Thuốc lá là tên gọi của một loại sản phẩm được làm chủ yếu từ nguyên liệu lá của cây thuốc lá. Lá của loại cây này sau khi thu hoạch được làm khô, xử lý thì đã có thể sử dụng. Có 3 loại thuốc lá phổ biến là thuốc lào, xì gà, thuốc lá điếu
Hiện nay, còn xuất hiện thuốc lá điện tử chạy bằng pin, tạo ra luồng hơi có mùi vị dễ chịu. Thành phần của thuốc lá điện tử không phải làm từ lá cây thuốc lá. Tuy nhiên nó có chứa nicotin lỏng có trong cây thuốc lá và đều độc hại không kém so với thuốc lá truyền thống
Khi hút một điếu thuốc, bạn đã vô tình đưa vào cơ thể gần 7.000 hợp chất hóa học, trong đó có 250 hóa chất độc hại và ít nhất 69 hóa chất được xác định là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố có thể gây tử vong nhanh cho con người
Đặc biệt, có một sự thật gây sốc đã từng được các nhà nghiên cứu Mỹ tiết lộ, là trong khoảng thời gian dài, các công ty thuốc lá, trong đó có Phillip Morris (sở hữu thương hiệu Marlboro), RJ Reynolds (sở hữu Camel), British American Tobacco (sở hữu State Express 555 và Dunhill), đã che giấu việc trong điếu thuốc họ sản xuất có chất Polonium 210
Polonium 210 là một chất phóng xạ đặc biệt nguy hiểm và không ổn định, đến mức người ta cấm sử dụng nó trong các hoạt động y tế. Nó đọng lại ở các nhánh phế quản và từ đó gây ra ung thư. Tại Mỹ, nó là nguyên nhân của 1% các ca ung thư phổi
Sở dĩ Polonium 210 hiện diện trong khói thuốc là do người ta sử dụng phân bón giàu phốt phát khi trồng thuốc lá. Loại phân bón này được lấy từ các mỏ Apatít, một thứ đá có chứa Radium và Polonium. Chính loại phân bón này góp phần tạo nên hương vị đặc biệt của lá thuốc
Khi nhận ra có chất phóng xạ Polonium trong thuốc lá, các công ty thuốc lá đã bắt đầu một chương trình nghiên cứu nội bộ để tìm cách giảm đáng kể lượng Polonium trong khói thuốc lá. Tuy nhiên, việc loại bỏ chất phóng xạ sẽ làm mất đi mùi vị thuốc lá, đồng nghĩa với việc sẽ mất đi lợi thế trong thương mại. Vì thế, họ đã giấu nhẹm chuyện này cho đến khi bị thế giới phanh phui
Ngoài ra, một chất điển hình có trong thuốc lá chính là Nicotine, đây là chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi khi tiếp xúc với không khí. Mặc dù Nicotine không gây ung thư hoặc gây hại quá mức, nhưng nó là chất gây nghiện mạnh, tương tự như các chất ma túy Heroin và Cocain.
Trung bình với một điếu thuốc, người hút sẽ đưa vào cơ thể 1 đến 2mg Nicotine. Sau khoảng 10 giây, Nicotine được hấp thụ qua da, miệng, niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi, vào máu và ảnh hưởng đến não bộ. Lúc này, Nicotine gián tiếp giải phóng dopamine trong khu vực khoái cảm của não tạo cho người hút cảm giác vui vẻ, sảng khoái
Tuy nhiên, cảm giác đó chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Nồng độ Nicotine trong cơ thể sẽ giảm, người hút thuốc sẽ cảm thấy bứt rứt, căng thẳng, lo lắng, rối loạn giấc ngủ và muốn tiếp tục hút. Vì lý do đó mà Nicotine khiến việc hút thuốc trở thành một trong những thói quen khó bỏ nhất
Vì Nicontine gây tăng nhịp tim, mức hô hấp, huyết áp... nên kéo theo nhiều tác dụng phụ như: Tăng nguy cơ đông máu, tắc mạch máu, tăng nguy cơ đột quỵ...
