Sự lên ngôi của nguyên liệu da thuần chay tự nhiên trong thời trang

Ngành da thuần chay toàn cầu với các chất liệu da làm từ thực vật được dự đoán sẽ đạt giá trị 89 tỷ USD vào năm 2025 và mức tăng trưởng mạnh nhất là tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Một chiếc ví cầm tay được làm từ nguyên liệu da xoài. (Nguồn: Luxtra)

Một chiếc ví cầm tay được làm từ nguyên liệu da xoài. (Nguồn: Luxtra)

Khi người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về các lựa chọn thời trang của mình, ngành công nghiệp này đang cố gắng chuyển sang sử dụng da thuần chay và không chứa động vật để giữ thị phần của mình trong thị trường đang thay đổi nhanh chóng.

Theo một báo cáo gần đây, ngành da thuần chay toàn cầu được dự đoán sẽ đạt giá trị 89 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng mạnh nhất là tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Thuật ngữ “da thuần chay” được sử dụng để mô tả tất cả các chất liệu thay thế cho da làm từ động vật. Với những lợi ích về môi trường và ý nghĩa đạo đức, da thuần chay đang ngày càng thu hút người tiêu dùng có ý thức về sự bền vững, đặc biệt là giới trẻ.

Da thuần chay được đánh giá là mang những thuộc tính tương tự như da thuộc từ động vật từ hình dáng, màu sắc đến cảm giác khi sờ vào.

Tuy nhiên, da thuần chay không chỉ được làm từ nguyên liệu thực vật mà có một số ít là da tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu mỏ, cũng được dán nhãn “da thuần chay.” Thực chất, đây là loại da không ảnh hưởng đến động vật nhưng ít nhiều vẫn gây tác động đến môi trường theo hướng lâu dài.

Với chất lượng và tính linh hoạt, da thuần chay đã tạo nên những cơn sốt trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp và được nhiều thương hiệu lớn như Stella McCartney, Dr. Martens và Gucci, đầu tư, sáng tạo các sản phẩm từ da thực vật, phản ánh một xu hướng mới về sự kết hợp giữa thời trang, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Những loại da thuần chay đang phổ biến trên thị trường:

Da dứa (Pinãtex)

Pinãtex là một sản phẩm nổi tiếng của Công ty Tây Ban Nha Ananas Anam. Đây là một trong những thương hiệu da thuần chay tự nhiên đầu tiên nổi lên như một giải pháp thay thế cho PU và PVC - những chất thay thế gốc nhựa và dầu mỏ được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm không có động vật trong những năm qua nhưng lại có hại cho môi trường.

 Những chiếc ví nhỏ được làm bằng da dứa. (Nguồn: Pinãte )

Những chiếc ví nhỏ được làm bằng da dứa. (Nguồn: Pinãte )

Được sáng chế bởi Tiến sỹ Carmen Hijosa, Pinãtex có chất lượng giống như da nhờ sợi cellulose chiết xuất từ lá dứa.

Vật liệu Pinatex rất thoáng khí, mềm mại mà không bị nhăn nhàu và dễ dàng in được màu lên loại vật liệu đó cũng như cắt và may nó thành thành phẩm.

Vải da Pinatex có thể ứng dụng cho nhiều loại mặt hàng thời trang từ quần áo cho tới giày, bốt và cả đồ nội thất.

So với quy trình thuộc để sản xuất da động vật, Pinãtex rẻ hơn rất nhiều lần và nó khiến những người ủng hộ việc bảo vệ động vật hài lòng.

Da xoài

Công ty khởi nghiệp Fruitleather Rotterdam của Hà Lan đã tạo ra da xoài, một loại vật liệu giả da thuần chay được làm từ loại trái cây nhiệt đới này.

 Giày da được làm từ xoài. (Ảnh: Saye)

Giày da được làm từ xoài. (Ảnh: Saye)

Da xoài được tạo ra bằng cách nghiền và luộc xoài, một quá trình giúp loại bỏ mọi vi khuẩn, sau đó trộn nó với các chất phụ gia tự nhiên khác nhau trước khi trải hỗn hợp đã nghiền này thành tấm để sấy khô.

Trước khi sấy, da xoài có màu kem nhạt, nhưng sau khi sấy, chúng có màu khác nhau tùy thuộc vào loại xoài được sử dụng.

Da xoài gần đây đã được sử dụng trong bộ sưu tập túi xách da thuần chay mới của nhãn hiệu thời trang bền vững Luxtra có trụ sở tại London, Anh

Da nấm

Da nấm là một trong những chất liệu da thuần chay nổi tiếng nhất hiện nay, sánh ngang với da dứa. Bề ngoài nó rất giống da bò, được làm từ loại nấm Phellinus ellipsoideus không ăn được.

 Da thuần chay từ nấm là sự thay thế bền vững cho da thuộc truyền thống. (Ảnh: Style - Republik)

Da thuần chay từ nấm là sự thay thế bền vững cho da thuộc truyền thống. (Ảnh: Style - Republik)

Da nấm được tạo ra bằng cách phân hủy cellulose trong nấm để tạo ra bột giấy, sau đó kết hợp với các vật liệu tự nhiên khác, chẳng hạn như vỏ cây hoặc cây gai dầu, và ép thành vải giống như da.

