Sự hồi sinh của chàng ca sĩ trẻ từng chìm sâu trong 'giấc ngủ đông' suốt 3 năm

Nhìn tôi đứng trên sân khấu, biểu diễn ca khúc do chính mình sáng tác về ngày tháng chiến đấu với căn bệnh hãi hùng, bố mẹ và bác sĩ đã khóc. Ba năm trước, tôi từng nghĩ 'giá như mình tỉnh dậy ở thế giới khác thì tốt hơn'.

Nguyễn Thế Dũng sinh năm 2002, quê Hòa Bình, hiện là ca sĩ tự do, vừa tốt nghiệp khoa Âm nhạc ứng dụng, Trường Đại học Thăng Long. Dũng phát hiện bị viêm xương hàm năm 2021 sau nhiều lần nhận chẩn đoán nhầm, từng nghi mắc ung thư, trải qua nhiều cuộc mổ, tái phát rồi lại mổ... suốt gần 3 năm trời.

Sau khi đọc bài viết Sự hồi sinh của người đàn ông từng trải qua 9 cuộc mổ, 550 ngày húp cháo, kể về anh Nguyễn Khoa Na ở Huế đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật, Dũng đã gửi đến VietNamNet câu chuyện của bản thân mình về 3 năm như "giấc ngủ đông" và hành trình tìm lại niềm tin, tình yêu cuộc sống.

Những ngày tháng thuốc giảm đau quý hơn vàng

Tỉnh dậy sau giấc ngủ trong chuyến đi chơi cuối năm thứ nhất đại học, tôi cảm thấy mặt hơi sưng. "Chắc đau răng", tôi nghĩ. Trong bữa ăn sáng, bạn tôi thốt lên: “Ơ Dũng! Mặt cậu bị lệch”, tôi hiểu rằng có vấn đề. Tôi soi gương, rồi lao lên mạng tìm kiếm thông tin. Dấu hiệu của tôi được chỉ dẫn về bệnh viêm tủy, viêm răng, viêm xương. Không đơn giản rồi!

Ban đầu, biểu hiện của bệnh như đau răng số 8, khiến hàm dưới bên phải sưng lên kèm sốt. Nhưng sau đó, tôi thường bị đau giật từng cơn, tăng dần, lan từ vùng răng hàm lên tai rồi đỉnh kịch là thái dương, liên tục.

Dịch Covid-19 phức tạp, tôi không thể đi khám, chỉ tự mua thuốc. Chứng bệnh này rất lạ, cứ kháng sinh vào là hết, thuốc giảm đau với tôi khi đó quý hơn vàng. Sợ nhất là mất ngủ triền miên. Có những đêm dưới tác dụng của thuốc giảm đau, tôi chập chờn mộng mị được vài giờ ít ỏi rồi tỉnh giấc vì cơn đau quay lại.

Đớn đau, mất ngủ biến tôi thành con người khác, thường xuyên mộng mị, mệt mỏi. Lúc tỉnh táo, tôi hiểu đang bị tác động xấu của bệnh, nhưng tôi đã để bản thân dễ cáu giận, nhạy cảm từ lúc nào. Một chi tiết đơn giản không vừa ý, tôi cũng không kiểm soát được, chỉ chực chờ nổ tung.

Quãng thời gian đó tôi chủ yếu ở một mình, không được về quê. Nỗi lo bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực cứ kéo ghì tôi xuống. Có lúc, ý nghĩ xấu xa muốn buông hết, phá hết để dứt điểm cơn đau lại giày vò tôi, để lúc “tỉnh dậy ở thế giới khác thì tốt hơn”, như lời bài hát "Giấc ngủ đông" khi tôi thể hiện trong chương trình tốt nghiệp sau này.

Từng có thời điểm, một ngày của tôi là quẩn quanh với cơn đau và thuốc, cứ hết 4 tiếng lại phải uống. Soi gương, tôi không nhận ra mình: Mặt sưng vều, biến dạng, mắt trũng sâu, thiếu tỉnh táo. Người tôi còn hơn 45kg trong khi cao gần 1,7m.

Với người làm nghệ thuật, cuộc đời gắn liền với sâu khấu và khán giả, chỉ mới 19 tuổi, tôi đã nghĩ mình mất tất cả.

Cuối năm 2021, nghĩa là khoảng 6 tháng từ khi có dấu hiệu lạ, tôi đi khám. Bác sĩ yêu cầu tôi dừng thuốc giảm đau ngay. Tổng cộng tôi đi khám 7 lần ở nhiều nơi, mỗi lần ra một bệnh. Hoang mang! Có bệnh viện ở Hà Đông (Hà Nội) chẩn đoán tôi bị viêm tuyến nước bọt, uống 3, 4 đợt thuốc không đỡ. Bố mẹ lo tôi bị ung thư.

