Sự mầu nhiệm đến từ việc đọc sách
Nguyễn Văn Tuấn
Thư viện Đại học Hồng Đức Thanh Hóa
Buổi Lễ khai mạc Ngày hội sách – ngày 21/04/2023, được tổ chức tại tầng 4 nhà Thư viện Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa. Tình cờ, tôi gặp em đang đăm chiêu bên những trang sách đầy đủ sắc màu về cuộc sống. Tôi nhận ra em có những nét riêng biệt không lẫn vào ai, việc quan tâm đến sách đã mở ra cho em một hướng đi mới, hướng đi ấy đã làm thay đổi cuộc đời em.
Từ một cô bé tự ti, mặc cảm về việc thi trượt đại học, em đã thoát ra những mặc cảm ấy là nhờ có được duyên lành đưa em đến với khóa tu thiền và gặp sự màu nhiệm mở ra từ cuốn sách “Hiểu về trái tim” của tác giả Minh Niệm.
PGS.TS Bùi Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, tham dự Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/04/2023.
Sách đã thấm vào dòng chảy tâm thức, nuôi dưỡng em biết ước mơ, đứng dậy chính nơi mình vấp ngã và đi tiếp trên con đường em lựa chọn. Từ trang sách đã biến ước mơ thành hiện thực, em thực hiện được hoài bão khi thi đậu vào trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa. Đây cũng là một minh chứng cho sự vượt khó khắc phục bản thân mà em đã tìm hướng đi cho mình lại bắt đầu khởi tâm tác ý khi đọc được dòng chảy nghị lực được truyền lửa từ một cuốn sách.
Như trong lời giới thiệu Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê đã nhấn mạnh: “…Có thể nói đây là một cuốn sách đầu tiên thuộc chủ đề Hạt giống tâm hồn do một tác giả là người Việt Nam viết. Tôi thấy đây là cuốn sách có giá trị, nội dung và ý tưởng phù hợp với người Việt Nam, rất hữu ích, dễ hiểu và dễ ứng dụng. Cuốn sách giúp người đọc hiểu được cảm xúc của tâm hồn, trái tim của chính mình và của người khác – và tận cùng – là để loại bỏ bớt nỗi buồn, tổn thương và tìm được hạnh phúc trong cuộc sống”.
Cuốn sách có sự ảnh hướng rất lớn đến bạn đọc, làm động lực nâng đỡ tâm hồn và bước đi cho những ai đang gặp những nghịch cảnh mà chưa tìm ra lối thoát.
Hy vọng qua sự kiện ngày sách đặc biệt này, Thư Viện Đại học Hồng Đức sẽ đón nhận nhiều sách tặng từ các nhà hảo tâm; “như tủ sách tôn giáo, tủ sách về Phật giáo, tủ sách về kỹ năng sống”…, tạo nên một không gian sách đặc thù thu hút được bạn đọc gần xa và đáp ứng được lòng mong mỏi của các nhà nghiên cứu, học giả, giáo viên và các em sinh viên.
Thư viện Đại học Hồng Đức sẽ phát huy hết nội lực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục chung của cả nước, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.
Em Hà Lâm Oanh là minh chứng sống động cho sự mầu nhiệm của sách với các bạn trẻ, em chia sẻ: “Thực sự là một duyên lành đã cho tôi có cơ hội được tham dự Ngày hội sách. Khi ngồi bên dưới nghe thầy chia sẻ về ý nghĩa của việc đọc sách và khi ấy thầy có hỏi chúng tôi “theo các em thì việc đọc sách có ý nghĩa gì” phút đó tôi như khựng lại khi nghĩ về chính bản thân mình, việc đọc sách có ý nghĩa như thế nào với chính tôi. Hình ảnh của một cô bé 18 tuổi thi trượt đại học, với đầy sự tự ti, không định hướng, không mục tiêu hiện lên trong đầu. Người ta thường hay bảo “lạc đường không đáng sợ đáng sợ là không biết mình sẽ đi về đâu” đúng vậy, cô bé năm 18 tuổi ấy đã sống trong sự vô định. Duyên chỉ đến khi em tham dự khóa thiền của thiền sư Minh Niệm và nhờ ân đức đó em biết đến cuốn sách “Hiểu về trái tim”.
Sinh viên Hà Lâm Oanh
Cô bé ấy đã được chữa lành bởi chuyện tự ti vì bản thân không đậu đại học, cô bé ấy cũng đã biết rằng mỗi chuyện xảy ra trong cuộc đời này đều có lý do của nó. Việc không đậu đại học là vì bản thân chưa tạo đủ duyên, bài học về sự cố gắng và thấu hiểu được cảm giác sống trong tiếc nuối, sự hối hận là như thế nào để hành trình tiếp theo bản thân sẽ không còn phải gặp phải những chuyện như vậy nữa. Trong cuốn sách của thiền sư có viết:
“Nếu không có khổ đau
Biết đâu là hạnh phúc
Nhờ mộng mị hôm nào
Ta tìm về tỉnh thức”
Khi trải qua những chuyện như ý và bất như ý thì cô bé ấy mới ý thức được rằng mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó, chúng đều mang đến cho ta một bài học để từ đó chúng ta thấy được sự mầu nhiệm và ý nghĩa của cuộc sống này đẹp như thế nào. Khi còn là 18 tuổi tôi trách móc nhưng khi 20 tuổi tôi học cách chấp nhận, học cách nhìn đời bằng mắt yêu thương, học cách sống, làm việc trong tỉnh thức và khi ấy trong chính tôi nhìn thấy được sự màu nhiệm của cuộc sống, mầu nhiệm của đạo Phật, không phải là lựa chọn lối suy nghĩ tích cực mà trong chính bản thân mình tôi biết cách nhìn đời bằng sự yêu thương xuất phát từ sâu thẳm trong trái tim. Tất cả sự mầu nhiệm đó đến từ sách; một người bạn, người thầy thấu hiểu và dẫn dắt tôi trên hành trình của cuộc sống mầu nhiệm này.
Từng cuốn sách sẽ mang đến cho ta từng góc nhìn của cuộc sống, khi đọc sách chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp bản thân mình trong từng câu chuyện và chính khi ấy bản thân như được sống lại với cảm xúc với con người mình đã đánh mất đi từ lâu. Nếu không có sách, không bắt đầu đọc những cuốn đầu tiên thì có lẽ sau ngần ấy năm sống và có mặt trên đời tôi cũng chẳng thể nào cảm nhận được sự mầu nhiệm của giọt sương đậu trên cành ngô, cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc xuất phát từ chính tâm ta chứ không phải rượt đuổi, truy tìm nó từ bên ngoài.”
Thay cho lời kết tôi xin mượn lời dẫn của cuốn sách: “Hiểu Về Trái Tim – Nghệ thuật sống hạnh phúc”. Ước mong tinh thần này sẽ tiếp tục soi sáng và nâng đỡ những tâm hồn còn khổ đau hay lạc hướng vì chưa tìm thấy con đường đi đúng đắn trong cuộc đời. Điều này còn tùy thuộc vào cách chúng ta cảm nhận, ứng dụng và chia sẻ “cuốn cẩm nang sống” này.
Chúc các bạn hiểu về trái tim để thực sự sống trong hạnh phúc và thương yêu.
Nguyễn Văn Tuấn
Thư viện Đại học Hồng Đức Thanh Hóa
PDF PRINT
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/su-mau-nhiem-den-tu-viec-doc-sach.html