Sự hóa thân diệu kỳ của giấy

Từ năm 2012, trong dòng chảy mỹ thuật Việt xuất hiện một loại hình nghệ thuật giấy hay giấy nghệ thuật mới, được nhà văn, dịch giả Bửu Ý định danh là Trúc Chỉ.

Theo ông Bửu Ý, hình ảnh tre, trúc là biểu tượng văn hóa và tinh thần Việt, do đó "Trúc Chỉ" được hiểu chính xác là "Nghệ thuật Giấy Việt". "Chỉ" nghĩa là giấy trong tiếng Hán Việt. Giấy mà không hẳn là giấy, tre nhưng không còn là tre, sự hóa thân diệu kỳ ấy đã tạo nên Trúc Chỉ - một nghệ thuật về giấy mang đậm dấu ấn Việt và hơi thở đương đại.

Hơn 10 năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài và nghiêm túc, họa sĩ Phan Hải Bằng cùng các cộng sự đã mang đến cho giấy một hành trình hoàn toàn mới.

Họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập nghệ thuật Trúc Chỉ

Họa sĩ Phan Hải Bằng, người sáng lập nghệ thuật Trúc Chỉ

PV: Sau một chặng đường, giờ đây, khi nhắc đến Huế, người ta đã nhớ đến nghệ thuật Trúc Chỉ như một giá trị văn hóa mới, một nét đặc trưng đẹp đẽ của nghề giấy đầy sáng tạo dựa trên nền tảng nghề truyền thống. Những thành công này, với anh, là đã trọn vẹn như mong muốn ban đầu?

Nghệ thuật Trúc Chỉ là thành quả của một hành trình dài - không chỉ của một cá nhân - cho việc nghiên cứu, sáng tạo với định hướng xây dựng một môi cảnh cho nghệ thuật giấy Việt. Hơn nữa là xây dựng một giá trị văn hóa mới cho Huế, Việt Nam. Sau hơn 10 năm, những "quả ngọt" đầu tiên đã được đón nhận ở Huế, khắp Việt Nam và bắt đầu vươn ra thế giới.

Trúc Chỉ cũng đã có mặt từ trong đời sống nghệ thuật Việt Nam và quốc tế bằng các dự án, tác phẩm, thiết kế, triển lãm, biểu diễn, giải thưởng… cho đến các đồ án, luận văn tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ nghệ thuật… Đó là niềm động viên to lớn cho những người đã, đang trên hành trình xây dựng giá trị Trúc Chỉ.

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là những bước đầu tiên, bởi sứ mệnh của Trúc Chỉ chưa dừng lại ở đó. Chúng tôi mong đến một ngày, "Trúc Chỉ" sẽ được công nhận là một giá trị đến từ Việt Nam như "Pho", "Ao dai", "Banh mi"… chứ không phải chịu cảnh bị dịch nhầm thành "bamboo paper" như đã từng. Ngay từ lúc khởi lập dự án, với định hướng xây dựng một giá trị mới chứ không chỉ dừng lại ở việc tìm ra một chất liệu hay bộ môn nghệ thuật mới, chúng tôi đã đặt ra 3 tiêu chí cho Trúc Chỉ: Thẩm mỹ, Giáo dục, Xã hội. Do đó, chúng tôi sẽ còn phải nỗ lực hơn rất nhiều để có thể tiếp tục hành trình xây dựng một giá trị Việt mới.

PV: Trúc Chỉ là một nghệ thuật giấy đặc sắc, kế thừa từ cách làm giấy truyền thống, kết hợp với các loại hình ứng dụng mỹ thuật, hội họa để tạo ra những tác phẩm mang giá trị vượt xa khái niệm "giấy" thông thường. Sự kết hợp này phải dựa trên những yếu tố khắt khe nào?

Về quy trình, trên nền tảng truyền thống, Trúc Chỉ mở rộng nguồn nguyên liệu với rất nhiều loại xơ sợi sẵn có ở các địa phương: rơm, tre, mía, chuối, dứa, sen, bắp, dó, dướng… được xử lý bằng nhiều cách sau khi nấu: nghiền máy, đập tay, vận dụng sức nước… nhằm khai thác các biểu hiện khác nhau của các loại xơ sợi về màu, sắc độ, biểu chất…

Về phương pháp seo giấy, Trúc Chỉ vận dụng, kết hợp linh hoạt các phương pháp: bể sâu (dipping), bể cạn (floating), đổ rót (pouring) tùy theo nhu cầu tạo tác. Khi quy trình làm giấy kết thúc ở việc tấm giấy ướt được hình thành trên khung seo, quy trình Trúc Chỉ bắt đầu.

