Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Báo Tin tức và Dân tộc (TTXVN) điểm lại những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

1. Tổng thống Donald Trump ngày 4/7 đã ký thành luật gói giảm thuế và chi tiêu trị giá 4.500 tỷ USD trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ. Đây là gói chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai mang tính biểu tượng của Tổng thống Trump, thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện tại Nhà Trắng, ngày 4/7/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện tại Nhà Trắng, ngày 4/7/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

2. Trung Quốc khai trương công viên Legoland lớn nhất thế giới vào sáng 5/7. Với tổng diện tích 318.000 m2, Legoland Thượng Hải là khu resort Legoland thứ 11 trên thế giới, đồng thời là công viên Legoland lớn nhất tính đến nay.

3. Hội nghị thượng đỉnh khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) bế mạc ngày 3/7 đã ra Tuyên bố chung nêu rõ Mercosur cần trở thành một khối kinh tế cạnh tranh hơn, nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế cho các quốc gia thành viên.

4. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 2/7 đề xuất mục tiêu khí hậu mới giảm 90% lượng khí nhà kính ròng vào năm 2040 so với mức cơ sở năm 1990. Đây là một bước tiến mang tính chiến lược trong lộ trình dài hạn hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời thể hiện nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc duy trì vai trò tiên phong toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

5. Nhiều quốc gia dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu thịt gà Brazil sau khi nước này không phát hiện thêm ca bệnh nào và đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm dịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo Bộ Nông nghiệp Brazil tổng cộng đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khôi phục nhập khẩu thịt gà Brazil. Brazil hiện là nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới.

Thịt gà được bày bán tại chợ ở Sao Paulo, Brazil ngày 20/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Thịt gà được bày bán tại chợ ở Sao Paulo, Brazil ngày 20/5/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

6. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác còn gọi là OPEC+, ngày 5/7 thông báo quyết định tiếp tục tăng sản lượng dầu mỏ thêm 548.000 thùng/ngày trong tháng 8/2025. Theo OPEC+, triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố cơ bản thuận lợi của thị trường, trong đó lượng dầu tồn kho thấp, là lý do để tiếp tục tăng sản lượng.

7. Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá lên tới 34,9% đối với các loại rượu mạnh có xuất xứ từ Liên minh châu Âu (EU) trong thời hạn 5 năm, bắt đầu từ ngày 5/7. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kết quả điều tra cho thấy rượu mạnh nhập khẩu từ EU bị bán phá giá, gây ảnh hưởng đáng kể đến ngành sản xuất rượu của Trung Quốc. Trong khi đó, người phát ngôn phụ trách vấn đề thương mại của Ủy ban châu Âu (EC), ông Olof Gill, nhấn mạnh các biện pháp thuế của Trung Quốc không phù hợp với các quy định quốc tế hiện hành, do đó không có căn cứ. EU sẽ đánh giá các bước đi tiếp theo nhằm bảo vệ tốt hơn các lợi ích kinh tế của khối.

8. Microsoft cắt giảm nhân sự lớn nhất kể từ năm 2023. Tập đoàn công nghệ Mỹ này sẽ cắt giảm hơn 9.000 nhân sự, ảnh hưởng tới gần 4% lực lượng lao động toàn cầu nhiều bộ phận khác nhau. Microsoft tiếp tục tiến hành các thay đổi về mặt tổ chức để định vị lại tập đoàn và các đội ngũ tốt nhất hướng tới sự thành công trong một thị trường năng động.

Biểu tượng Microsoft. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Biểu tượng Microsoft. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

9. Indonesia duy trì tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP thấp nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ở mức 30,6% trong quý I/2025. Theo Ngân hàng trung ương Indonesia, kết quả này phản ánh sự ổn định kinh tế vững chắc giữa bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

10. Ngày 4/7 Ấn Độ đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề xuất áp thuế đối ứng đối với thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với ô tô và một số linh kiện ô tô, trong bối cảnh hai quốc gia đang tiến gần đến việc hoàn tất một hiệp định thương mại tạm thời. Thông báo của WTO cho biết việc Ấn Độ đề xuất đình chỉ các ưu đãi hoặc nghĩa vụ khác sẽ được thực hiện dưới hình thức tăng thuế đối với một số sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ.

Hoàng Hà/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/su-kien-kinh-te-the-gioi-noi-bat-tuan-qua-20250706074218197.htm