Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua: Ôtô 'Made in Vietnam' lăn bánh

Chiếc xe VinFast Lux SA2.0 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp, đánh dấu thành công của chu trình thử nghiệm dòng ôtô thương mại 'made in Vietnam' là sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Chiếc ôtô VinFast Lux SA2.0 đầu tiên lăn bánh tại Hải Phòng

Ngày 6/3, tại Hải Phòng, chiếc xe VinFast Lux SA2.0 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp, đánh dấu thành công của chu trình sản xuất thử nghiệm dòng ôtô thương mại “made in Vietnam.”

Việc sản xuất thử nghiệm thành công chiếc xe Lux SA2.0 đầu tiên là bước ngoặt quan trọng, khẳng định VinFast đã cơ bản hoàn tất việc lắp đặt nhà máy và sẵn sàng vận hành thử nghiệm trước khi đi vào sản xuất hàng loạt.

Đặc biệt, việc chiếc xe được hoàn thiện sau khi tuần tự trải qua đầy đủ 6 công đoạn tại các xưởng: dập, hàn thân vỏ, sơn, động cơ, phụ trợ và lắp ráp - đã đưa VinFast trở thành nhà sản xuất xe hơi đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một chu trình khép kín, đồng bộ và hoàn chỉnh.

Đây cũng là chu trình sản xuất xe hơi hiện đại bậc nhất thế giới, trong đó nổi bật nhất là dây chuyền gia công và lắp ráp động cơ, có khả năng tự động gia công tinh thân máy, nắp mặt máy, mạ lòng xylanh, nhiệt luyện và gia công trục khuỷu.

Với việc sở hữu xưởng động cơ hiện đại, VinFast không chỉ đảm bảo chủ động trong sản xuất mà còn tăng đáng kể tỷ lệ nội địa hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

Ngày 6/3, tại Hải Phòng, chiếc xe VinFast Lux SA2.0 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp, đánh dấu thành công của chu trình sản xuất thử nghiệm dòng ôtô thương mại made in Vietnam. (Ảnh: Tuấn Hải)

Ngày 6/3, tại Hải Phòng, chiếc xe VinFast Lux SA2.0 đầu tiên đã lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp, đánh dấu thành công của chu trình sản xuất thử nghiệm dòng ôtô thương mại made in Vietnam. (Ảnh: Tuấn Hải)

Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou thăm Việt Nam

Từ ngày 4 đến 8/3, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào do đồng chí Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Lào dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

Mục đích của chuyến thăm và làm việc lần này của Đoàn là để hai bên cùng nhau đánh giá kết quả hợp tác trong hai năm qua trên tinh thần Biên bản hợp tác giữa hai Quốc hội.

Chuyến thăm là sự tiếp nối sau cuộc họp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam-Lào và Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Lào do hai Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì vào đầu năm 2019.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou.

Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Lào cho biết, thời gian qua, Lào đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ Quốc hội cũng như các địa phương của Việt Nam.

Từ những hoạt động thiết thực đó đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cũng như trong kiểm tra, giám sát, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thực thi pháp luật của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương Lào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội hai nước; tăng cường giám sát, đôn đốc thực hiện có hiệu quả việc triển khai các thỏa thuận đã ký kết giữa Chính phủ, bộ ngành và địa phương hai nước; hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án hợp tác giữa hai nước…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Lễ phát động "Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em”

Sáng 6/3, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ phát động trực tuyến "Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2019 được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn là "Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và sẽ là chủ đề xuyên suốt, được tiếp nối trong nhiều năm, góp phần thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt để đảm bảo các quyền cho người dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em.

Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, chống bạo hành gia đình, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo vệ quyền lợi, sự phát triển của nữ giới ngày càng được hoàn thiện.

Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; gần 100% trẻ em dưới một tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng, gần 100% trẻ em năm tuổi được đi học mẫu giáo; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Thủ tướng nghị các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị rà soát kế hoạch hoạt động, bổ sung các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em theo chức năng, thẩm quyền; đề xuất hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách về an toàn, an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của phụ nữ và trẻ em...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cùng tham gia đi bộ trên đường Đinh Tiên Hoàng, hưởng ứng Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cùng tham gia đi bộ trên đường Đinh Tiên Hoàng, hưởng ứng Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi

Sáng 4/3 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng đến 9 tỉnh phía Bắc, với khoảng 6.400 con lợn bị tiêu hủy.

Nhân viên thú y tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm tại hộ Đào Thị Thắng ở thôn Bó Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhân viên thú y tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm tại hộ Đào Thị Thắng ở thôn Bó Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng Yên. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan nhận Giải thưởng Kovalevskaia

Chiều 4/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đoạt giải cá nhân và Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận giải tập thể.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1974) đã có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, bao gồm 105 công bố khoa học trong và ngoài nước cùng nhiều sản phẩm được chuyển giao, ứng dụng trong nông nghiệp.

Giải tập thể được trao tặng các nhà khoa học nữ ở Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với nhiều thành tích đã đạt được trong hai hướng nghiên cứu chính: Công nghệ xử lý, tận dụng chất thải và phân tích, đánh giá chất lượng môi trường.

Từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia được trao cho các nhà khoa học nữ ở Việt Nam. Đến nay đã có 48 cá nhân và 19 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được lựa chọn trao giải.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột: Tinh hoa đại ngàn

Tối 9/3, Lễ hội Càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” đã khai mạc tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Điểm mới của Lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển càphê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trở thành điểm đến của càphê thế giới.

Cùng với đó, với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, vị trí, lao động và môi trường đầu tư…, Đắk Lắk chào đón các đại biểu, các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng đến với Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019 để cùng gặp gỡ, thảo luận về chính sách, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Trong những ngày tham dự Lễ hội, các đại biểu, du khách sẽ có những phút giây trải nghiệm thú vị, được đắm mình trong hương sắc càphê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo trong thời khắc đẹp nhất của tháng Ba Tây Nguyên.

Đắk Lắk làm say lòng người bởi “cái nắng, cái gió," bởi men say rượu cần và lòng mến khách.

Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 sẽ bế mạc vào ngày 16/3/2019, do Tập đoàn Trung Nguyên Legend làm tổng đạo diễn.

Tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/su-kien-trong-nuoc-noi-bat-tuan-qua-oto-made-in-vietnam-lan-banh-post557002.vnp