Sự ra đời, phát triển của Báo Việt Nam độc lập ở Cao Bằng
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939 -1945), thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức ở chính quốc, nhưng lại tăng cường đàn áp phong trào cách mạng ở thuộc địa. Giữa lúc phong trào cách mạng ở Cao Bằng gặp khó khăn, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ, đảng viên thân cận về đến Pác Bó (một làng biên giới thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân.

Năm 1941, Bác Hồ về nước chọn hang Pác Bó (hay còn gọi là hang Cốc Bó) ở và làm việc. Người đã đặt tên cho suối này là suối Lê-nin. Phía trên hang đá Bác ở là một ngọn núi đá cao, Bác đặt tên là núi Các Mác.
Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII. Hội nghị đã quyết định chính sách mới của Đảng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết của toàn dân và đề ra chủ trương tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh; xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Đồng thời, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ Báo Việt Nam Độc lập do chính Người trực tiếp phụ trách.
Báo Việt Nam Độc lập ra số đầu tiên ngày 1/8/1941, được đánh số 101 xuất bản tại lán Khuổi Nặm 2, Pác Bó (Hà Quảng). Trang nhất của số đầu có bài xã luận nêu rõ: Tây cốt làm cho dân ta ngu hèn. Báo “Việt Nam Độc lập” cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho “Việt Nam độc lập” bình đẳng, tự do! Trang nhất số 103 (số 3) đăng bức tranh cổ động do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẽ một người cầm loa, dáng kêu gọi, hình người và loa hợp thành tên báo, đăng 4 câu thơ:
“Việt Nam độc lập thổi kèn loa
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta!
Trong Bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại những ngày đầu làm Báo Việt Nam Độc lập trong bí mật ở căn cứ địa cách mạng Cao Bằng: “Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lê-nin là: Tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo. Cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay và phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói, bữa no. Làm báo thì phải có đá in. Mấy đồng chí đã đi lấy trộm những tấm bia đá rồi mài mất mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là có một đồng chí phải hì hục tập viết chữ trái. Mấy số báo đầu, ba bốn anh em cùng làm, nhưng in cứ toe toét, chỉ in được ít và xấu xí. Nhưng về sau cứ tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số....
Vấn đề giấy cũng gay. Lúc bấy giờ ai mua nhiều giấy, địch cũng nghi và theo dõi. Các chị em mỗi người đi chợ mua năm, mười tờ, nói dối là mua cho con cháu học, rồi góp lại để in báo.
In bàn đá, muốn sửa chữ thì phải dùng axít. Mà axít thì mua đâu được? Có đồng chí nghĩ ra cách dùng chanh thay cho axít, chị em lại giúp mua chanh để ủng hộ báo.
Còn việc phát hành: Để báo ở các hang bí mật. Các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh cứ đến đó mà lấy. Báo bán hẳn hoi, chứ không biếu.
Thế là mọi việc đều dựa vào quyết tâm của mình, dựa vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng.
Đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết điều gì cũng thấm thía với họ. Đồng bào còn tự tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo. Đồng bào lại tìm mọi cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm “binh vận”[1].
Trình độ văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng thời kỳ trước năm 1945 còn rất thấp, cho nên báo phải viết chữ to để đồng bào dễ đọc; bài viết phải rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Có lần đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) được phân công viết một bài về phong trào phụ nữ cứu quốc, Bác không quên dặn: “Chú viết đúng trăm chữ, viết hơn thì không có chỗ đăng đâu”.
Khuôn khổ Báo Việt Nam Độc lập thời gian đầu chỉ bằng khổ giấy học sinh ngày nay, giấy in gồm đủ loại; giấy dó (tiếng Tày là chỉa sla), giấy học sinh các loại, do chị em trong Hội Phụ nữ Cứu quốc mua gom từng ít một trong các phiên chợ, đem tới ủng hộ cơ quan Báo. Các vật tư khác cần cho in báo, như: chanh quả, mực nho, sáp ong để chế thành mực viết, ngòi bút răng cưa để viết xuống mặt đá..., cũng do đường dây bí mật cung cấp. Kỹ thuật in báo rất công phu, mỗi lần in là một lần phải mài đá, thong thả khéo tay làm cho phiến đá bóng trở lại, không gợn, không lồi lõm.
