Sử dụng phân bón hữu cơ vừa nâng cao chất lượng nông sản, vừa bảo vệ môi trường
Việc sử dụng phân bón (PB) hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài khiến môi trường sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là tài nguyên đất. Việc chuyển từ PB hóa học sang các loại PB hữu cơ được xem là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ và phục hồi môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Xu hướng tất yếu
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Phú Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) - Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, những năm gần đây, chất lượng trái thanh long giảm, thường xuyên bị rớt giá. Theo ông Trịnh, nguyên nhân chính là do nông dân lạm dụng PB hóa học làm đất dần bạc màu. Do đó, ông cùng một số thành viên HTX quyết định chuyển từ PB hóa học sang sử dụng phân hữu cơ.
“Ban đầu, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, hơn 3ha thanh long chuyển sang bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh khiến thanh long phát triển chậm. Tuy nhiên, những vụ sau, thanh long bắt đầu quen với quy trình sản xuất hữu cơ, PB hữu cơ nên phát triển tốt, chất lượng trái được nâng lên.Hiện hơn 3ha thanh long của HTX đã loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong sản xuất và được công ty thu mua ký hợp đồng bao tiêu với giá cố định từ 25.000-35.000 đồng/kg” - ông Trịnh cho biết thêm. HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long chủ yếu sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học do các công ty uy tín sản xuất. Ngoài ra, với nguồn nguyên liệu sẵn có như các loại phân chuồng, tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, các thành viên đem ủ thành phân hữu cơ để chăm bón cho thanh long nên giảm được chi phí. Theo anh Nguyễn Văn Điền (thành viên HTX), thanh long chăm sóc theo quy trình hữu cơ, tốn công sức hơn, năng suất thanh long khoảng 2 vụ đầu giảm gần 30% nhưng đổi lại, trái đạt chất lượng cao, giá bán có phần cao hơn và ổn định hơn so với sản xuất thông thường.
Nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh đối với thương hiệu rau thơm Phước Hậu (huyện Cần Giuộc), những năm gần đây, người dân trong xã áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ cho cây rau. Anh Đinh Văn Trọng (ấp Ngoài, xã Phước Hậu) chia sẻ, thông qua các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc rau theo hướng hữu cơ do xã, huyện tổ chức, gia đình anh đã áp dụng bón phân hữu cơ cho 0,3ha rau. “Phân hữu cơ để bón cho rau có thể tự làm được, rất đơn giản, chỉ cần ủ các phế phẩm rau sau khi thu hoạch trong thùng kín, thêm các loại men để tạo ra các loại phân hướng đạm hoặc kali; chỉ sau khoảng 3 tháng ủ có thể bón cho rau. Với cách làm này, gia đình tôi giảm được chi phí, rau phát triển tốt, năng suất ổn định” - anh Trọng chia sẻ thêm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin, diện tích rau trên địa bàn huyện hiện nay khoảng 1.400ha, trong đó có trên 1.080ha sử dụng PB hữu cơ. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc rau theo quy trình hữu cơ để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mở rộng diện tích sử dụng phân bón hữu cơ
Hiện nay, PB hữu cơ được phân thành 2 nhóm: PB hữu cơ truyền thống, gồm các nguồn từ chất thải động vật, thực vật, rác hữu cơ, than bùn,... được ủ theo phương pháp truyền thống; PB hữu cơ công nghiệp được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác nhau để tạo thành PB tốt hơn so với nguyên liệu thô ban đầu, trong nhóm này có nhiều loại như phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh,… Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, tiềm năng về phát triển PB hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng PB hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chỉ tập trung vào một số loại cây trồng chủ lực nhưng diện tích áp dụng còn khiêm tốn.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ - Đặng Văn Cộng cho biết: PB vô cơ tác động nhanh đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, tiện lợi, ít tốn công, trong khi đó, sản xuất theo hướng sử dụng PB hữu cơ mất nhiều thời gian và công lao động để xử lý nguyên liệu và chờ đợi nguyên liệu phân hủy thành PB. Do vậy, dù nhận thức việc sử dụng PB hữu cơ trong sản xuất là giải pháp hiệu quả, nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường nhưng không phải hộ nông dân nào cũng có thể tự sản xuất được.
Việc hạn chế sử dụng PB hóa học và tăng cường dùng PB hữu cơ không chỉ giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cả người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ, tạo sự ổn định, bền vững lâu dài. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, PB hữu cơ không chỉ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng mà còn giúp cải thiện độ mùn, hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng PB. Việc tăng cường sử dụng PB hữu cơ vừa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, vừa thúc đẩy khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.
“Dù diện tích sử dụng PB hữu cơ vẫn còn ở mức thấp nhưng đã có xu hướng tăng trong những năm qua, đây là tín hiệu rất tích cực. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển từ sử dụng PB vô cơ sang sử dụng PB hữu cơ để vừa cải thiện chất lượng nông sản, vừa bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp” - ông Cường cho biết thêm./.