Sự kiện quốc tế 23-29/7: Vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào
Vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào, hội nghị BRICS, 'trăng máu' dài nhất thế kỷ là 3 trong số những sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.
Vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào khiến hơn 130 người mất tích
Vào lúc 20 giờ ngày 23/7 (giờ địa phương), đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào, đã bị vỡ và xả 5 tỷ mét khối nước.
Tính đến ngày 26/7, đã xác định được 131 người mất tích, trong đó chỉ mới tìm thấy 1 thi thể. Có 587 hộ gia đình và 3.060 người thiếu nơi ăn nghỉ, 13 bản chịu ảnh hưởng.
Do nước càng ngày càng đổ về hạ lưu nên có thêm 6 bản nằm phía dưới hạ lưu bị ảnh hưởng...
Đập thủy điện tại Xe Pian-Xe Namnoy là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Công ty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc, Công ty Điện lực Đông Hàn Quốc, Công ty General Holding của Thái Lan và một công ty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.
Ngay sau sự cố vỡ đập thủy điện, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã chỉ đạo và thành lập Đoàn chuyên trách khẩn trương cứu trợ và khắc phục hậu quả của sự cố.
Bầu cử Campuchia: Đảng của Thủ tướng Hun Sen chiến thắng áp đảo
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cho biết đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI với trên 4,2 triệu phiếu ủng hộ, trong tổng số hơn 6,8 triệu cử tri đã đi bầu, chiếm trên 60% số phiếu bầu.
Tỷ lệ ủng hộ trên cao hơn nhiều so với số phiếu CPP thu được trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V năm 2013 (chỉ là 48,83%). Các đảng giành được số phiếu tiếp theo là Dân chủ cơ sở (GDP) được trên 560.000 phiếu, đảng FUNCINPEC được trên 326.000 phiếu, đảng Liên minh vì dân chủ (LDP) được trên 268.000 phiếu, đảng Ý chí Khmer (KWP) được trên 183.000 phiếu...
Tổng Cục trưởng cảnh sát quốc gia, Thống tướng Neth Savuon đánh giá cuộc bầu cử đã diễn ra hoàn toàn hòa bình, không có bất kỳ hành động bạo lực nào xảy ra. Nhiều tổ chức quan sát viên quốc tế đã đánh giá cuộc bầu cử lần này diễn ra suôn sẻ, không có bất kỳ hoạt động vi phạm luật bầu cử nào.
Qua trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã gửi lời cảm ơn đến các cử tri đã đi bầu một cách đông đảo, thể hiện lựa chọn con đường dân chủ và quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp.
Cuộc bầu cử lần này có 20 đảng tham gia. Theo lịch trình, trong trường hợp không có khiếu kiện nào buộc phải tổ chức bầu cử lại, NEC sẽ công bố kết quả sơ bộ vào ngày 11/8 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 15/8.
"Trăng máu" dài nhất thế kỷ
Ngày 27/7, người dân khắp nơi trên thế giới đã có cơ hội chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đẹp mắt khi "trăng máu" - nguyệt thực dài nhất thế kỷ tỏa sắc đỏ huyền ảo trên bầu trời nhiều quốc gia và mưa sao băng Delta Aquarids.
Hai hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này diễn ra trùng với giai đoạn sao Hỏa tiến tới vị trí gần Trái Đất nhất trong vòng 15 năm qua.
Nguyệt thực vào đêm 27/7 theo giờ chuẩn quốc tế GMT được giới khoa học đánh giá là nguyệt thực dài nhất thế kỷ, kéo dài từ 17 giờ 14 đến 23 giờ 28 (tức 0 giờ 14 đến 6 giờ 28 sáng 28/7 theo giờ Việt Nam) với thời gian lên tới 6 giờ 14 phút.
Giai đoạn toàn phần kéo dài từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 13 theo giờ GMT (tức 2 giờ 30 đến 4 giờ 13 sáng 28/7 theo giờ Việt Nam).
Các khu vực quan sát rõ nhất gồm một phần phía Đông châu Âu, Tây và Nam Á, một phần Bắc Phi, Trung Phi và Nam Phi. Không giống như nhật thực, người xem không cần đeo kính bảo hộ để quan sát cảnh tượng ngoạn mục này.
