nhận triển khai Đề án, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng xác định việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi thực tế một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa coi trọng việc sử dụng các dịch vụ KHHGĐ, vẫn tồn tại tư tưởng muốn có nhiều con, đặc biệt ở những gia đình kinh tế phát triển.

Tư vấn các hương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người dân tại Thái Bình. Ảnh: BTB

Tư vấn các hương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người dân tại Thái Bình. Ảnh: BTB

Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, phương tiện tránh thai để sử dụng mà vẫn quen sử dụng miễn phí do Nhà nước tài trợ. Khi không còn được cấp phát mà phải bỏ tiền túi ra mua để sử dụng với họ cũng là vấn đề lớn, không phải việc dễ dàng chấp thuận ngay.

Vì vậy, theo bà Đoàn Thị Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình, để thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ dần xóa bỏ thói quen được bao cấp phương tiện tránh thai cần phải tiến hành từng bước, không thể làm trong một sớm một chiều. Cần phát huy hơn nữa công tác truyền thông bằng nhiều hình thức.

Không chỉ dừng lại ở các hội nghị truyền thông tại xã, tại thôn mà cần sự tuyên truyền tích cực, bền bỉ của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số để người dân chấp nhận tìm đến, lựa chọn và sử dụng lâu dài các dịch vụ KHHGĐ/SKSS thuộc Đề án.

Thời gian qua, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã tích cực truyền thông, đưa các sản phẩm phương tiện tránh thai, KHHGĐ của Đề án vào cuộc sống, giúp người dân chủ động trong việc lựa chọn các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Đơn cử, tại xã Song Lãng (huyện Vũ Thư) có dân số hơn 8.200 người, trong đó có hơn 1.800 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 49. Thời gian qua, địa phương đã tích cực truyền thông về xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho người dân.

Ngoài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, Trạm Y tế và cộng tác viên dân số còn tổ chức tuyên truyền trực tiếp tới các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hoặc lồng ghép qua các hội nghị. Nhờ đó, nhận thức của các cặp vợ chồng trong việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS, tự nguyện áp dụng các phương tiện tránh thai được nâng lên. Hiện tại, tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn xã thấp, chiếm khoảng 6,6% tổng số sinh. Số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng cao.

Tương tự tại Thái Thụy, tuy là huyện ven biển song được đánh giá là một trong những địa phương triển khai Đề án có hiệu quả nhất trong tỉnh. Song song với hoạt động tập huấn cho đội ngũ cán bộ dân số các xã, thị trấn về cách thức tuyên truyền, giới thiệu và bán sản phẩm, huyện cũng xác định đối tượng ưu tiên để tuyên truyền là đội ngũ giáo viên tại các trường học và người lao động tại các doanh nghiệp, bởi đây là những đối tượng có nguồn thu nhập ổn định so với các đối tượng khác.

Theo bà Vũ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, năm 2016, Đề án 818 được triển khai trên địa bàn, người dân rất đồng tình ủng hộ. Đến nay, dù các phương tiện tránh thai không còn miễn phí như trước song để người dân hiểu về lợi ích của việc chăm sóc SKSS, các dịch vụ KHHGĐ, Trung tâm Y tế đã tăng cường tuyên truyền cho hội viên hội phụ nữ, giáo viên, học sinh... đồng thời duy trì cung ứng các phương tiện tránh thai, hàng hóa, dịch vụ KHHGĐ/SKSS xã hội hóa về cơ sở.

Còn tại huyện Đông Hưng, từ năm 2017, thay vì thói quen trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước để được sử dụng miễn phí các dịch vụ DS-KHHGĐ thì hiện nay, người dân đã chủ động trả tiền để được lựa chọn sản phẩm và dịch vụ phù hợp với khả năng và nhu cầu.

Nhờ việc triển khai đồng bộ các hoạt động đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt 72,2%.

Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình tiếp tục thực hiện đẩy mạnh hoạt động của Đề án 818 theo Quyết định 718/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 25/2/2019 phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030, trong đó, chú trọng các dịch vụ sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung tại cộng đồng.

Anh Khôi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/su-chuyen-bien-tich-cuc-trong-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-nho-thuc-hien-de-an-818-172221217042347538.htm