Sự kiện văn hóa nổi bật trong tuần: TP HCM đặt lại lư hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo

TP HCM đặt lại lư hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo, Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 có 12 nội dung phần hội, xóa bức bích họa xâm hại di tích quốc gia ở Hải Dương… là một số sự kiện văn hóa nổi bật trong tuần.

TP HCM đặt lại lư hương tại tượng đài Trần Hưng Đạo

Ngày 17/3, TP HCM tổ chức lễ khánh thành Dự án chỉnh trang tuyến đường Tôn Đức Thắng, khu vực công viên Mê Linh và Bến Bạch Đằng, trong đó có điểm nhấn là cung thỉnh đặt lại lư hương dưới tượng đài Trần Hưng Đạo như trước đây.

Lư hương được cung thỉnh đặt lại dưới tượng đài Trần Hưng Đạo 2

Sự kiện diễn ra sau khoảng 4 tháng Thành phố tiến hành tôn tạo, tuyến đường Tôn Đức Thắng, công viên Mê Linh, Bến Bạch Đằng và tượng đài Trần Hưng Đạo.

Trước đó, vào tháng 2/2019, quận 1, TP HCM đã cho trang trí lại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, đồng thời dời lư hương trước tượng đài về đền thờ trên đường Võ Thị Sáu. Việc này gặp phải phản ứng của một số người vì cho rằng đã lấy đi chỗ thờ phụng Đức Thánh Trần của người Sài Gòn trong nhiều năm qua.

Quảng Nam xin bắn pháo hoa đêm khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022

UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh bắn pháo hoa nổ tầm thấp trong khuôn khổ lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, thời lượng không quá 15 phút nếu Thủ tướng cho phép.

Tỉnh Quảng Nam xin được bắn pháo hoa nổ tầm thấp trong lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022. Ảnh minh họa

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng diễn ra trong cả năm 2022. Trong đó, điểm nhấn quan trọng của sự kiện là lễ khai mạc được tổ chức tại Đảo Ký ức Hội An, TP Hội An.

Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam bắn pháo hoa nổ tầm thấp tại Đảo Ký ức Hội An, TP Hội An trong khuôn khổ lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 có 12 nội dung phần hội

Theo Kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 của UBND tỉnh Phú Thọ, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương", được tổ chức với quy mô cấp tỉnh gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 có 12 nội dung phần hội

Hoạt động phần Lễ của Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay gồm: Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch và Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong"; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh...

Nhiều loại nhạc cụ lần đầu tiên được trình diễn tại Liên hoan văn hóa các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên

Tối 19/3, tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III - năm 2022 đã bế mạc.

Một tiết mục tại Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III - năm 2022

Tại liên hoan có khoảng 100 tiết mục diễn xướng, 19 bộ trang phục, 19 mâm cỗ truyền thống… qua tài năng khéo léo của các nghệ nhân tâm huyết được trình diễn, sắp đặt.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Chương trình Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên năm 2022 phong phú hơn nhiều so với hai lần tổ chức trước, trong đó lần đầu tiên, những loại nhạc cụ bị hạn chế bởi các tập tục được trình diễn.

Xóa bức bích họa xâm hại di tích quốc gia ở Hải Dương

Hôm 18/3, chính quyền phường Cẩm Đông (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã chỉ đạo sơn lại các bức tường tại đình cổ Tự Đông để xóa các bức bích họa được vẽ trên tường di tích lịch sử này.

Bức vẽ bích họa bản đồ Việt Nam tại khu vực tường đầu hồi của đình Tự Đông

Trước đó, các thanh niên địa phương phủ sơn, vẽ bích họa bản đồ Việt Nam tại khu vực tường đầu hồi của đình Tự Đông nhằm hưởng ứng Tháng thanh niên năm 2022.

Ngay sau khi đình Tự Đông bị sơn vẽ, nhiều người đã chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội và bày tỏ sự không hài lòng bởi bức họa đặt không đúng chỗ này khiến ngôi đình cổ bị biến dạng, ảnh hưởng đến giá trị lịch sử - văn hóa.

Tranh ‘Thiếu nữ chải đầu’ của họa sĩ Việt được bán với giá 8,5 tỷ đồng

Ngày 14/3, tại phiên đấu giá "Họa sĩ châu Á, tác phẩm quan trọng" của Aguttes, bức tranh "Thiếu nữ chải đầu" của họa sĩ Trần Tấn Lộc được bán với giá 338.000 euro, tương đương 8,5 tỷ đồng.

Bức tranh "Thiếu nữ chải đầu"

Đáng chú ý, phiên đấu giá có tất cả 46 tác phẩm được đem ra bán, trong đó có nhiều tác phẩm của các danh họa Việt như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm...

Tranh "Thiếu nữ chải đầu" vẽ năm 1932, được cho là vẽ vợ của em trai họa sĩ Trần Tấn Lộc. "Thiếu nữ chải đầu” là bức duy nhất của Trần Tấn Lộc được biết cho tới nay, vẽ bằng mực và màu trên lụa - kỹ thuật đặc biệt được giảng dạy tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào khoảng năm 1930.

28 tác phẩm được trao Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc năm 2021

Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã được trao cho 28 tác phẩm xuất sắc năm 2021 hôm 14/3.

Bộ ảnh Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng, chống Covid-19 của tác giả Huỳnh Văn Truyền đoạt Cúp VAPA 2021. Ảnh: VAPA

Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc là giải thưởng quan trọng nhất trong năm của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao tặng cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh có tác phẩm ảnh, công trình lý luận phê bình và sách ảnh giàu tính sáng tạo, có chất lượng nghệ thuật và nội dung cao.

Năm 2021, Cúp VAPA được trao cho tác phẩm "Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng, chống Covid-19" của tác giả Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng).

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/su-kien-van-hoa-noi-bat-trong-tuan-tp-hcm-dat-lai-lu-huong-tai-tuong-dai-tran-hung-dao-post186310.html