Sử dụng hiệu quả ngân sách đào tạo nghề

Theo khảo sát năm 2024, toàn tỉnh có trên 85% số học viên tốt nghiệp các trình độ có việc làm ổn định trong vòng 12 tháng sau khi ra trường, tăng 18% so với tỷ lệ 67% vào năm 2020. Đặc biệt, số học viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo đạt 70% vào năm 2024 đã cho thấy sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa chương trình đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp.

Học viên học nghề may thời trang của Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ.

Học viên học nghề may thời trang của Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ.

Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Yên Bái đã chủ động và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước để phát triển hệ thống đào tạo nghề, góp phần nâng cao kỹ năng cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2020 - 2024, tổng kinh phí ngân sách tỉnh Yên Bái đầu tư trực tiếp cho giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 450 tỷ đồng. Nguồn lực này đã được phân bổ một cách chiến lược, tập trung vào các mục tiêu then chốt. Mạng lưới cơ sở đào tạo, số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp được củng cố và phát triển.

Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm khả năng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho người dân ở các địa phương; nâng cao năng lực đào tạo với đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại. Theo thống kê, 80% số xưởng thực hành và phòng thí nghiệm tại các cơ sở đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng 15% so với năm 2020, tạo điều kiện cho học viên được thực hành trên các thiết bị tiên tiến, làm quen với công nghệ mới.

Đồng thời, khoảng 10% ngân sách đào tạo nghề dành cho công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Giai đoạn 2020 - 2024, có gần 500 lượt giáo viên được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở cả trong và ngoài nước; 95% số giáo viên có trình độ từ đại học trở lên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2024, tăng 8% so với năm 2020.

Với các giải pháp đồng bộ trong sử dụng ngân sách Nhà nước cho đào tạo nghề, số lượng học viên tuyển mới vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục tăng qua các năm. Năm 2024, tỉnh Yên Bái đã tuyển mới được 15.500 học viên các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên, tăng 25% so với năm 2020. Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát nhu cầu thị trường, ngân sách được ưu tiên đầu tư cho các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao tại địa phương như: chế biến nông lâm sản, du lịch, dịch vụ, cơ khí, điện công nghiệp...

Một trong những điểm nổi bật trong công tác đào tạo nghề của Yên Bái là đầu tư có trọng điểm và bám sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Thay vì dàn trải nguồn lực, tỉnh đã tập trung ngân sách vào các ngành nghề có tiềm năng phát triển và đang có nhu cầu tuyển dụng cao tại địa phương như: chế biến nông lâm sản, du lịch, dịch vụ, một số ngành nghề kỹ thuật công nghiệp. Điều này bảo đảm rằng học viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm cao, tránh tình trạng đào tạo không gắn với thực tiễn.

Bên cạnh đó, Yên Bái đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo nghề. Ngân sách được ưu tiên dành cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, cập nhật kiến thức chuyên môn cho giáo viên cũng như đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp cận những kiến thức và kỹ năng tiên tiến nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Đặc biệt, Yên Bái đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học nghề thiết thực cho các đối tượng khác nhau, nhất là lao động nông thôn, người thuộc diện chính sách, thanh niên mới tốt nghiệp THPT... Các chính sách này bao gồm hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt, tạo điều kiện vay vốn để khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp đã giúp người dân có cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp và giải quyết vấn đề về việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội…

Đồng chí Trần Đông - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: "Hiệu quả của việc sử dụng tốt nguồn ngân sách cho đào tạo nghề đã được thể hiện rõ nét qua những con số ấn tượng. Tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm ổn định ngày càng tăng đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập bình quân đầu người. Nhiều mô hình đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai thành công, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và người sử dụng lao động, bảo đảm chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho học viên”.

Có thể thấy, việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cho đào tạo nghề đã và đang đi đúng hướng. Đầu tư có trọng điểm, chính sách hỗ trợ thiết thực, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, Yên Bái đang từng bước xây dựng được một hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Thiên Cầm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/349192/su-dung-hieu-qua-ngan-sach-dao-tao-nghe.aspx