Cùng thời điểm này người dân còn có dịp chiêm ngưỡng hiện tượng sao Hỏa, thiên thể màu đỏ thứ 2, xuất hiện chếch phía dưới Mặt Trăng khi "trăng máu" đang nhạt dần.
Mỹ và EU nhất trí giảm căng thẳng thương mại
Ngày 25/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã có cuộc đàm phán thương mại tại Nhà Trắng nhằm nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa hai bên
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-EU gia tăng, thậm chí là đã có nhiều “sóng gió” kể từ sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền tháng 1/2017.
Tại cuộc gặp, lãnh đạo Mỹ và EU đã đạt được “bước đột phá” quan trọng trong việc tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra giữa hai bờ Đại Tây Dương với việc hai bên nhất trí giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động.
Mỹ và EU còn thỏa thuận tăng cường thương mại trong một loạt lĩnh vực như dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương.
Đặc biệt vấn đề liên quan đến thuế nhôm thép và các biện pháp trả đũa lẫn nhau sẽ được hai bên ưu tiên giải quyết…
Các nhà phân tích nhận định, kết quả trên cho thấy các nền kinh tế lớn có thể giải quyết được bất đồng thông qua đối thoại để "né" bất kỳ cuộc chiến thương mại nào.
Giới phân tích cho rằng những nhượng bộ của hai bên lần này là một “bước lùi để tiến,” bởi lẽ Mỹ và EU đều nhận thấy rằng hạ nhiệt căng thẳng hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía, thậm chí cho cả nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS đạt nhiều kết quả quan trọng
Từ ngày 25 đến 27/7, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị Sandton, thành phố Johannesburg của Nam Phi với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 5 quốc gia thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Với chủ đề “BRICS tại châu Phi: Hợp tác vì sự tăng trưởng bao trùm và thịnh vượng chung trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm khi đề cập đến vấn đề mang tính xu thế thời đại là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia.
Trong khi đó, châu Phi, khu vực tuy giàu tài nguyên song vẫn bị coi là chậm phát triển nhất thế giới, được nhận định là sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt những cơ hội to lớn mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cũng như giải quyết những thách thức phát sinh.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo 5 nước BRICS đã thông qua Tuyên chung gồm 5 phần.
Theo đó các thành viên nhất trí hài lòng với những thành quả mà nhóm đạt được trong 10 năm qua nhờ hợp tác chặt chẽ vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển chung.
Đồng thời các lãnh đạo cũng tìm được tiếng nói chung ủng hộ thương mại toàn cầu, cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ sau những đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump...
Về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nước hoan nghênh việc thành lập Cơ quan hợp tác về Cách mạng công nghiệp mới BRICS (PartNIR), cũng như kế hoạch thành lập các đơn vị hỗ trợ hoạt động của cơ quan này. Nhiệm vụ trọng tâm của PartNIR là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên BRICS trong lĩnh vực số hóa, công nghiệp hóa, đột phá, đồng bộ và đầu tư nhằm tối đa hóa cơ hội phát triển, cũng như ứng phó với các thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phục hồi ở mức ổn định và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển theo cấp số nhân, việc BRICS thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần định hình cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu mới, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của khối trên trường quốc tế là điều cần thiết.
LG ra mẫu điện thoại siêu cao cấp Signature V35, giá gần 2.000 USD
LG Electronics đã lên kế hoạch ra mắt phiên bản siêu cao cấp của mẫu điện thoại thông minh V35 vào tháng tới.
Phiên bản giới hạn siêu cao cấp của mẫu V35 này dự kiến sẽ có mức giá lên đến 1,98 triệu won (1.787 USD). Theo tờ Asia Business Daily của Hàn Quốc, mẫu điện thoại này sẽ dùng vật liệu chống xước cao cấp - có thông tin cho biết đó là chất liệu sứ siêu bền - và có 6GB RAM, 256GB bộ nhớ trong.
Cũng theo tờ báo trên, những khách hàng mua phiên bản Signature này sẽ được hưởng một chế độ chăm sóc sau bán hàng với nhiều lợi ích bổ sung mang đến một sự "trải nghiệm cao cấp."