Bộ tranh Mèo được chế tác bằng Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ.

Bộ tranh Mèo được chế tác bằng Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ.

Một trong những kỹ thuật quan trọng được Trúc Chỉ xây dựng, phát triển trên cơ sở tiếp nhận từ bên ngoài, được gọi là "đồ họa Trúc Chỉ" (trucchigraphy). Đây là sự vận dụng và biến đổi của: thứ nhất, là nghề làm giấy; thứ hai, là kỹ thuật sử dụng áp lực nước (water spray hoặc blow-out); thứ ba, là nguyên lý của nghệ thuật đồ họa.

Kỹ thuật này làm biến đổi cấu trúc xơ sợi trong tấm giấy, tạo nên nhiều độ dày mỏng khác nhau, ứng với hệ thống sắc độ khác nhau khi tương tác với ánh sáng, kết hợp với biểu hiện khác nhau của các loại xơ sợi, cùng với sự sáng tạo của nghệ sĩ đã làm nên sự khác biệt và hấp dẫn của Trúc Chỉ.

Do vậy, để tạo tác nên một tác phẩm/nghệ phẩm Trúc Chỉ, người sáng tạo cần hiểu và trân trọng phẩm cách của từng loại xơ sợi, hiểu rõ về giấy và nghề giấy, vốn văn hóa và độ cảm thẩm mỹ được trau dồi liên tục.

Để tạo nên những tác phẩm Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ đòi hỏi người sáng tạo cần dày công nghiên cứu, trau dồi và học hỏi.

Để tạo nên những tác phẩm Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ đòi hỏi người sáng tạo cần dày công nghiên cứu, trau dồi và học hỏi.

PV: Hiện nay, phần lớn những sản phẩm ứng dụng của nghệ thuật Trúc Chỉ đều mang tinh thần Việt và cảm hứng từ những giá trị văn hóa phương Đông trên các họa tiết, hoa văn gần gũi: hoa sen, hạc, bốn mùa trong năm, cá chép… Đây có phải là giá trị thuần túy nhất của nghệ thuật Trúc Chỉ mà anh và cộng sự theo đuổi suốt nhiều năm nay?

Những biểu hiện trên chính là điểm xuất phát và nguồn cảm hứng ban đầu của các nghệ sĩ, như là từ tự tính phát ra. Tuy nhiên, rõ ràng là Trúc Chỉ sẽ không dừng lại ở đó. Trong sáng tạo, việc "dừng lại", "đóng khung" đồng nghĩa với tự diệt. Các thiết kế, tác phẩm mang tính hiện đại cũng đã được Trúc Chỉ thực hiện một cách độc lập, hoặc ngay cả trên những hình thức truyền thống. Các giải thưởng của Trúc Chỉ ở các triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014-2022, Mỹ thuật Việt Nam 2015, Festival Mỹ thuật trẻ 2022… đều là các tác phẩm mang đậm chất hiện đại mà vẫn vương mang hơi thở truyền thống.

Đơn cử như thiết kế nón Trúc Chỉ, cảm hứng được xây dựng từ chiếc nón bài thơ xứ Huế với tính chất thơ mộng, tính xuyên sáng để thấy được bài thơ giữa hai lớp lá nón. Thiết kế nón Trúc Chỉ đã khai thác tính xuyên sáng đó để thể hiện nên những "bài thơ" bằng hình ảnh. Không chỉ là các họa tiết đặc trưng của Huế mà còn là những hình ảnh quê hương qua các loài hoa, lá, quả, thắng cảnh hoặc là những bức tranh hiện đại hoàn chỉnh.

Tác phẩm "Nón Cửu Đỉnh" được thể hiện bằng Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ.

Tác phẩm "Nón Cửu Đỉnh" được thể hiện bằng Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ.

PV: Theo anh, những đặc tính nào giúp nghệ thuật Trúc Chỉ đạt được giá trị thực đặc sắc nhất và được công chúng đón nhận nhiều nhất?