Cơ quan Báo Việt Nam Độc lập trong thời gian hoạt động bí mật rất ít người, nên hầu hết là kiêm nhiệm nhiều việc. Bác Hồ viết bài, vẽ tranh, tham gia duyệt bài, làm cả việc thu thập tin tức. Đồng chí Vân Trình (tên thật là Bế Nhật Huyến) được giao sắp xếp bài vở, lên khuôn báo, viết chữ ngược lên mặt đá rồi cùng đồng chí Thúy Bách (tên thật là Phương Triều An) in báo. Phong cách làm báo đặc biệt của Bác Hồ là khi viết xong bài thường đọc cho những người văn hóa còn thấp nghe, như các đồng chí Thúy Bách (tham gia cách mạng mới thoát nạn mù chữ), Thế An xem có hiểu không, nếu có từ nào, câu nào khó hiểu thì Bác sửa ngay. Tất thảy những bài báo của cán bộ viết thời ấy, trước khi được sử dụng để đăng báo đều theo nếp Bác đã làm là đọc cho người ít chữ nghe và sửa lại cho dễ hiểu, dễ nhớ.
Chính nhờ phong cách làm báo của Bác, quan tâm đến đối tượng đọc mà tờ báo thu hút được người đọc, tạo sức mạnh tuyên truyền, cổ động và tổ chức phong trào cách mạng. Báo Việt Nam Độc lập do Bác phụ trách rất phong phú về nội dung, thể tài, tin bài súc tích, ngắn gọn, có thơ ca, có tranh vui, tranh đả kích kẻ thù sâu sắc và những hình thức văn học dễ thuộc, dễ nhớ, có sức truyền cảm, thuyết phục mọi người. Cán bộ Việt Minh dựa vào nội dung tờ báo có thể dễ dàng truyền đạt những chủ trương, đường lối cách mạng đến quần chúng. Báo rất coi trọng hình thức biểu dương, phê bình; có những bài nâng cao dân trí bằng thơ lục bát về lịch sử nước ta, giải thích chính sách của Việt Minh, chính sách đại đoàn kết các dân tộc để chống đế quốc thực dân và bọn tay sai bán nước, hại dân; gương người tốt, việc tốt ủng hộ Việt Minh, gia nhập các tổ chức Việt Minh để cứu nước... Từ tháng 8/1941 đến tháng 8/1942 (trước khi Người đi Trung Quốc và bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam), hầu như số báo nào cũng có bài, tranh, thơ của Người.
Báo Việt Nam Độc lập ra 10 ngày một kỳ, mỗi kỳ 400 tờ. Do in litô nên nhiều nhất mỗi lần chỉ in được 400 tờ, muốn in nhiều hơn thì lại phải mài đá, viết lại. Báo Việt Nam Độc lập ngay từ số đầu tiên đã bán 1 xu một tờ, thời ấy giá 1 kilôgam gạo là 3 xu. Điều này đã nói lên tính thiết thực của tờ báo đối với cơ sở và quần chúng cách mạng. Báo Việt Nam Độc lập là một trong những tờ báo bí mật đầu tiên của Đảng được bán lấy tiền.
Tháng 4/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chuyển cơ quan từ Pác Pó về vùng núi Phja Ngả (Lam Sơn, Hồng Việt, Hòa An). Vùng này được gọi là Khu căn cứ địa Lam Sơn để có ý nhắc nhở truyền thống oanh liệt của căn cứ địa Lam Sơn khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ. Cơ quan Báo Việt Nam Độc lập cũng từ Pác Bó chuyển về vùng này ở Lũng Hoài, Bó Hoài... và xuất bản số báo 120 (số 20) ra ngày 10/3/1942.
Địa hình khu vực Bó Hoài rất hiểm trở. Phía trên là một bức thành xếp bằng đá, theo truyền lại thì đây là thành nhà Mạc và ở giữa khe núi trên con đường vào lũng gần đó là bức thành đứng chặn. Lên Bó Hoài, trước hết phải lên Lũng Hoài theo đường mòn đến vùng hang Kéo Đứng mới leo lên. Cơ quan Báo Việt Nam Độc lập ở áp một vách núi dựng đứng, leo lên phải qua một khe đá có bắc cầu để qua, khi có động thì rút cầu đi. Dưới chân hang nhìn lên chỉ thấy cây cối um tùm. Từ cơ quan Báo nhìn xa thấy cả cánh đồng Hòa An và đồn Nước Hai của thực dân Pháp.
