Sử dụng phân bón hữu cơ để có nền nông nghiệp bền vững

Sử dụng phân bón hữu cơ vừa giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Dùng phân bón hữu cơ kết hợp với chế phẩm sinh học giúp cải tạo môi trường đất, giảm sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng

Dùng phân bón hữu cơ kết hợp với chế phẩm sinh học giúp cải tạo môi trường đất, giảm sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng

Tiết kiệm chi phí trồng trọt, bảo vệ môi trường, tạo ra nông sản sạch… là những ưu điểm của phân bón hữu cơ. Sử dụng phân bón hữu cơ được coi là xu hướng và giải pháp để phát triển nông nghiệp sạch và bền vững.

Thay đổi cách sản xuất

Xã Hưng Đạo là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất huyện Tứ Kỳ với diện tích khoảng 200 ha. Nhiều nông sản chủ lực như dưa hấu, dưa lê, su hào, su lơ… mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhưng thâm canh liên tục cùng với việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… đã “vắt kiệt” sức đất. Vùng rau màu trù phú ngày nào dần bị thoái hóa do đất đai bạc màu và ô nhiễm nghiêm trọng. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia nông nghiệp, nông dân đã tìm ra nguyên nhân và có hướng "điều trị".

Ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Đạo chia sẻ: “Khoảng 2 năm trở lại đây, vùng rau màu của xã đã có sự đổi khác. Đặc biệt năm nay, Đảng ủy xã đã vận động nhân dân trồng luân canh lúa nước ở những vùng trồng màu nhằm cải tạo đất". Diện tích trồng màu được luân canh hợp lý giữa các giống cây trồng. Nông dân không còn lạm dụng phân bón hóa học như trước. Hầu hết các hộ sản xuất đều sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ và vô cơ cùng với các loại chế phẩm sinh học. Nhờ đó, diện tích đất bị bạc màu đã được cải tạo, sâu bệnh giảm và năng suất cây trồng được nâng cao.

Với mục tiêu tạo ra thực phẩm sạch, HTX Nông nghiệp Senfarm ở xã Thái Tân (Nam Sách) luôn tự đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe trong sản xuất. Senfarm kiểm soát đầu vào bằng cách sử dụng vật tư nông nghiệp là chế phẩm sinh học thân thiện môi trường, nguồn phân hữu cơ, giống cây trồng, nguồn nước sạch và chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP, không dùng phân bón hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không kích thích sinh trưởng và không thuốc diệt cỏ. Hiện Senfarm có 5 ha đất ngoài bãi sông trồng cà rốt, ngưu bàng, cần tây, ớt chuông… theo hướng hữu cơ. “Sử dụng phân, thuốc hữu cơ mang lại hiệu quả, không ảnh hưởng đến môi trường và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Năng suất sản phẩm chưa cao nhưng bù lại chất lượng nông sản vượt trội", anh Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp Senfarm chia sẻ.

Phân bón có vai trò đặc biệt trong nông nghiệp. Tuy nhiên trong một thời gian dài, việc lạm dụng phân bón vô cơ, phân bón hóa học đã gây ô nhiễm môi trường đất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp thiếu an toàn. Do vậy gần đây, nhiều nông dân đã được tuyên truyền sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ, vô cơ và các chế phẩm sinh học.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh có nhiều bước chuyển biến rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ được coi là một trong những giải pháp để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch. Khoảng 2 năm trở lại đây, khi giá nguyên liệu để sản xuất phân bón liên tục tăng cao thì lượng phân bón hữu cơ sử dụng đã tăng cao hơn trước.

Anh Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Công ty CP Phân bón Fusa cho biết ưu điểm của phân bón hữu cơ là không chịu tác động về "bão" giá. Nguyên liệu dùng sản xuất là nguồn chất thải phong phú trong chăn nuôi, chế biến nông sản, than bùn, rác thải sinh hoạt... nên giá thành rẻ. "Việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp cải tạo môi trường đất, bền cây và giảm sâu bệnh. Nhờ vậy, lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm. Nông sản thu được không chỉ an toàn mà còn chất lượng hơn so với chỉ sử dụng phân bón vô cơ”, anh Cảnh nói. Hiện mỗi năm, công ty sản xuất từ 16.000 – 17.000 tấn phân bón hữu cơ, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước năm 2020.

Thực tế sản xuất cho thấy sử dụng phân bón hữu cơ giúp cải tạo môi trường đất, tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu và tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Nếu được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ, nông sản còn có thể xuất khẩu với giá cao. Sử dụng phân bón hữu cơ còn giúp thúc đẩy việc tận dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ không chỉ giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng mà còn giúp cải thiện chế độ mùn, hệ vi sinh vật đất… Do vậy, sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ và vô cơ là biện pháp tốt nhất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cách làm này không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững.

LAN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/su-dung-phan-bon-huu-co-de-co-nen-nong-nghiep-ben-vung-205790