Sự thật về thông tin chi 17 tỷ đồng chỉ để bảo vệ 5 hộ dân

Thời gian qua, dư luận trên địa bàn Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm đến thông tin 'Chi 17 tỷ đồng chỉ để bảo vệ 5 hộ dân ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà'. Vậy sự thật của thông tin này thế nào? Bài viết sau của phóng viên Báo Quảng Ngãi sẽ phần nào giải đáp những băn khoăn nêu trên

.

Công trình đa mục tiêu

Núi Van Cà Vãi cao khoảng 54m, ở tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) được phát hiện có nguy cơ sạt lở từ năm 2013. Dưới chân núi có 5 hộ dân sinh sống, song nếu núi Van Cà Vãi sạt lở không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của 5 hộ dân này, mà còn có nguy cơ gây sạt lở, vùi lấp tuyến giao thông huyết mạch ĐH77 từ thị trấn Di Lăng đi xã Sơn Bao, hồ chứa nước Nước Trong và cảnh quan đô thị của thị trấn Di Lăng.

Công trình khắc phục sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).

Công trình khắc phục sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).

Thực trạng này đã được UBND huyện Sơn Hà báo cáo nhiều lần với tỉnh, song do nguồn ngân sách có hạn nên chưa đầu tư xử lý. Để đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình hạ tầng dưới chân núi, tháng 6/2021, UBND huyện Sơn Hà đầu tư 3 tỷ đồng khắc phục tạm thời, nhằm giảm nguy cơ sạt lở tại đây.

Tuy nhiên, do việc đầu tư không đồng bộ và ảnh hưởng của trận mưa lũ lớn hồi đầu tháng 11/2023 đã làm gia tăng vết nứt núi Van Cà Vãi. Do đó, ngày 29/1/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 112/QĐ-UBND phân bổ kinh phí 14 tỷ đồng và giao UBND huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi. Theo đó, UBND huyện Sơn Hà đã giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện (Ban Quản lý) làm chủ đầu tư, thực hiện dự án theo quy trình dự án khẩn cấp.

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án khắc phục sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi.

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án khắc phục sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi.

Để triển khai dự án, chủ đầu tư đã phối hợp với UBND thị trấn Di Lăng tổ chức họp dân để triển khai phương án di dời các hộ đang sinh sống dưới chân núi. Song, các hộ dân này mong muốn được ở lại chỗ cũ, vì gần với đất canh tác nông nghiệp, thuận lợi trong làm ăn, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, không thống nhất phương án di chuyển chỗ ở. Ngoài ra, trên núi còn có công trình trụ điện thuộc Dự án Thủy điện Sơn Trà 1.

“Tháng 3/2024, chủ đầu tư đã thống nhất phương án thiết kế công trình không di dời trụ điện, không di dân, triển khai kè chống sạt lở núi”, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà Nguyễn Xuân Hoàng cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà khẳng định, đây là công trình đa mục tiêu, không chỉ đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho 5 hộ dân (với 24 nhân khẩu) sinh sống dưới chân núi Van Cà Vãi, mà còn đảm bảo an toàn cho các công trình của các tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực, trong đó có trụ điện của dự án năng lượng là Thủy điện Sơn Trà 1. Không chỉ vậy, công trình này còn đảm bảo mục tiêu ngăn chặn sạt lở đất đá, chống đứt gãy giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ cứu hộ, cứu nạn, cũng như công tác kiểm tra, bảo vệ công trình Hồ chứa Nước Trong khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Có hay không việc xây dựng trụ điện trái phép

Hiện nay, có dư luận cho rằng, việc huyện Sơn Hà triển khai Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi là nhằm “bảo vệ công trình trụ điện xây dựng trái phép thuộc Dự án thủy điện Sơn Trà 1”. Liên quan đến thông tin này, làm việc với phóng viên Báo Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà khẳng định, trụ điện này nằm trong hạng mục tuyến đường dây 110kV thuộc Dự án Thủy điện Sơn Trà 1, công suất 69MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, do Công ty CP Đạt Phương Sơn Trà làm chủ đầu tư. Trụ điện này hiện hữu trên đỉnh núi Van Cà Vãi, được xây dựng từ năm 2017. Khi ấy, việc xây dựng 54/64 trụ điện của dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh miễn giấy phép xây dựng và 10 trụ điện đã được cấp giấy phép xây dựng, chứ không phải là công trình xây dựng trái phép.

“Cái vướng hiện nay là quy định thủ tục giao đất đối với diện tích đất xây dựng trụ điện có thay đổi, nên cơ quan chức năng của tỉnh chưa giao đất cho doanh nghiệp. Huyện Sơn Hà đang phối hợp với chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định, vì thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đối với dự án này là của tỉnh”, bà Đinh Thị Trà cho biết.

Cũng theo bà Đinh Thị Trà, dự án Thủy điện Sơn Trà 1 đã đi vào vận hành phát điện nhiều năm qua. Doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương. Số tiền nộp ngân sách của Thủy điện Sơn Trà 1 từ năm 2022 đến nay gần 290 tỷ đồng, trong đó 9 tháng năm 2024 là hơn 63 tỷ đồng.

Tuyến đường độc đạo ĐH77 nối thị trấn Di Lăng với xã Sơn Bao nằm dưới dân núi Van Cà Vãi.

Tuyến đường độc đạo ĐH77 nối thị trấn Di Lăng với xã Sơn Bao nằm dưới dân núi Van Cà Vãi.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở KDC Van Cà Vãi. Theo hợp đồng ký kết, thời gian hoàn thành công trình trước ngày 31/10/2024. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là những ngày qua có mưa kéo dài nên dự kiến đến ngày 10/11/2024 mới hoàn thành, chậm 10 ngày so với kế hoạch ban đầu đề ra.

Bài, ảnh: PV

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/202410/su-that-ve-thong-tin-chi-17-ty-dong-chi-de-bao-ve-5-ho-dan-e892bae/