Sự sụp đổ của những di sản thực dân
Châu Phi vốn luôn là một trong những khu vực ảnh hưởng truyền thống của Pháp trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là tại khu vực Tây Phi và vùng Sahel. Sách Trắng về quốc phòng của Pháp vài năm qua luôn coi châu Phi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược lớn thứ hai với nước Pháp, chỉ sau châu Âu. Do đó, việc duy trì quan hệ và ảnh hưởng của Pháp với các quốc gia châu Phi luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Macron.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, quan hệ giữa Pháp với nhiều quốc gia châu Phi vốn là thuộc địa cũ không những không được cải thiện mà còn xấu đi.
Điểm tiếp theo cho sự thoái trào ảnh hưởng của Pháp
Ngày 26/7/2023, các binh sĩ thuộc lực lượng bảo vệ của Tổng thống Niger đã tiến hành bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum. Tướng Amadou Abdramane, người đứng đầu lực lượng đảo chính, đã tuyên bố trên truyền hình về việc lật đổ tổng thống, đóng cửa biên giới quốc gia, đình chỉ các cơ quan nhà nước, bãi bỏ hiến pháp, ban hành lệnh giới nghiêm và thành lập chính quyền quân sự. Ngày 26/9, chính quyền quân sự Niger đã ra thông báo yêu cầu Chính phủ Pháp đưa ra một lộ trình cụ thể về việc rút đại sứ, các nhà ngoại giao và toàn bộ lực lượng Pháp khỏi Niger. Trước đó, đêm 24/9, trước sức ép của chính quyền quân sự Niger, Tổng thống Emanuel Macron tuyên bố sẽ rút đại sứ cùng toàn bộ lực lượng đồn trú của Pháp khỏi Niger.
Ngày 10/10, Pháp đã bắt đầu rút quân khỏi Niger và dự kiến tiến trình này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Người phát ngôn của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp cho biết: "Những đội quân đầu tiên đã rời đi", đồng thời xác nhận thông báo của quân đội Niger rằng 1.400 binh sĩ Pháp rời đi vào ngày 10/10 dưới sự hộ tống của lực lượng Niger. Một nguồn tin an ninh nói rằng binh sĩ Pháp dự kiến sẽ đi tới thủ đô N'Djamena (Chad) - nơi đóng quân của lực lượng Pháp thuộc Bộ chỉ huy Sahel.
Việc rút quân của Pháp sẽ là một quá trình phức tạp và căng thẳng vì có rất ít tuyến đường an toàn để ra khỏi khu vực mà không bị các nhóm phiến quân cản trở. Biên giới đất liền của Niger với Benin và Nigeria đóng cửa kể từ cuộc đảo chính ngày 26/7, trong khi đó Niger cũng đã cấm các chuyến bay của Pháp qua lãnh thổ nước này. Bộ chỉ huy quân sự Pháp cho biết, họ cần được yểm trợ để rời khỏi các vị trí tiền phương, có thể bao gồm cả sự hỗ trợ trên không từ một lực lượng lớn hơn tại căn cứ không quân bên ngoài thủ đô Niamey.
Quân đội Pháp đã có mặt ở Niger trong khuôn khổ cuộc chiến chống lại các phần tử thánh chiến trên khắp khu vực Sahel, trong đó Paris đi đầu trong các hoạt động chống lại quân nổi dậy Hồi giáo tại khu vực này trong một thập kỷ. Tuy nhiên, quân đội Pháp ở Niger đã phải sống trong tình trạng bất ổn kể từ khi chính quyền quân sự bắt đầu yêu cầu họ rời đi, với nguồn cung cấp lương thực không đều đặn và các cuộc biểu tình chống Pháp liên tục diễn ra bên ngoài căn cứ Niamey.
Việc rút quân khỏi Niger ngày 10/10 là lần thứ 3 trong vòng 18 tháng quân đội Pháp buộc phải rút quân khỏi các nước châu Phi. Trước đó, vào năm 2022, Pháp cũng đã phải rút quân khỏi Mali và Burkina Faso, 2 thuộc địa cũ của Pháp, sau các cuộc đảo chính tại các quốc gia này. Bước đi này được cho tác động tiêu cực đến ảnh hưởng của Pháp trên Lục địa Đen và uy tín của Pháp trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, quyết định rút quân để lại một lỗ hổng trong nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại cuộc nổi dậy của người Hồi giáo trong khi cho phép Nga mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Cho đến cuộc đảo chính, Niger là đồng minh chủ chốt cuối cùng của phương Tây ở khu vực trung tâm Sahel, phía Nam sa mạc Sahara.
Hệ quả tất yếu
Sẽ không khó để nhận ra rằng phong trào chống Pháp tại châu Phi đang lan rộng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ các cuộc tấn công vào Đại sứ quán Pháp ở Ouagadougou và Viện Pháp ở Bobo-Dioulasso vào tháng 10/2022 cho đến các cuộc biểu tình thường xuyên ở Mali, Burkina Faso và Niger phản đối sự hiện diện của Pháp trong khu vực, cả ngoại giao, kinh tế và quân sự. Về mặt chính quyền, nhiều chính phủ châu Phi đã quay lưng lại với Pháp, điển hình như vụ lục soát các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Pháp ở Dakar vào tháng 3/2021, Burkina Faso đình chỉ phát sóng đài RFI của Pháp và Mali cấm các tổ chức phi chính phủ do Pháp tài trợ hoạt động trên đất nước cùng vào ngày 3/12/2022. Mới đây nhất, tháng 9/2023, chính quyền quân sự của Burkina Faso đã đình chỉ các hoạt động in ấn và trực tuyến của hãng tin Pháp Jeune Afrique với cáo buộc hãng này tìm cách "làm mất uy tín" của quân đội nước này.
