Sự điều chỉnh chiến lược của Saudi Arabia

Giới phân tích đánh giá Saudi Arabia đang có sự điều chỉnh chiến lược trong chính sách ngoại giao của mình.

65 công dân Iran được quân đội Saudi Arabia sơ tán khỏi Sudan do chiến sự đã được chào đón tại thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ. Khi họ lên máy bay chuẩn bị rời Saudi Arabia, một quan chức cấp cao của quân đội nước này đã lên tận máy bay gửi lời chào tạm biệt đầy thân tình. Những hình ảnh này được phát sóng trên truyền hình nhà nước của cả Saudi Arabia lẫn Iran.

“Người Iran được chào đón thân thiện dựa theo chỉ thị của ban lãnh đạo, từ Quốc vương cho đến Thái tử. Đây cũng là đất nước của các bạn. Nếu các bạn cần gì ở Saudi Arabia, các bạn luôn được chào đón. Iran và Saudi Arabia là anh em”, Thiếu tướng Ahmed Al-Dabais, chỉ huy lực lượng quân đội ở khu vực miền Tây của Saudi Arabia nói khi nắm tay Đại biện lâm thời Iran tại Saudi Arabia Hassan Zarangar.

Trong một bài viết mới đây, CNN cho biết vài tháng trước, không ai có thể tưởng tượng đến những hình ảnh như vậy bởi Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ với Iran vào năm 2016 sau khi người biểu tình nước Cộng hòa Hồi giáo đốt phá đại sứ quán nước này tại Iran để phản đối việc một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite bị Riyadh hành quyết. Tuy nhiên, vào tháng 3 vừa qua, hai bên đã nhất trí nối lại quan hệ ngoại giao sau gần 7 năm đối đầu.

 Hải quân Saudi Arabia hỗ trợ trẻ em tại thành phố Jeddah vốn được lực lượng này sơ tán trước đó khỏi Sudan, ngày 24-4-2023. Ảnh: Reuters.

Hải quân Saudi Arabia hỗ trợ trẻ em tại thành phố Jeddah vốn được lực lượng này sơ tán trước đó khỏi Sudan, ngày 24-4-2023. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, Saudi Arabia hiện đang nỗ lực nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế cũng như hàn gắn quan hệ với các “cựu thù”. Những nỗ lực ngoại giao đề cập ở trên chính là động thái mới nhất định vị vai trò kiến tạo hòa bình của Saudi Arabia.

“Có một chính sách đối ngoại mới đang được triển khai. Saudi Arabia đang ngày càng nỗ lực tự khẳng định mình hơn nữa trên trường quốc tế thông qua vai trò trung gian hòa giải và nâng cao hình ảnh ngoại giao của mình”, bà Anna Jacobs, chuyên gia phân tích thuộc International Crisis Group, một tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Brussels (Bỉ) nhận định.

Trong bối cảnh giao tranh bùng phát tại Sudan, truyền thông Saudi Arabia đăng tải những hình ảnh cho thấy các lực lượng của Riyadh sơ tán hàng nghìn người từ thành phố cảng Port Sudan (Sudan) tới thành phố Jeddah (Saudi Arabia) trong một hành trình dài 12 giờ đồng hồ qua Biển Đỏ. Theo giới chức Saudi Arabia, hơn 5.000 người được sơ tán thuộc 100 quốc tịch khác nhau.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để giảm bớt cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi đang đi đầu trong nỗ lực này, đồng thời hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ cùng các đối tác khu vực và quốc tế. Riyadh đang cố gắng thúc đẩy một tiến trình chính trị và đối thoại toàn diện nhằm khôi phục hòa bình, ổn định cho Sudan”, Fahad Nazer, phát ngôn viên Đại sứ quán Saudi Arabia tại Mỹ nhấn mạnh.

Với sự hỗ trợ của Mỹ, vừa qua, Saudi Arabia đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Saudi Arabia được cho là đang cùng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mỹ và Ai Cập nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn khác giữa SAF và RSF tại Sudan.

“Nỗ lực của Saudi Arabia tại Sudan là cơ hội để cộng đồng quốc tế tận dụng được nguồn lực đáng kể của Riyadh ở khu vực Biển Đỏ nhằm hỗ trợ quốc gia Đông Phi. Và điều này đem lại ấn tượng tốt đẹp về Saudi Arabia”, Ali Shihabi, một chuyên gia phân tích tại Saudi Arabia khẳng định.

CNN cho biết chính sách ngoại giao mới của Saudi Arabia được triển khai khi Riyadh ưu tiên tăng trưởng kinh tế trong nước-vốn phụ thuộc vào tình hình ổn định trong khu vực. Nền kinh tế có quy mô hơn 1.000 tỷ USD này đang hướng tới trở thành một trung tâm kinh doanh và du lịch trọng yếu của khu vực cũng như một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Cũng theo CNN, ngoài Iran, Saudi Arabia đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong khi tìm cách rút khỏi Yemen sau khi can thiệp vào cuộc nội chiến tại đây từ năm 2015. Nỗ lực hòa giải của Riyadh còn vượt ra ngoài khu vực Trung Đông khi năm ngoái Saudi Arabia tuyên bố đã làm trung gian cho một thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine.

Saudi Arabia được xem là cái nôi của Hồi giáo khi các địa điểm linh thiêng nhất của tôn giáo này đều nằm ở đây, đồng thời lại là một trong những quốc gia Arab giàu có nhất. Vì vậy, Saudi Arabia được đánh giá có đủ tầm ảnh hưởng để “đưa các bên tranh cãi vào bàn đàm phán”. “Mỗi khi có thể, Saudi Arabia đều muốn sử dụng tầm ảnh hưởng ấy để giảm căng thẳng”, chuyên gia Shihabi nhấn mạnh.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/su-dieu-chinh-chien-luoc-cua-saudi-arabia-727598

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/582006-su-dieu-chinh-chien-luoc-cua-saudi-arabia.html