Đường liên lạc giữa cơ quan Báo với quần chúng cách mạng ngày càng gặp khó khăn, các đội quân tuần tiễu của thực dân Pháp đi luồn rừng, thỉnh thoảng cắt ngang đường liên lạc. Địch đặt thêm đồn lính ở Hào Lịch để có thể vây rừng một cách bất ngờ. Các đồn nhỏ đặt khắp nơi, như: Bản Giàng, Lũng Chung, Nà Bao, bao vây rừng núi Lam Sơn. Trước đây đi liên lạc nhiều ngả, nay đồng chí Thúy Bách chỉ còn xuống phía chân núi nhờ nhà các đồng chí: Đàm Văn Thàng (Tòng Thàng), Nông Công Thương (Chỏ The), Đào Hải, Bích Long, Hoàng Nghiệp, Hoàng Tuấn Sơn, Nghi Dương, Xuân Hồng..., đến các cơ sở để nghe ngóng tình hình hoạt động của địch. Vào tháng 6/1942, có bà cụ Xin, ở Lam Sơn nói với đồng chí Thúy Bách: Ông xã X, sáng nay nói bô bô với người nào ở dưới sân rằng, đường vào mỏ nước Bó Tháy lên hang núi lâu nay không có, nay tự nhiên thấy con đường mòn có dấu vết người qua lại. Nhất định có cộng sản ở trong hang ấy.
Đồng chí Thúy Bách ngay lập tức theo đường tắt chạy về hang Bó Tháy, báo cáo lại với Bác. Chín giờ đêm hôm ấy, Bác gửi một thư theo đường dây bí mật vào Nguyên Bình. Chín giờ đêm hôm sau, đồng chí Xích Thắng (tên thật là Dương Mạc Thạch), được đoàn thể cử đến đón cơ quan Báo Việt Nam Độc lập vào Lũng Dẻ (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình - nay thuộc xã Trương Lương, huyện Hòa An), ở sườn bên kia dãy núi đá Lam Sơn.
Báo Việt Nam Độc lập từ ngày chuyển vào Lũng Dẻ, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình vẫn ra số báo đều đặn. Đúng ngày, đồng chí Thúy Bách từ đỉnh núi Lam Sơn đến cơ quan đồng chí Xích Thắng nhận báo về phát cho các cơ sở cách mạng như trước đây. Trong hơn một năm ở Lũng Dẻ, cơ quan Báo Việt Nam Độc lập luôn được các đồng chí trong Châu ủy Nguyên Bình lo liệu mọi thứ để duy trì hoạt động. Một đêm tức cảnh, đồng chí Hồng My (tên thật là Trương Nam Hiến) trong Châu ủy Nguyên Bình, làm mấy câu thơ:
Tình hình nhà báo Việt Minh đây
Phong cảnh nhìn xem cũng khá hay
Nhà dựng liền ngay vào vách đá
Giường kê sát hẳn dưới chân cây
Lửa thiêu củi mục ù ù cháy
Ca hứng nước mưa lách tách đầy
Công việc luôn tay không chán mỏi
Việt Nam Độc lập ắt không chày.
Do điều kiện địa hình Lũng Dẻ hẻo lánh, đường xa, không tiện chuyển vật liệu lên; điều kiện tiếp tế khó khăn, hơn nữa lại cách xa cơ quan Liên Tỉnh ủy, nên đồng chí Tống (tức Phạm Văn Đồng) đã quyết định đưa cơ quan Báo trở lại vùng núi Lam Sơn, lúc đầu vào ở hang Lũng Sa, sau đó chuyển về hang nhỏ ở đỉnh Bó Hoài.
Tháng 8/1942, Bác đi công tác nước ngoài, đồng chí Tống được Bác giao ở nhà phụ trách tờ báo. Trước khi đi, Bác còn để lại rất nhiều bài ở nhà cho đồng chí Tống lần lượt đăng. Trong thời gian này, thực dân Pháp và bọn tay sai lùng sục, khủng bố cách mạng rất điên cuồng. Chúng rào làng ngăn cách dân với cách mạng, kiểm soát gắt gao từng tờ giấy học sinh đến những viên mực của các sạp hàng bán ra. Nếu có nghi ngờ là bọn chúng giao cho bọn cường hào địa phương theo dõi. Vì vậy, hoạt động của cơ quan Báo cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ vào các đoàn thể cách mạng, dựa vào quần chúng giác ngộ, mọi thứ cần cho việc ra báo, đưa báo đến tay người đọc, lo từng bữa ăn cho Tòa báo vẫn được bảo đảm, Báo Việt Nam Độc lập không bị nghỉ kỳ nào. Đồng chí Tống đã nói: “Bác sáng lập ra tờ báo này là để hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng, giặc càng khủng bố, ta càng ra báo đều đặn”. Khi đồng chí Tống đi công tác chưa về, đồng chí Vân Trình và Thúy Bách là người bảo vệ các dụng cụ in báo để tránh rơi vào tay địch. Mỗi khi địch càn, hai đồng chí thường đeo trên lưng mỗi người một cái lấu, trong đựng dụng cụ in báo, thức ăn và đồ dùng riêng. Địch sục sạo đỉnh núi, hai người tụt xuống lưng chừng núi. Địch lên lưng núi, hai người lẳng lặng xuống chân núi. Địch không thể đuổi bắt được. Anh em trong cơ quan báo còn trang bị súng, phân công nhau đi đón đường diệt bọn chỉ điểm. Khi mất “chó săn”, lũ lính Tây sẽ mất hướng. Sau này cơ quan Báo còn đào tạo được thêm những đồng chí viết đá (viết litô) rất đẹp, như đồng chí Sê Lao, Nông Công Thương...
