Sử dụng smartphone thụ hưởng tiện ích từ chuyển đổi số

Một trong hai mục tiêu quan trọng phát triển xã hội số đề ra trong Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 8-6-2022 của Tỉnh ủy Kiên Giang về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh (smartphone) đạt 80%, 95% lần lượt vào các năm 2025 và 2030.

Xác định việc nâng cao tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương, tỉnh Kiên Giang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng các dịch vụ số, dịch vụ online, trong đó có dịch vụ hành chính công.

Khi công cuộc chuyển đổi số được phủ rộng và sâu hơn, các dịch vụ số sẽ tăng trưởng rộng khắp trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc sử dụng điện thoại thông minh giúp người dân thụ hưởng nhiều tiện ích từ việc sử dụng dữ liệu di động giao dịch các dịch vụ hành chính công. Đến cuối tháng 6-2023, tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt 85%.

Cùng với việc khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh, tỉnh Kiên Giang quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số gắn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công, ứng dụng công nghệ số. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập rộng khắp và đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến người dân.

Hiện 100% huyện, thành phố thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với 950 tổ công nghệ số, 5.807 thành viên. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.

Công chức xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính trên điện thoại thông minh.

Công chức xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính trên điện thoại thông minh.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của chuyển đổi số nhằm tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người dân trong thực hiện chuyển đổi số; nâng cao trách nhiệm triển khai của các đơn vị hành chính; phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Nếu như trước đây chuyển đổi số là cụm từ khá xa lạ với người dân thì nay người dân từng bước cảm nhận được lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số mang lại. Điều đó cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, ngành, địa phương đã và đang chuyển biến tích cực.

Chị Huỳnh Mỹ Nương, ngụ xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) chia sẻ: “Giờ chỉ với chiếc điện thoại thông minh tôi có thể cập nhật nhiều tin tức bổ ích, giải trí, nhất là giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Quá trình chuyển đổi số mang đến cho con người nhiều tiện ích, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao”.

Trong bối cảnh cả nước tăng tốc chuyển đổi số toàn diện trên quy mô quốc gia, việc khuyến khích người dùng di động sử dụng dữ liệu để thực hiện các dịch vụ online trở thành yêu cầu tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, hiện còn nhiều thuê bao di động vẫn chưa sử dụng dữ liệu di động, nghĩa là người dùng chỉ sử dụng điện thoại di động với chức năng gọi và nhắn tin SMS.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 đặt ra mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh vào năm 2025.

Tại phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức vào chiều 30-8; phiên họp đề ra một số biện pháp thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương gồm chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng, triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G, 3G sang smartphone, hỗ trợ chi phí máy smartphone; ban hành gói cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi, cơ chế hỗ trợ thanh toán cho thuê bao khi chuyển đổi; tăng cường triển khai thực thi Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT, ngày 30-12-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành quy chuẩn thiết bị đầu cuối di động yêu cầu phải hỗ trợ công nghệ từ 4G trở lên, góp phần tăng cường chuyển đổi các máy di động smartphone hoạt động trên mạng.

Bài và ảnh: CẨM TÚ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-doi-so/su-dung-smartphone-thu-huong-tien-ich-tu-chuyen-doi-so-16539.html