Hắc ín (Tar) hay còn gọi là nhựa thuốc lá, là một chất lỏng nhớt màu đen giống như nhựa đường cũng là thành phần được tìm thấy trong thuốc lá
Theo các nhà khoa học một điếu thuốc lá trung bình có khoảng 18 mg Hắc ín. Nếu như hút 400 điếu thuốc tương đương với 20 bao thuốc lá mỗi tháng thì trung bình một người sẽ hút vào cơ thể 7 gram Hắc ín trong một tháng
Chất này đọng lại một phần trong phổi làm tổn thương các tế bào, thẩm thấu qua các biểu mô hô hấp và qua máu đi vào cơ thể và gây ra các loại bệnh cho phổi
Carbon monoxide (công thức hóa học là CO), là một chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao. Chúng có mặt trong khói thuốc lá, khí thải của động cơ, khói bếp than, lò sưởi...
Nếu hít phải 1 lượng lớn khí CO vào cơ thể, sẽ gây nên tình trạng thiếu oxi trong máu. Ngoài ra CO còn là nguyên nhân của việc xơ vữa động mạch và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và điều chỉnh cơ thể, liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và tăng nguy cơ tử vong
Trong khói thuốc lá còn chứa Benzene (công thức hóa học là C6H6, là một chất lỏng không màu, có mùi thơm ngọt). Đây là một trong 20 loại hóa chất được sử dụng rộng rãi nhất trong đời sống và có mặt trong danh sách các chất được công nhận có thể gây ung thư trên con người
Benzene hiện diện ở nhiều nơi. Ngoài khói thuốc lá, chất này còn có trong nhựa plastic, cao su, nilông, sợi tổng hợp, xăng dầu... Đó là lý do bạn luôn ngửi thấy mùi thơm nhẹ khá đặc trưng từ các sản phẩm nhựa hay trang phục dệt từ sợi tổng hợp khi chúng còn mới. C6H6 còn được sử dụng để chế tạo thuốc nổ, chất tẩy rửa, dung môi dùng trong in ấn, đồ họa...
Nếu sống, làm việc ở nơi có quá nhiều vật dụng chứa Benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, bị giảm hồng cầu gây ra thiếu máu, giảm miễn dịch, vô sinh, thậm chí là ung thư máu
Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có Formaldehyde (công thức hóa học là H2CO) là hợp chất hữu cơ không màu. Ở điều kiện bình thường là một chất khí có mùi hăng mạnh. Nhiều người biết đến hợp chất này qua những tên gọi như: Formol, fomanđêhit, methylene oxide, metana…
Trong thực tiễn Fomaldehyde được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như làm thuốc bảo quản trong phòng thí nghiệm nhà xác, sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, keo, vải chống nhăn, thuốc trừ sâu, thuốc sát trùng và diệt trùng và đặc biệt có trong các sản phẩm gỗ công nghiệp
Tiếp xúc trong thời gian ngắn như hít phải Formaldehyde có thể gây kích thích mũi, họng và mắt. Trong thời gian dài thì gây các tác hại nghiêm trọng cho da và hệ hô hấp. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với chất này có thể ảnh hưởng đến thai nhi như dị tật bẩm sinh...
Polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) là một nhóm hơn 100 hóa chất khác nhau được giải phóng từ việc đốt than, dầu, xăng, thùng rác, thuốc lá, gỗ... Chất này thường được dùng để làm thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu...
Tiếp xúc với một lượng lớn PAHs có thể dẫn đến co giật, hôn mê. Ngoài ra, chất này còn gây kích ứng đường hô hấp, tổn thương gan, là nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh ung thư
Ngoài ra các chất độc kim loại gây tổn thương não và thận như: Crom, thạch tín, chì, cadmium, nickel... Và các chất gây hại tim mạch, tổn thương họng, mắt như HCN, NH3, Butane... đều là một trong hàng nghìn chất độc "ẩn náu" trong thuốc là và khói thuốc
Ước tính mỗi năm có khoảng 6 nghìn tỷ điếu thuốc được đốt cháy, đủ để tạo ra một sợi dây dài từ Trái Đất tới Mặt Trời và ngược lại. Tới năm 2020, thuốc lá sẽ gây tử vong khoảng 10 triệu người mỗi năm. Thuốc lá đã giết hại 100 triệu người trong thế kỷ 20 và nếu không giảm lượng thuốc hút, trong thế kỷ 21 sẽ có khoảng 1 tỷ người tử vong vì thuốc lá
Như Quỳnh (Tổng hợp)