Suy nghĩ đó thật kinh khủng với tôi khi đó. Mình sắp chết ư? Có lúc tôi đã muốn kết thúc mọi chuyện, sao giờ đây chỉ mới nghĩ đến nó đã muốn run lẩy bẩy? May thay, sau khi khám ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bác sĩ thông báo không tìm thấy tế bào ung thư, nhưng bệnh tình của tôi vẫn không lạc quan. Tôi được giới thiệu sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - CuBa vì ở đây chuyên về răng hàm mặt.

Bác sĩ nhận định tôi bị viêm xương hàm, loại bệnh khác hoàn toàn với các chẩn đoán trước đó. Mối hoang mang đeo bám, tôi không biết đây có phải là chẩn đoán chính xác hay chưa, trong khi bác sĩ yêu cầu tôi phải nhập viện ngay trong ngày để chuẩn bị phẫu thuật.

Cảm giác mọi thứ sụp đổ. Tôi chưa sẵn sàng cho việc đó, liền gọi điện cho bố mẹ. Họ cũng bối rối và quyết định phải đưa đi khám thêm một nơi nữa.

Chúng tôi lên Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, chẩn đoán vẫn là viêm xương hàm dưới bên phải. Tôi nhớ bác sĩ khi đó biết tôi mới 19 tuổi, muốn giữ xương hàm cho tôi nên chưa chỉ định thực hiện cắt ghép xương hàm ngay mà trước mắt nạo vét phần viêm bám trên xương.

Tôi háo hức chờ ca mổ đầu tiên vào tháng 12/2021. Sau khi nạo vét, tôi về quê đón Tết. Nhưng một tháng sau, cơn đau quay lại. Bác sĩ đưa ra hai hướng điều trị: Hoặc tiếp tục nạo vét ổ viêm để cố giữ xương hàm, hoặc cắt ghép ngay.

Lúc này, bố mẹ tôi quyết định cho tôi nạo vét thêm lần nữa, vào khoảng giữa năm 2022. Lần này, sau khoảng 2 tháng, tôi bị đau lại, nghĩa là bệnh chưa khỏi.

Bác sĩ giải thích với tôi vì bệnh liên quan xương, tủy, chỉ cần một ổ viêm còn sót lại thì sẽ như tổ mối nảy nở, ăn mòn dần các tổ chức xung quanh. Sau 2 lần nạo vét, tôi suy sụp khi nhìn hình ảnh chụp Xquang, phần xương nạo đã rỗ như bị xốp. Tôi buộc phải phẫu thuật lấy xương mác để ghép xương hàm.

Nguyễn Thế Dũng những ngày sau cuộc đại phẫu. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thế Dũng những ngày sau cuộc đại phẫu. Ảnh: NVCC

Ở Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, sáng sáng đều có một nhóm thầy thuốc đi thăm buồng. Một ngày, tôi bất ngờ được bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung dừng lại hỏi thăm và nhận lời tham gia ca phẫu thuật cho tôi.

Mọi chuyện nhẹ nhàng, tự nhiên đến mức tôi vẫn không tin nổi, bởi trong hình dung của tôi về các bác sĩ, họ phải lạnh lùng, phải “có gì đó” thì mới nhiệt tình hỗ trợ bệnh nhân đến thế. Huống hồ khi đó tôi còn chưa kịp mở lời nhờ vả…

Tôi và gia đình bước vào cuộc chiến "kinh khủng nhất". Bác sĩ thông báo phải cắt 13cm xương hàm và 7 chiếc răng. Nhập viện, bác sĩ Nhung đưa tôi đi khắp các khoa để kiểm tra sức khỏe, chuẩn bị cho ca đại phẫu.

Nhưng sức khỏe tôi không đảm bảo, trước hết là phải tăng cân. Tẩm bổ chưa được bao nhiêu, tôi bị ho, chỉ húng hắng ngứa họng nhưng vẫn không đủ điều kiện để mổ vì nguy cơ có thể gây tắc thở, tử vong. Lịch mổ dời lại 1 tháng. Ngày ấy, cứ vài hôm tôi lại vào viện kiểm tra, quen thuộc từng ngóc ngách.

Rồi ngày lên bàn mổ cũng đến, cuối năm 2022. Chưa cuộc thi hay trận đối đầu trên sân khấu nào khiến tôi căng thẳng, hồi hộp đến mức thở không nổi và sợ sệt như lúc ở phòng chờ mổ. 5 phút mà như 5 giờ đồng hồ. Phòng chờ mổ rất lạnh nhưng tôi nóng bức, chân tay run rẩy, rịn cả mồ hôi. Một bác sĩ vào hỏi han, tôi ngu ngơ không nhớ nổi đã nói gì.

Tỉnh dậy sau giấc ngủ đông

Mẹ kể tôi hôn mê thêm 4 tiếng sau ca mổ 10 giờ đồng hồ. Chập chờn tỉnh lại, tôi cảm nhận mẹ đang nói nhưng không rõ tiếng, tôi muốn gọi mẹ, cố vùng vẫy nhưng bất lực.