Khuôn khổ Báo Việt Nam Độc lập tuy nhỏ hẹp song bài vở giản dị, ngắn gọn nên ảnh hưởng của nó rất to lớn. Trong đó một phần nào đó là cái hồn của các tổ chức Cứu quốc. Báo phát hành đến đâu là ảnh hưởng cách mạng lan đến đó, là uy tín các đoàn thể vững đến đó. Báo giúp cho tiểu tổ khai hội, dạy cho cán bộ nhiều kinh nghiệm công tác, gây dựng phong trào thi đua cách mạng, tinh thần đoàn kết trong đoàn thể, trong nhân dân các dân tộc; chỉ trích những khuyết điểm chung của các địa phương; nêu cao tấm gương cách mạng để mọi người noi theo; đôn đốc mạnh mẽ những công tác cần kíp của các địa phương, cơ sở và các tổ chức cách mạng.
Ban đầu, Báo Việt Nam Độc lập là của Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng từ số 101 đến số 128 (tức là số 028). Khi địa bàn hoạt động của cách mạng mở rộng, liên hoàn hai tỉnh: Cao Bằng và Bắc Kạn, Báo Việt Nam Độc lập trở thành cơ quan của Liên Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng - Bắc Kạn, từ số 129 đến số 186 (từ số 029 đến số 086). Phong trào cách mạng tiếp tục lên cao, mở rộng nối liền ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Báo Việt Nam Độc lập trở thành cơ quan của Liên bộ Việt Minh ba tỉnh từ số 187 đến số 225 (tức là từ số 087 đến số 125). Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, Báo Việt Nam Độc lập tiếp tục xuất bản, là cơ quan ngôn luận của ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng một thời gian rồi trở lại là của tỉnh Cao Bằng.
Phong trào cách mạng phát triển nhanh, số lượng Báo phát hành có thời gian lên tới 700 tờ mỗi kỳ vẫn không đáp ứng được yêu cầu, do đó phải tạm ngưng bán báo cho cá nhân mà chỉ phân phối cho cơ sở để tổ chức đọc báo theo nhóm.
Nhờ phát hành được sâu rộng mà cơ quan Báo thường xuyên nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc yêu cầu về nội dung, hình thức tờ báo. Hội viên các Hội Cứu quốc, nhất là Hội Phụ nữ Cứu quốc đã rất nhiệt tình ủng hộ giấy mực, chanh quả tươi, chanh vắt nước đựng vào chai. Đây là những thứ cần thiết cho việc in ấn để tờ báo tiếp tục xuất bản. Các hội viên cứu quốc còn gửi tặng gạo, bánh trái, gà, vịt trong những ngày Tết và cả tiền lên tới nghìn đồng (thời ấy 1 đồng đã mua được 30 kg gạo).
Ngoài việc in báo, “Nhà in Litô” còn in những tài liệu tuyên truyền thành những cuốn sách nhỏ bỏ túi như “Ngũ Tự Kinh” (Kinh 5 chữ), “Diễn ca chương trình Việt Minh”; “Lịch sử nước ta” (bằng văn vần); “Chiến thuật du kích”; “Kinh nghiệm du kích Nga”; “Kinh nghiệm du kích Tàu”; “Người chính trị viên”; “Công tác chính trị trong quân đội cách mạng”; “Kinh nghiệm Việt Minh tại Việt Bắc”..., do Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp viết hoặc do các cán bộ tuyên truyền biên soạn. Báo còn tham gia phát triển văn hóa. Ngày 1/1/1943, châu Hồng Phong (tên bí mật của châu Hà Quảng), tổ chức Học sinh Đại hội có trên một nghìn người dự và Báo Việt Nam Độc lập đã tặng lá cờ thêu dòng chữ: “Gieo mầm văn hóa”.
