Sử dụng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng thế nào để tạo đột phá cho nền kinh tế?

Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cần được triển khai đồng bộ, chọn TP. HCM là tọa độ ưu tiên để tạo sự lan tỏa cho lưu thông nguồn lực.

Đầu tháng 1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP của Việt Nam. Mục tiêu của Chương trình là giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng trung bình 6,5 - 7% trong giai đoạn 2021-2025.

Bài liên quan

Đẩy mạnh giám sát việc thực hiện gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Kim chỉ nam cho kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm 2022

Khẩn trương tháo gỡ những "nút thắt" để phục hồi kinh tế- xã hội

Việc phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân

Gói kích thích kinh tế quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm 2% VAT, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động...

TP. HCM là "tọa độ ưu tiên"

Tại tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP. HCM", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đưa ra 2 kịch bản.

Trong kịch bản tích cực, gói hỗ trợ được giải ngân hết trong 2 năm, Việt Nam sẽ hoàn toàn đạt được tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022 và năm tiếp theo cao hơn, đạt khoảng 7%.

Ở kịch bản tiêu cực hơn, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 70%, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5 - 5,5% năm 2022 và đạt 6% năm 2023.

Theo đó, TS. Lực cho rằng, số tiền tung ra một năm vào khoảng 160.000-170.000 tỷ không lớn, nhưng lạm phát có thể tăng 3,5 - 3,8%.

"Quan trọng hiện nay là Chính phủ cần sớm ban hành chương trình phòng chống dịch cập nhật Nghị quyết 126 một cách bài bản, nhất quán hơn. Trong đó, nâng cao chú trọng năng lực y tế. Hiện nhiều bệnh viện công - tư gặp vấn đề rất lớn về trang thiết bị y tế kể cả thuốc men", ông Lực nhấn mạnh.

Cùng với đó, vị chuyên gia cho rằng các bộ ngành, địa phương cũng phải sớm ban hành các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và NQ 11 của Chính phủ. Việt Nam cũng cần quan tâm đến bối cảnh địa chính trị thế giới, giá hàng hóa như dầu đang tăng, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ đê kiểm soát lạm phát và những hệ lụy trong quá trình phục hồi.

Theo PSG. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề hiện nay là làm sao xử lý được gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng một cách thống nhất, đồng bộ.

“Nhiều người cho rằng nền kinh tế không đủ khả năng hấp thụ. Nhưng thế nào là không hấp thụ được? Do doanh nghiệp yếu hay các đường dẫn nguồn lực không tới được doanh nghiệp?", PSG. TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề.

Từ đó, ông cho rằng cần phải tháo gỡ thể chế để tạo ra sự đồng bộ trong việc lưu thông các nguồn lực. Ông đồng thời nhấn mạnh, sự ráo riết của Chính phủ trong cách tổ chức thực thi là vô cùng quan trọng. Nếu cứ duy trì lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở các địa phương thì sẽ rất khó đạt hiệu quả.

Đồng thời, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, để hấp thụ gói hỗ trợ tốt cũng cần phải xác định tọa độ ưu tiên. Cụ thể, ông xác định TP. HCM là tọa độ ưu tiên, nếu tập trung ưu tiên này sẽ tạo sự lan tỏa cho lưu thông nguồn lực.

Đầu tư công là "vốn mồi"

Chỉ ra TP. HCM là nơi "đứt gãy" nặng nề nhất do đại dịch Covid-19, TS. Trần Du Lịch cho rằng, giải pháp cho thành phố phải mạnh hơn giải pháp chung mới đủ sức phục hồi. TP. HCM năm ngoái tăng trưởng âm 6,78% thì năm nay phải tăng trưởng theo hình chữ V.

Ông cho rằng điều quan trọng là tạo môi trường thể chế tốt nhất, tháo điểm nghẽn để thu hút đầu tư công và tư nhân. Theo ông, công cụ đầu tư công cũng là giải pháp nhằm kích tổng cầu và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, đô thị.

"Ở TP. HCM, một đồng đầu tư của Nhà nước có thể hút 10 đồng, hoặc ít nhất cũng là 8 đồng tư nhân, nên đầu tư công là vốn mồi", vị chuyên gia lý giải.

TS. Trần Du Lịch phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: NLĐ

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM thông tin, hiện nhiều giải pháp khôi phục kinh tế thành phố như đầu tư xã hội, kích cầu, hỗ trợ lao động, nâng cao năng lực y tế cơ sở đã được triển khai để nắm bắt cơ hội phục hồi.

Ông cho rằng, thời gian tới cần phải tập trung kích cầu nội địa. Bởi, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hàng năm thường tăng 10%, song năm qua giảm đã kéo theo GPDP giảm sâu.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội đưa ra 5 giải pháp quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế: Mở cửa kinh tế quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế; duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế; nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn; tăng cường thể chế.

"Gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỷ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-dung-goi-ho-tro-350000-ty-dong-the-nao-de-tao-dot-pha-cho-nen-kinh-te-post181913.html