Sử dụng nguồn lực đầu tư hiệu quả và tích cực

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Quyết định số 2338/QĐ-UBND ngày 16/9/2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Đam Rông giai đoạn 2009-2020, Lâm Đồng đã đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ cho Đam Rông. Sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả và tích cực là hoạt động cần thiết để hỗ trợ Đam Rông vươn lên.

Vải kết trái ở Đạ R’Sal

Vải kết trái ở Đạ R’Sal

Báo cáo của Sở lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 12 năm ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 508.607 triệu đồng thực hiện Nghị quyết 30a cho huyện Đam Rông, trong đó vốn đầu tư phát triển là 394.015 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 114.592 triệu đồng.

Việc bố trí nguồn lực cho dự án chủ yếu là nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương bố trí chưa nhiều; Đề án được phê duyệt giai đoạn 2009 - 2020 là 1.691.064 triệu đồng, đã phân bổ giai đoạn 2009-2020 là 508.607 triệu đồng, chỉ đáp ứng được 30,08% của Đề án; kinh phí phân bổ đã cơ bản đáp ứng được một phần yêu cầu. Ngoài hai nguồn trên, Nhà nước còn thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo khác trên địa bàn (hỗ trợ nhà ở, tín dụng, y tế, tiền điện, QĐ 102/2009/QĐ-TTg,...) với kinh phí 928.652 triệu đồng.

Tổng nguồn vốn từ các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đã cam kết hỗ trợ cho huyện là 157.745 triệu đồng. Nguồn vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng và đoàn thể là 30.412 triệu đồng. Tổng nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo khác: 181.513 triệu đồng bao gồm nguồn vốn Chương trình 135 là 67.839 triệu đồng, nguồn vốn nông thôn mới đạt 113.674 triệu đồng.

Nông dân Đam Rông trồng khoai lang theo liên kết

Nông dân Đam Rông trồng khoai lang theo liên kết

Tổng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản đã đầu tư xây dựng mới và duy tu, sửa chữa đối với 90 công trình, cụ thể gồm 49 công trình giao thông; 06 công trình thủy lợi; 02 trạm ươm cây giống và 01 trung tâm dịch vụ nông lâm ngư nghiệp Bằng Lăng; 01 trung tâm dạy nghề; 06 hội trường thôn, 06 trường học, 04 công trình nước sạch, 01 công trình đường điện; 14 công trình nâng cấp, duy tu, sửa chữa và các dự án giao khoán QLBV rừng, chăm sóc, rừng trồng hằng năm.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư bước đầu đã tạo diện mạo mới so với trước đây. Hệ thống giao thông các tuyến đường huyết mạch cơ bản được hoàn chỉnh và cứng hóa, 8/8 xã có đường nhựa đến trung tâm xã, mở mới trên 50 km đường liên thôn, liên xã, nâng cấp trên 40 km đường giao thông nông thôn và xây 04 cầu dài hơn 03 km đảm bảo giao thông đi lại; hệ thống thủy lợi được duy trì và mở rộng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có một số công trình nổi bật như: Hồ chứa nước Đạ Chao, Hồ chứa nước Đạ Nòng, Hồ thủy lợi Phi Liêng, Đập dâng nước Đạ Ral… Các tập đoàn, công ty doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Chương trình 30a với tổng kinh phí là 157.745 triệu đồng, để thực hiện hỗ trợ 53 hạng mục, 03 công trình nhà ở, 40 công trình trường học, 06 công trình trạm y tế, 02 công trình hỗ trợ, 01 công trình nhà văn hóa thiếu nhi huyện, 02 công trình nhà văn hóa thiếu nhi thôn.

Tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là 15.850 triệu đồng/717 căn; trong đó, nhà ở theo Đề án 167 là 5.455 triệu đồng/528 căn; hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg là 10.395 triệu đồng/189 căn; huy động từ nguồn hỗ trợ khác là 5.895 triệu đồng. Nguồn vốn nông thôn mới phân bổ giai đoạn 2010-2020 là 113.674 triệu đồng, thực hiện đầu tư xây dựng 109,47 km đường trục chính đến trung tâm xã được cứng hóa; 92,92 km đường giao thông liên thôn; 140,44 km đường ngõ xóm và 24,75 km đường giao thông nội đồng; đầu tư nâng cấp 10 hồ chứa, 20 đập dâng, triển khai đào hơn 1.200 ao hồ nhỏ; kiên cố hóa 50 km kênh mương nội đồng góp phần đảm bảo nước tưới cho trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giống vật nuôi, thủy sản, phân bón cho khoảng 331 hộ.

Dù còn rất nhiều khó khăn trong công tác đầu tư, những nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo cho đất khó Đam Rông đã thực hiện đúng mục đích, góp phần thúc đẩy diện mạo cho huyện nghèo vươn lên.

Mô hình trồng chanh không hạt tại Đam Rông

Mô hình trồng chanh không hạt tại Đam Rông

Nuôi cá tầm tại xã Liêng Srônh

Nuôi cá tầm tại xã Liêng Srônh

DQ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202011/giam-ngheo-dam-rong-su-dung-nguon-luc-dau-tu-hieu-qua-va-tich-cuc-3032678/