Không khó để hiểu được tại sao phong trào chống Pháp lại lên cao và lan rộng như vậy. Trước hết, Pháp là một trong những chính quyền thực dân châu Âu xâm chiếm thuộc địa ở châu Phi, đô hộ nhiều quốc gia châu Phi và để lại di sản lịch sử đầy phức tạp, nhạy cảm trên nhiều phương diện mà cho đến tận ngày nay vẫn không dễ khắc phục trong mối quan hệ giữa Pháp và các nước thuộc địa cũ ở châu Phi. Các nhà hoạt động chính trị đã tận dụng lịch sử thực dân của Pháp để giải thích cho những khó khăn hiện tại ở nhiều nước châu Phi, thổi bùng lên ngọn lửa hận thù của người dân khu vực.
Thứ hai, việc quân đội Pháp rút khỏi chiến dịch Barkhane ở Mali vào ngày 15/8/2022 và sự thiếu vắng của Lực lượng Vũ trang Mali trên bộ ở phía Bắc đất nước đã dẫn tới những cuộc giao tranh mới với các nhóm thánh chiến, khiến tình hình an ninh khu vực trở nên bất ổn. Người dân khu vực cho rằng, Pháp đã không thực hiện đầy đủ các cam kết của mình khi thực hiện chiến dịch vào năm 2013, thậm chí đổ lỗi cho sự hiện diện trong gần một thập kỷ của quân Pháp là nguyên nhân dẫn tới những bất ổn và suy thoái. Chính quyền nhiều nước cũng đã lợi dụng điều này để chỉ trích và lên án sự hiện diện quân sự của Pháp trong khu vực.
Bên cạnh đó, sự gia tăng hiện diện và ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc trong khu vực khiến vai trò của Pháp ngày càng lu mờ đi. Nhiều lực lượng chính trị châu Phi đã đi theo phong trào do Nga và Trung Quốc khởi xướng nhằm chống lại trật tự quốc tế hiện nay, trước hết là bằng việc loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây, trong đó chủ yếu là Pháp, ra khỏi khu vực.
Những nỗ lực bất thành
Mặc dù giai đoạn đô hộ theo kiểu thuộc địa cũ của Pháp tại châu Phi đã kết thúc nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng, người dân nhiều quốc gia khu vực vẫn chưa thể xóa mờ ấn tượng về "thực dân Pháp" và luôn cho rằng, nước Pháp hiện tại vẫn chỉ chăm chăm vào việc vơ vét tài nguyên, bóc lột châu Phi và sử dụng châu Phi cho lợi ích an ninh và tham vọng gây dựng vai trò chính trị thế giới của họ. Trong những năm gần đây, nhiều Tổng thống Pháp đã ý thức được điều này và thấy rằng cần phải điều chỉnh chiến lược cũng như cách tiếp cận của Pháp đối với châu Phi. Trong số đó, Tổng thống Macron thể hiện cầu thị và thức thời hơn cả.
Tháng 11/2017, chỉ nửa năm sau khi lên làm Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã có chuyến thăm châu Phi và có bài diễn văn quan trọng trước hàng ngàn sinh viên tại Ougadougou, thủ đô Burkina-Faso, trong đó tuyên bố đoạn tuyệt với chính sách "Francafrique", tức cách tiếp cận mang tính bề trên của nước Pháp với châu Phi. Bài diễn văn mở ra con đường hợp tác mới bình đẳng giữa Pháp và các quốc gia châu Phi, song song với việc nhìn thẳng vào quá khứ thực dân của nước Pháp, dám chịu trách nhiệm và khắc phục những tội ác mà nước Pháp thực dân gây ra với các dân tộc châu Phi.
Bên cạnh đó, để xây dựng lại vai trò và ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi, ông Macron theo đuổi cách tiếp cận mới với khu vực thông qua việc giảm hiện diện quân sự và hoạt động quân sự trực tiếp; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đẩy mạnh các mối quan hệ văn hóa, xã hội... Cách tiếp cận của ông Macron ở đây là dùng tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư để cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, trong khi hạn chế sự hiện diện quân sự trực tiếp để đối phó và ganh đua với vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga về chính trị, quân sự và an ninh.
Có thể nói, ông Macron có tham vọng và hành động, nhưng thực tế nhận được lại không như mong muốn. Ông không thể ngăn được sự xói mòn về vị thế và vai trò của Pháp cũng như không thể ngăn được phong trào chống Pháp ngày càng lan rộng tại Lục địa Đen. Thậm chí, sẽ không phải là vô căn cứ khi nói rằng, việc rút quân khỏi Niger có thể chưa phải là quân domino cuối cùng trong chuỗi sụp đổ về chính trị của người Pháp tại châu Phi.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/su-sup-do-cua-nhung-di-san-thuc-dan-i711461/