Nấm Phellinus ellipsoideus có nguồn gốc từ các khu rừng cận nhiệt đới và là loại ăn thân cây khiến thực vật bị thối rữa. Việc sản xuất da nấm cũng góp phần làm giảm sự sinh trưởng của loài nấm có hại với các thảm thực vật này, tốt cho môi trường tự nhiên.

Ngoài độ bền cực kỳ cao, da nấm còn có khả năng chống thấm nước, không độc hại và đủ bền để tạo ra những món đồ thời trang vốn thường được làm từ da thật.

Bolt Threads , Myco Works và Ecovative là các hãng thời trang dẫn đầu về các sản phẩm da nấm.

Da táo

Những phụ phẩm của quả táo sau khi ép nước như lõi, vỏ, hạt và cùi được các nhà sản xuất phơi khô rồi nghiền thành bột rất mịn. Loại bột này sau đó được trộn với polyurethane để tạo ra da táo - vật liệu giả da có một phần nguồn gốc sinh học và một phần tổng hợp.

 Da táo thích hợp để thiết kế túi và giày. (Nguồn: Vegaa)

Da táo thích hợp để thiết kế túi và giày. (Nguồn: Vegaa)

Da táo đặc biệt thích hợp để thiết kế túi và giày vì nó là vật liệu có độ dày tự nhiên. Mặc dù vậy, các nhà thiết kế vẫn đang cố gắng thích nghi với chất liệu này.

Dù có khả năng chịu lực tốt, nhưng sản phẩm vẫn cần được chăm sóc kỹ lưỡng, đồng thời yêu cầu công nghệ và kỹ thuật may khác biệt để duy trì chất lượng.

Hai thương hiệu thời trang Samara (Canada) và Frumat (Italy) hiện đang sản xuất da táo và cho ra đời nhiều sản phẩm thời trang da thuần chay vừa bền vừa đẹp.

Da nho

Bã nho – phụ phẩm của ngành rượu vang - cũng được tận dụng để chế tạo ra vải giả da.

Công ty Vegea của Italy, nổi tiếng là đi đầu trong chế tác chất liệu xanh, đã bắt tay với nhiều nhà vườn và hãng làm rượu nho ở nước này để chế tác nên da vegan bằng bã nho.

Chất liệu giả da thân thiện với môi trường này đã được nhiều “gã khổng lồ” thời trang để mắt tới và hợp tác với Vegea ra mắt các sản phẩm thân thiện với môi trường và động vật.

Vegea đã cung cấp sản phẩm da nho cho cho H&M, & Other Stories, và cả thương hiệu Serapian cao cấp của Tập đoàn Richemont (sở hữu Cartier, Piaget).

 Bên trong chiếc xe Bentley EXP 100 GT kỷ niệm 100 năm tuổi của hãng. Nệm xe được bọc với da thuộc vegan làm từ bã nho của Vegea. (Ảnh: Bentley)

Bên trong chiếc xe Bentley EXP 100 GT kỷ niệm 100 năm tuổi của hãng. Nệm xe được bọc với da thuộc vegan làm từ bã nho của Vegea. (Ảnh: Bentley)

Năm 2019, thương hiệu xe hơi xa xỉ Bentley cũng đã chọn chất liệu da vegan này để bọc nệm mẫu xe kỷ niệm 100 năm tuổi của hãng.

Da xương rồng

Da xương rồng là một loại vật liệu khá mới trên thị trường, được sáng chế bởi Công ty khởi nghiệp Desserto đến từ Mexico.

 Sản phẩm túi xách của Santos by Monica làm từ cây xương rồng. (Ảnh: Santos by Monica/Forbes)

Sản phẩm túi xách của Santos by Monica làm từ cây xương rồng. (Ảnh: Santos by Monica/Forbes)

Hai doanh nhân Mexico Adrian Lopez và Marte Cazarez đã phát triển một loại da thay thế thuần chay được làm từ một loài xương rồng nopal khổng lồ của Mexico. Đây là loài xương rồng cần rất ít nước để phát triển và có thể sinh trưởng ở các vùng khí hậu khác nhau.

Được gọi là Desserto Leather, loại vải giả da hữu cơ làm từ cây xương rồng này sở hữu tất cả các tính năng và chức năng của da động vật với chi phí môi trường chỉ bằng một phần nhỏ so với da thật.

Sản phẩm mới này đã giúp Lopez và Cazarez giành được Giải thưởng Sản phẩm Xanh Quốc tế lần thứ VII tại Munich, Đức.

Loại da làm từ xương rồng này hiện được sử dụng bởi các thương hiệu phụ kiện thuần chay như Luxtra, Santos by Monica, Voes & Co./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/su-len-ngoi-cua-nguyen-lieu-da-thuan-chay-tu-nhien-trong-thoi-trang-post955724.vnp