Sự lên ngôi của thói quen 'ăn hàng'
Một thế hệ lớn lên cùng công nghệ, ưa thích sự tiện lợi và coi trọng trải nghiệm – Gen Z - đang tự thay đổi cách họ ăn uống. Không còn quá gắn bó với bữa cơm nhà, họ tìm đến những quán café brunch, đặt đồ qua app và thử nghiệm các xu hướng ẩm thực mới.
Không khó để nhận ra hình ảnh những con phố ẩm thực tấp nập, các quán cà phê chật kín chỗ vào mỗi cuối tuần. Nếu như trước đây, việc ăn ngoài chủ yếu là lựa chọn cho những dịp đặc biệt, thì ngày nay, điều này đã trở thành thói quen thường nhật của nhiều bạn trẻ. Không chỉ tại các thành phố lớn, xu hướng này cũng lan rộng đến các tỉnh thành nhỏ, nơi mà ngày càng nhiều quán ăn, tiệm cà phê được mở ra để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ẩm thực của giới trẻ. Vậy, điều gì đã khiến thế hệ trẻ dần rời xa căn bếp?
Trước hết, sự bận rộn của cuộc sống hiện đại khiến việc nấu nướng không còn là ưu tiên hàng đầu. Với lịch trình dày đặc từ học tập, công việc đến các hoạt động cá nhân, quỹ thời gian của Gen Z ngày càng eo hẹp. Nấu ăn không chỉ đơn thuần là chế biến món ăn, mà còn đi kèm với công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, dọn dẹp sau khi ăn.
Trong khi đó, chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại, món ăn yêu thích sẽ được giao tận cửa, tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng giao đồ ăn như GrabFood, Shopee Food,… việc “ăn ngoài” trở thành giải pháp tối ưu cho những người trẻ bận rộn, ưu tiên sự nhanh gọn, tiện lợi hoặc đơn giản là không thích nấu nướng.
“Mình sống một mình nên ít khi nấu ăn. Đặt đồ qua app vừa nhanh, vừa có nhiều lựa chọn hơn là tự nấu.” Phương Anh (sinh viên, Hà Nội) chia sẻ.

Phương Anh thường xuyên đặt đồ ăn qua ShopeeFood. Ảnh: Nguyệt Hòa
Không dừng lại ở nhu cầu thiết yếu, ăn uống đối với Gen Z còn là một trải nghiệm mang tính cá nhân. Nếu thế hệ trước coi bữa cơm gia đình là giá trị truyền thống cần gìn giữ, thì Gen Z lại xem việc khám phá ẩm thực như một phần của lối sống. “Brunch culture” – văn hóa ăn sáng muộn tại các quán cà phê, vốn phổ biến ở phương Tây, nay cũng trở thành xu hướng tại Việt Nam. Thay vì đứng bếp, nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để tận hưởng bữa ăn trong không gian đẹp, có thể check-in, chia sẻ lên mạng xã hội.

Bữa sáng muộn đang được giới trẻ ngày càng ưa thích. Ảnh: Quỳnh Anh
"Mình thích cảm giác ngồi ở một quán cà phê đẹp, thưởng thức bữa sáng muộn và trò chuyện cùng bạn bè. Nó không chỉ là ăn uống mà còn là tận hưởng cuộc sống.” Quỳnh Anh (21 tuổi, Hà Nội) cho biết.
Họ tìm đến những quán ăn có concept độc đáo, các tiệm cà phê “Instagrammable” hay những món ăn mới lạ. "Mình ít khi nấu ăn, một phần vì bận rộn, phần khác vì mình thích thử những món mới ở bên ngoài hơn," Thanh Thảo (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ. "Mình có thể ăn ở nhiều quán khác nhau, vừa nhanh gọn, vừa có cơ hội khám phá nhiều hương vị hơn là chỉ quanh quẩn với vài món tự nấu."

Những món ăn mới lạ ngày càng được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh: Quỳnh Anh
Sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến cũng góp phần định hình thói quen ăn uống của Gen Z. TikTok, YouTube, Instagram tràn ngập những nội dung review ẩm thực, từ các món ăn bình dân đến những nhà hàng sang trọng. Chỉ cần một món ăn trở thành “hot trend”, ngay lập tức sẽ có hàng trăm bạn trẻ tìm đến trải nghiệm.
“Ăn theo review” trở thành một hiện tượng phổ biến, nơi mà những lời đánh giá trên mạng có thể quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng. “Có lần mình thấy một quán bún hải sản hot trên mạng, sáng hôm sau đã thấy cả hàng dài xếp hàng trước cửa. Mình cũng tò mò đi ăn thử dù trước đó chưa từng nghĩ đến món này,” Minh Đức (24 tuổi, Hải Phòng) kể lại. Hơn thế nữa, việc thưởng thức những món ăn độc đáo không chỉ đáp ứng nhu cầu vị giác mà còn giúp Gen Z cảm thấy mình đang bắt kịp xu hướng, trở thành một phần của cộng đồng trực tuyến.

“Ăn theo review” trở thành một hiện tượng phổ biến. Ảnh: Tiktok
Rõ ràng, những thay đổi trong thói quen ăn uống của Gen Z không chỉ đến từ yếu tố tiện lợi mà còn phản ánh những chuyển biến trong phong cách sống, tư duy và cách tiếp cận văn hóa ẩm thực. Trong thế giới mà mọi thứ đều có thể được đặt hàng chỉ bằng một cú chạm, liệu căn bếp có còn giữ được vị trí quan trọng trong cuộc sống của thế hệ trẻ?
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/su-len-ngoi-cua-thoi-quen-an-hang-post544669.html