Sử dụng điện thoại trong trường học: Nói không hay linh hoạt?

Ngành GD&ĐT đã và đang thực hiện chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, trong đó có việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Việc đổi mới phương pháp dạy và học trong tình hình mới không thể thiếu những thiết bị thông minh có kết nối internet để khai thác tối đa kho tàng kiến thức phục vụ học tập. Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định Điều lệ trường THCS-THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học cho phép học sinh 'sử dụng điện thoại di động' trong giờ học nhưng cũng ghi rõ 'phải được giáo viên đồng ý'. Thực tế thời gian qua, mỗi trường đã có quy định khác nhau về việc cho hay không cho học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp.

Nơi nói không, nơi linh hoạt

Cất điện thoại vào khay trước khi vào học đã trở thành thói quen của mỗi học sinh Trường THPT Đồng Xoài (TP. Đồng Xoài). Mặc dù trường nới lỏng việc cho phép học sinh mang điện thoại tới trường nhưng ở một số tiết học, học sinh không được sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác khi giáo viên không cho phép.

Mặc dù nhà trường có hình thức nới lỏng việc cho phép học sinh được mang điện thoại tới trường nhưng ở một số tiết học, học sinh Trường THPT Đồng Xoài, TP. Đồng Xoài không được phép sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác khi giáo viên không cho phép

Mặc dù nhà trường có hình thức nới lỏng việc cho phép học sinh được mang điện thoại tới trường nhưng ở một số tiết học, học sinh Trường THPT Đồng Xoài, TP. Đồng Xoài không được phép sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác khi giáo viên không cho phép

“Quy định không sử dụng điện thoại trong các tiết học là hợp lý, giúp chúng em không xao nhãng việc học tập và tăng tương tác với thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận lợi ích điện thoại mang lại khi các tiết học mở phải tìm thông tin ngoài sách giáo khoa. Chưa kể, trên mạng hiện nay có nhiều khóa học online, phần mềm học ngoại ngữ rất hiệu quả. Theo em, việc học tập, sử dụng các thiết bị thông minh nếu được chọn lọc sẽ phát huy hiệu quả”.

Em PHẠM NGUYỄN VÂN ANH, lớp 12D1, Trường THPT Đồng Xoài

Không cấm mang điện thoại đến trường nhưng Trường THPT Đồng Xoài cũng có quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, kể cả giờ ra chơi, nhằm giúp các em có thời gian vận động, trò chuyện, giao lưu, vui chơi với bạn bè để phát triển kỹ năng. “Với những tiết học thực sự cần đến điện thoại như môn Lịch sử, học sinh phải tìm hiểu kiến thức mở, giáo viên sẽ đăng ký trước với Ban Giám hiệu. Quá trình học sinh sử dụng điện thoại trong tiết học cũng được giáo viên giám sát chặt chẽ” - cô Nguyễn Thị Thu Ngân, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Đồng Xoài cho biết.

Với những tiết học thực sự cần đến điện thoại, học sinh trường THPT Đồng Xoài sẽ được phép sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin dưới sự giám sát chặt chẽ của giáo viên bộ môn

Với những tiết học thực sự cần đến điện thoại, học sinh trường THPT Đồng Xoài sẽ được phép sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin dưới sự giám sát chặt chẽ của giáo viên bộ môn

Các quy định về việc sử dụng điện thoại đối với học sinh được Trường THPT Đồng Xoài thực hiện linh hoạt. Trường cũng tạo nhiều sân chơi, hoạt động đa dạng, theo nhu cầu học sinh để thu hút các em tham gia trong giờ ra chơi. Từ đó tạo môi trường học đường gần gũi, thân thiện, học sinh gắn kết với nhau.

Còn tại Trường THCS Tân Xuân (TP. Đồng Xoài) nhiều năm nay nghiêm cấm học sinh không được mang điện thoại đến trường. Sử dụng điện thoại không kiểm soát trong trường học sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp việc học tập của học sinh. Đó cũng chính là lý do Ban Giám hiệu trường cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại trong trường học để tăng khả năng tập trung, chú tâm vào việc học, nghe giáo viên giảng bài. Em Lê Gia Nhi, học sinh lớp 91 cho rằng: Sử dụng điện thoại trên lớp là không cần thiết vì chúng em sẽ xao nhãng việc học. Nếu muốn tìm hiểu thêm kiến thức bên ngoài, thầy cô giáo đã giao bài tập trước về nhà để học sinh chuẩn bị.