Nghệ thuật Trúc Chỉ khởi phát từ ý niệm: mang lại cho giấy thêm khả năng thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành một tác phẩm độc lập. Đó là tiền đề hình thành và khẳng định khái niệm Nghệ thuật Giấy (paper art) trong môi trường sáng tạo ở Việt Nam.

Do đó, điểm thu hút và làm nên sự khác biệt chính là nghệ thuật - tính tự thân của giấy và xơ sợi; của khả năng chuyển tải thông điệp thẩm mỹ; khả năng tác hợp với nhiều chất liệu, không gian và các loại hình nghệ thuật khác để đạt được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất.

Trúc Chỉ có khả năng tốt nhất trong việc khai thác ngôn ngữ tự thân của giấy, xơ sợi, cấu trúc… để biểu đạt các ý tưởng và hình thức nghệ thuật như các nghệ thuật tạo hình khác, đặc biệt là ngôn ngữ của nghệ thuật đồ họa (graphic art). Nếu màu sắc là nét đặc trưng của hội họa; nét, hình, đậm nhạt là đặc trưng của đồ họa; khối và chất liệu là đặc trưng của điêu khắc… thì với Trúc Chỉ, đặc trưng là ngôn ngữ của xơ sợi, đường nét, ánh sáng, sự linh hoạt trong tương tác với không gian, chất liệu và các loại hình nghệ thuật khác… tạo nên sự gần gũi, mộc mạc mà vẫn trang trọng.

PV: Theo anh, có khó khăn nào dẫn đến việc các sản phẩm Trúc Chỉ chưa xuất đi thị trường quốc tế?

Một trong những nỗ lực của Trúc Chỉ là làm cho người nước ngoài thấy được khả năng của Nghệ thuật Giấy (paper art) Việt Nam. Chúng tôi đã mang Trúc Chỉ ra bên ngoài bằng những dự án, triển lãm, giải thưởng như giải thưởng của Graphic Design of America năm 2017 - hạng mục sinh viên; Dự án nghệ thuật OvErSeA tại Lyon - Pháp 2018 và Berlin - Đức 2019; Shanghai International Paper Arts Biennial 2021-2023; Sustainability in chaos, Robert C. William Museum of Papermaking in Atlanta Georgia, USA…

Việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế là một điều khá khó khăn bởi nhiều trở ngại. Một trong số đó là quan niệm về Nghệ thuật Giấy vẫn còn khá mơ hồ với các cơ quan hữu trách. Ngay cả với lĩnh vực Nghệ thuật và quản lý văn hóa thì Nghệ thuật Giấy vẫn là một thứ gì đó khá xa lạ. Bên cạnh đó các thiết chế vẫn là rào cản đáng kể.

Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ vẫn còn khá "mơ hồ" tại Việt Nam.

Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ vẫn còn khá "mơ hồ" tại Việt Nam.

PV: Anh có dự định sáng tạo gì thêm với Trúc Chỉ, hay sẽ chỉ bảo toàn nghệ thuật Trúc Chỉ với những gì hiện có?

Thời gian trên 10 năm theo tôi là đã đủ cho việc tạo dựng một khái niệm mới, một giá trị mới. Mặc dù vẫn còn những trở ngại cả về nhận thức lẫn quan niệm về Nghệ thuật Giấy, Trúc Chỉ cũng đã có được chỗ đứng trong dòng chảy nghệ thuật Việt, đời sống Việt. Các hiệp hội Paper Artist trên thế giới đã biết đến Việt Nam qua Trúc Chỉ. Đây cũng là thành quả của rất nhiều nỗ lực của anh chị em Trúc Chỉ.

Như đã nói, hành trình của Trúc Chỉ vừa mới bắt đầu, đường còn xa và lắm gập ghềnh cho việc xây dựng một giá trị văn hóa mới. Sự sẻ chia, thông hiểu của cộng đồng sẽ là động lực to lớn cho Trúc Chỉ trên hành trình sắp tới. Cảm ơn!

Hành trình vươn ra biển lớn của Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ chỉ mới bắt đầu.

Hành trình vươn ra biển lớn của Nghệ thuật Giấy Trúc Chỉ chỉ mới bắt đầu.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

(Bài viết có sử dụng hình ảnh minh họa từ Vietnam Trúc Chỉ Art & Trúc Chỉ Garden.)

Trần Huyền Trang (thực hiện)

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/su-hoa-than-dieu-ky-cua-giay-c8a74932.html