Sử dụng không gian mạng bảo đảm an ninh trật tự

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, 'không gian mạng' đã tạo ra môi trường rộng lớn, nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Vấn đề đặt ra cho lực lượng công an là làm sao khai thác được lợi thế của không gian mạng để đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ).

Công tác xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ trên không gian mạng là tổng hợp các nội dung, hình thức, biện pháp sử dụng không gian mạng để huy động đông đảo cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, bảo vệ, quản lý tình hình an ninh, trật tự (ANTT) của đất nước. Đối tượng tham gia không chỉ là các tổ chức, cá nhân ở trong nước mà cả ở nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

 Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội thảo về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.

Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội thảo về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.

Thượng tá Phạm Hồng Quang, Cục Xây dựng phong trào BVANTQ (Bộ Công an) cho biết: Việc sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, vận động nhân dân vừa mang tính khoa học, giúp tiết kiệm nhiều chi phí, cùng một lúc thông tin có thể được chuyển tải đến nhiều người, mọi tầng lớp xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời, chính thống; tạo các mô hình tổ chức quần chúng lồng ghép trong hoạt động của các diễn đàn mở, hội nhóm, trang mạng... giúp trao đổi an toàn và thuận tiện để quần chúng tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm; đặc biệt là các cá nhân có uy tín trên không gian mạng tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật, trực tiếp tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc cách mạng; các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó tạo môi trường thuận lợi, lôi cuốn, huy động đông đảo cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực, tự giác tham gia phong trào toàn dân BVANTQ.

Từ nhiều năm qua, công tác xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ trên không gian mạng đã và đang từng bước được triển khai ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia.

Toàn tỉnh đang duy trì 333 nhóm zalo giữa lực lượng công an và cán bộ, nhân dân địa phương. Từ năm 2023 đến nay, thành viên các nhóm đã cung cấp hơn 6.800 tin, trong đó khoảng 4.000 tin có giá trị, giúp lực lượng công an giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến ANTT.

Nổi bật như lực lượng Công an tỉnh tích cực sử dụng mạng xã hội để thực hiện phong trào thông qua thành lập, đưa vào hoạt động của các trang nhóm “Ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo) phục vụ công tác của lực lượng công an”, “Nhóm Zalo giữa Trưởng Công an xã với cán bộ cơ sở và nhân dân trên địa bàn phục vụ công tác bảo đảm ANTT”, “Tổ tự quản cộng đồng tham gia bảo đảm ANTT và phòng, chống dịch bệnh Covid-19”… Các nhóm này thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình ANTT, các phương thức, thủ đoạn tội phạm mới, tội phạm trên không gian mạng, các thông điệp cảnh báo cảnh giác với tội phạm.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh thành lập “Trang cộng đồng” từ cấp tỉnh đến huyện, xã, qua đó kịp thời nắm thông tin, tình hình nhân dân, dư luận xã hội. Ban Dân vận các cấp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, lắng nghe phản ánh tình hình, khảo sát ý kiến nhân dân, ý kiến về những vấn đề người dân quan tâm thông qua nhóm zalo ở tất cả các tổ dân vận cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố. Trong ngành Giáo dục, 100% hiệu trưởng các trường tham gia nhóm zalo bảo vệ ANTT với công an địa phương; 100% giáo viên chủ nhiệm thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình ANTT (do công an cung cấp) với phụ huynh học sinh.

Đoàn Thanh niên có album “Tuổi trẻ với pháp luật”, chuyên mục “góc cảnh báo”; 100% đoàn trường triển khai cuộc vận động Tuổi trẻ Bắc Giang đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, không tương tác trái chiều, không chia sẻ thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Báo Bắc Giang có chuyên mục “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng” thông qua các video ngắn.

Phường Nếnh (thị xã Việt Yên) là địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp, có hơn 23 nghìn nhân khẩu và 1.305 nhà trọ với khoảng 24 nghìn người lao động thuê trọ. Chia sẻ về hiệu quả của các nhóm zalo giữa Trưởng Công an phường với cán bộ, nhân dân trên địa bàn,Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Công an phường cho biết: Nhóm tuyên truyền, phổ biến pháp luật đồng thời tiếp nhận thông tin của nhân dân tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật.

Ngoài ra còn có 8 nhóm zalo bổ trợ giữa Công an phường với các chủ nhà trọ (1.200 thành viên); giữa Công an phường với các chủ kinh doanh nhà nghỉ, karaoke, trường học… Qua hơn 2 năm triển khai, nhân dân cung cấp gần 100 tin báo tố giác. Từ những thông tin này, Công an phường đã kịp thời ngăn chặn 1 vụ giả danh công an lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản liên quan đến ma túy; 2 vụ giả danh công an kích hoạt tài khoản định danh điện tử thu thập trái phép tài khoản ngân hàng và nhiều vụ vi phạm pháp luật khác.

 Công an xã Tân Thanh (Lạng Giang) trao đổi với cán bộ, nhân dân địa phương về hoạt động của nhóm zalo trên điện thoại thông minh. Ảnh: Quốc Phương.

Công an xã Tân Thanh (Lạng Giang) trao đổi với cán bộ, nhân dân địa phương về hoạt động của nhóm zalo trên điện thoại thông minh. Ảnh: Quốc Phương.

Những năm qua, phong trào toàn dân BVANTQ luôn là một trong những phong trào cách mạng của Đảng, là nội dung quan trọng của “Biện pháp vận động quần chúng”- biện pháp cơ bản của lực lượng Công an nhân dân”. Với vai trò lực lượng nòng cốt trong bảo đảm ANTT, bảo vệ an ninh quốc gia, lực lượng Công an tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cấp, ngành, các lực lượng tăng cường xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào, góp phần thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tự giác tham gia.

Hiện nay, đa số người dân đều có điện thoại thông minh và thói quen sử dụng mạng xã hội để đọc báo, trao đổi, cập nhật thông tin; lực lượng công an, nhất là ở cấp cơ sở làm tốt công tác nắm tình hình; chủ động cập nhật thường xuyên thông tin, tình hình ANTT trên địa bàn, các vụ án, vụ việc, cảnh báo về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và hướng dẫn quần chúng nhân dân biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh trên các trang, nhóm zalo. Đăng tải bài viết lên các trang mạng xã hội, trang tin, báo điện tử với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, mang tính thời sự và phù hợp với đặc điểm dân cư từng địa bàn để tuyên truyền, thu hút người dân quan tâm, theo dõi, tham gia tương tác trên không gian mạng.

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các trang, hội, nhóm trên mạng xã hội, giúp người dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm ANTT; thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, nắm được các quy định, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội bảo đảm văn minh, văn hóa. Cùng đó nhận diện, đủ sức đề kháng, vô hiệu hóa các thông tin xấu, độc; nâng cao tính tự quản, tự phòng, tự bảo vệ tài sản, bảo vệ cá nhân. Tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua tương tác trên không gian mạng cũng là động viên nhân dân cung cấp thông tin, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá các vụ phạm pháp.

Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/su-dung-khong-gian-mang-bao-dam-an-ninh-trat-tu-060409.bbg