Cấm học sinh sử dụng điện thoại, Trường THCS Tân Xuân, TP. Đồng Xoài tổ chức nhiều sân chơi khác thay thế, giúp các em vận động thể chất hoặc đọc sách trau dồi tri thức

Cấm học sinh sử dụng điện thoại, Trường THCS Tân Xuân, TP. Đồng Xoài tổ chức nhiều sân chơi khác thay thế, giúp các em vận động thể chất hoặc đọc sách trau dồi tri thức

Cô Nguyễn Thúy Hằng Vy, giáo viên môn Tin học, Trường THCS Tân Xuân chia sẻ: “Học sinh mang điện thoại đến lớp không tập trung học tập vì chơi game, lướt Facebook, nhắn tin cho bạn bè. Việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học đã được nhà trường thực hiện nhiều năm nay và mang lại hiệu quả tích cực, nhất là nâng cao thành tích học tập của các em”.

“Cấm học sinh sử dụng điện thoại, trường đã tổ chức nhiều sân chơi khác thay thế, giúp các em vận động thể chất hoặc giao lưu văn nghệ, đọc sách, đánh cờ. Trường đã triển khai sổ liên lạc điện tử, các nhóm Zalo kết nối giữa giáo viên và phụ huynh. Thông qua kênh này, phụ huynh được nhà trường chia sẻ thông tin về tình hình học tập của học sinh một cách đầy đủ, đồng thời công khai số điện thoại giáo viên chủ nhiệm. Vì vậy, học sinh không cần thiết phải mang điện thoại đến trường” - cô Trịnh Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Xuân nhấn mạnh.

Cần giải pháp phù hợp

Thực hiện Thông tư số 32, mỗi trường đang có quy định khác nhau về việc cho hay không cho học sinh sử dụng điện thoại trong thời gian trên lớp. Có trường cho học sinh mang theo điện thoại và sử dụng trong giờ học mà giáo viên yêu cầu. Có trường cấm học sinh sử dụng điện thoại suốt buổi học, chỉ được dùng khi tan học. Riêng một số trường cấm hoàn toàn học sinh mang điện thoại đến trường.

Tại Trường THCS Minh Lập (thị xã Chơn Thành), việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học chủ yếu để rèn nhận thức, ý thức, hướng đến tinh thần tự giác của các em. Trường hợp học sinh vi phạm, nhà trường không áp dụng những biện pháp xử lý cứng nhắc mà linh hoạt, phối hợp với gia đình trong giáo dục các em tuân thủ quy định. Cô Nguyễn Thị Chung Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Minh Lập cho rằng: Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học tập, nhưng trường kiên quyết nói không vì lợi thì ít mà bất cập thì nhiều. Nhà trường đã quán triệt đến phụ huynh, thấy được cái lợi cho học sinh nên phần đông phụ huynh đều đồng tình về việc không cho con em mang điện thoại đến trường.

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Tuy nhiên, đa phần học sinh, phụ huynh, giáo viên ủng hộ việc hạn chế sử dụng điện thoại trong trường học, đặc biệt cấm sử dụng trong giờ học đối với môn học không liên quan đến điện thoại.

Công nghệ ngày càng hiện đại, điện thoại thông minh thực sự là phương tiện “đắc lực” cho cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên ở lứa tuổi học sinh, nếu buông lỏng quản lý, các em rất dễ bị lôi kéo vào hoạt động không lành mạnh, mất tập trung dẫn đến giảm chất lượng học tập... Do đó, thay vì cấm học sinh sử dụng điện thoại, trường chọn giải pháp tăng cường phối hợp với phụ huynh và học sinh làm sao sử dụng điện thoại đúng cách, mang lại hiệu quả trong học tập, đồng thời tránh được những mặt trái tác động đến việc hình thành nhân cách của các em.

Hiện nhiều nước trên thế giới từ năm học mới này cấm hoàn toàn việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Hay trước đó Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) kêu gọi toàn cầu cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường, nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng xã hội đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây có thể là thông tin tham khảo giúp các trường học nghiên cứu, có giải pháp trước khi áp dụng việc cấm hay không cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học một cách phù hợp nhất.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/164809/su-dung-dien-thoai-trong-truong-hoc-noi-khong-hay-linh-hoat