Tôi bị “trói” chân, tay vào thành giường, hàm bị ghìm lại nên không thể há miệng. Khó thở, cảm giác như sắp chết đuối, tôi hoảng loạn. Thật may, mẹ luôn bên cạnh, kịp thời nhận ra tôi đang cố làm gì đó. Sau này tôi mới nhớ ra, tất cả bệnh nhân sau mổ vi phẫu tạo hình xương hàm bằng xương mác đều bị "ghìm" như vậy, phòng bị ảnh hưởng các vùng phẫu thuật.

Bác sĩ đưa cho tôi tờ giấy và bút, hỏi tôi muốn nói gì, tôi nghuệch ngoạc vài nét chữ đến nay không thể nhớ, nhưng may mắn, lại là mẹ đoán được tôi khó thở. Quyết định rút ống và tháo hàm nhanh chóng đưa ra.

Một chặng đường mới bắt đầu. Cũng như anh Nguyễn Khoa Na trong bài viết của VietNamNet, tôi phải ăn qua sonde, phải cố định hàm, chân, không đi lại, mọi thứ đều nhờ người thân. Khó chịu vô cùng, nhớ cơm, nhớ cảm giác được nhai hay tự do đi lại…

Dũng trong chương trình tốt nghiệp và hình ảnh cùng bố mẹ, bác sĩ Nhung (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: NVCC

Dũng trong chương trình tốt nghiệp và hình ảnh cùng bố mẹ, bác sĩ Nhung (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: NVCC

Suốt gần 3 năm chiến đấu với bệnh tật, tôi gọi là "giấc ngủ đông", đi từ đáy vực sâu của bi quan và bất lực vì ý nghĩ phải một mình đương đầu mọi thứ đến cảm giác tràn đầy biết ơn, muốn sống nhiều hơn để yêu bản thân, yêu gia đình và cuộc đời, những người hồi sinh tôi.

Ba năm đó, tôi biết rằng bản thân chưa từng bị “bỏ rơi” vì tình yêu của gia đình, người thân quen đến xa lạ vẫn ở đó, chỉ là tôi không nhận ra. Sau này nghĩ lại, tôi xấu hổ rằng đã từng có ý nghĩ chấm dứt tất cả, đánh rơi niềm tin, dễ dàng buông bỏ.

Bố mẹ tôi làm nghề tự do. Một đời chạy chợ mẹ tôi chưa từng một ngày bỏ bê sạp hàng nhỏ để nghỉ ngơi, dù bố tôi có động viên cỡ nào, thậm chí hai người từng xung đột. Nhưng suốt nhiều tháng trời, mẹ bỏ hết để từ Hòa Bình xuống chăm sóc, động viên, luôn mạnh mẽ để tôi dựa vào. Tình yêu thương, sự hi sinh của bố mẹ làm tôi tỉnh thức sau những ngày tháng chìm đắm trong bi quan.

Và các bác sĩ, họ hồi sinh tôi, khi tôi đã chạm đáy mất niềm tin vào điều trị. Bác sĩ Nhung trả lời từng tin nhắn của tôi, đến cả những câu hỏi ăn món này, gặp vấn đề nọ, chị cũng tận tình giải thích chi tiết, khoa học. Hơn hết, chị cho tôi niềm tin về việc mình không phải là trường hợp duy nhất gặp vấn đề. “Ai cũng gặp và rồi sẽ ổn cả!”, chị nói với tôi.

Đầu năm 2024, sau 6 tháng ở nhà chờ hồi phục sau ca mổ, khi quay lại học thanh nhạc ở trường, những tổn thương tưởng chừng tiếp tục quật ngã tôi. Mặt tôi vẫn lệch nhẹ, khẩu hình không bình thường, phát âm không thể tròn vành rõ chữ, cột hơi vốn dài nay bị “xé” làm đôi, làm ba vì nước bọt ứa ra liên tục buộc phải vừa lấy hơi vừa nuốt (hậu quả của việc mất răng).

Nghĩa là tôi “xấu lạ” cả đường hình lẫn đường tiếng. Một vài người chỉ trỏ “trông méo mó, buồn cười”, nghe sát thương vô cùng. Tôi không thể không lo sợ, chỉ biết khóc.

Một lần, thầy giáo Phạm Đức Thành bảo tôi: “Đã là nghệ sĩ, cứ thỏa sức sáng tạo, cứ hát như là chính mình, đó mới là phong cách, là nghệ thuật”. Tôi hiểu, chuẩn của tôi bị lệch nhưng không có nghĩa là xấu, cần chấp nhận sự thật và biến nó thành bản sắc riêng. Những lời nói sát thương kia trở thành động lực để tôi thể hiện mình.

Bệnh tật hay tận cùng bi quan đã vượt qua rồi, không gì có thể cản bước khi bên cạnh tôi có gia đình, thầy cô, bạn gái và những người thân yêu... Buổi biểu diễn chương trình tốt nghiệp, tôi không khóc vì buồn, tôi khóc vì nhận ra những điều tử tế, đẹp đẽ luôn xung quanh và cần được trân trọng.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-hoi-sinh-cua-chang-ca-si-tre-tung-chim-sau-3-nam-trong-giac-ngu-dong-2314686.html