Từ cuối năm 1944, phe đồng minh chiến thắng, phát xít xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt, Báo Việt Nam Độc lập được giao nhiệm vụ cấp thiết in truyền đơn để rải trong tỉnh lỵ, các thị trấn và các đồn địch, nhằm thức tỉnh lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân và binh lính người Việt Nam, giác ngộ tư tưởng chống phát xít cho lính người Pháp. Đồng chí Nông Công Thương được giao một bàn đá in riêng để in truyền đơn. Mặc dù làm việc cật lực suốt cả ngày nhưng lượng truyền đơn in ra vẫn không đủ cung cấp cho các cơ sở đi rải trong một đêm ở một địa điểm. Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”. Đồng chí Vũ Anh, lúc bấy giờ là ủy viên Trung ương Đảng, đại diện Tổng bộ Việt Minh trực tiếp giao việc in chỉ thị kể trên cho Báo Việt Nam Độc lập.
Cuối năm 1944, thi hành chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Lễ thành lập cử hành trọng thể ngày 22/12/1944 trong khu rừng Slam Cao nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ba ngày sau, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã có chiến thắng trận đầu vang dội, diệt gọn đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Sáng ngày 26/12/1944, Đội tiếp tục đánh chiếm tiêu diệt gọn đồn Nà Ngần thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình. Trước đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã qua cơ quan in Báo Việt Nam Độc lập, mượn máy chữ ngồi đánh mấy tờ “Giấy đi tuần” giả. Các đồng chí tại cơ quan đã cắt củ khoai, trổ một con dấu rất khéo, đóng đỏ chót bên cạnh chữ ký (hồi đó, những giấy giới thiệu đánh máy chữ là loại giấy rất có giá trị). Đây là một trong những mẹo mà Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân dùng để tiến đánh đồn Phai Khắt, đồn Nà Ngần.
Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã được Báo Việt Nam Độc lập số 201 ra ngày 5/1/1945 đăng nổi bật bằng hai bản “Thông cáo” số 1 và 2 như sau:
- “Thông cáo số 1
“Ngày 11 tháng 11 ta là ngày 25-12 tây, một bộ đội lạ, ở đâu đến không rõ, kéo đến đồn Phai Khắt, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình. Sau đó người cai Tây và tất cả 17 người lính dõng mang toàn bộ khí giới trong đồn và tuyên bố với dân làng là cùng c.m đi đánh Nhật, rồi cùng bộ đội lạ kéo đi đâu mất. Cũng ngày ấy tên Việt gian hoạt động nhất ở tổng Kim Mã là xã Bồi, biến đâu mất”.
- Thông cáo số 2
Sáng ngày 12 tháng 11 ta là ngày 26 tây, lúc 7 giờ 14 phút đội Tuyên truyền của Việt Nam - Giải - Phóng - Quân kéo đến đồn Nà Ngần, xã Cẩm - Lý, gần Bel - Air. Họ kéo cờ đỏ sao vàng năm cánh lên, xưng rõ là quân cách mạng, đến lấy súng đạn của Tây phát xít, tuyên bố quân cách mạng Việt Nam không bắn binh lính Việt Nam. Kêu gọi anh em binh lính Việt Nam giơ tay lên đầu hàng.
Người đội và 3 người lính muốn chống cự, bị súng trường và súng máy c.m bắn chết ngay tại trận, một người nữa bị thương.
Đội tuyên truyền G.P.Q thu thập toàn bộ súng đạn trong đồn, rồi tập hợp anh em binh lính tất cả 15 người khố xanh (trừ 2 người chạy thoát). Khai hội nghị liên hoan giữa binh lính và c.m.
Đồng thời, đội phái người phát truyền đơn và dán biểu ngữ khắp đồn.
Một số đ.c nữ vũ - trang cũng tham gia dọn dẹp chiến trường và tuyên truyền cổ động nhân dân cùng binh lính.
Đến 8 giờ, đội tuyên truyền rút khỏi đồn, vừa đi vừa hát bài Giải - Phóng - Quân ca”.
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Báo Việt Nam Độc lập đã vạch ra “Cái bánh vẽ Đông Á”, cổ vũ thúc đẩy việc giành chính quyền từng phần ở các cơ sở; hướng dẫn về lối làm việc cho Ủy ban nhân dân lâm thời; in truyền đơn rải khắp thị xã, thị trấn.
Tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng về xuôi lãnh đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa, tờ báo được giao lại cho tỉnh Cao Bằng đảm nhiệm tiếp tục xuất bản.
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 170-171.