Sự tri ân lặng thầm. Bài 3: Nghĩa tình ở ngôi nhà chung của thân nhân liệt sĩ

25 năm nay, Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh (số 113, đường Lê Duẩn, thành phố Đông Hà) đã trở thành nơi đi về của hàng triệu thân nhân liệt sĩ. Cũng như Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, nơi đây có những con người đã và đang cháy hết mình cho công việc tri ân. Họ như những đứa con đôn hậu, quanh năm gìn giữ, trông nom mái nhà xưa, chờ đón người thân trở về.

> Sự tri ân lặng thầm. Bài 1: Gỡ khó cho người có công

>> Sự tri ân lặng thầm. Bài 2: Nặng lòng với sức khỏe người có công

 Thân nhân liệt sĩ chào tạm biệt cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh - Ảnh: Q.H

Thân nhân liệt sĩ chào tạm biệt cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh - Ảnh: Q.H

Không có tâm, không làm tròn việc

Ở tuổi 70, kỷ niệm tháng ngày đảm nhiệm trọng trách Giám đốc Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh vẫn luôn in sâu trong tâm trí nguyên Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lê Văn Dăng. Mỗi độ tháng 7 về, ký ức trong ông lại dậy sóng. Theo dòng hoài niệm, ông Lê Văn Dăng kể: “Tôi nhận quyết định làm Giám đốc Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ vào ngày 20/7/1997 và có 5 năm trực tiếp làm nhiệm vụ tại đây. Ngay ngày đầu, tôi đã quán triệt với nhân viên rằng, ngôi nhà này là của thân nhân liệt sĩ. Chính họ đã cho chúng ta công việc và cơ hội tri ân. Vì thế, tất cả mọi người phải đón tiếp, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ bằng cả tấm lòng”.

Từng tham gia hoạt động cách mạng từ thời trai trẻ, bị giặc bắt tù đày hơn 1 nghìn ngày ở lao xá Quảng Trị, ông Lê Văn Dăng hiểu sâu sắc, để thế hệ hôm nay tự do vươn tới đỉnh cao xa của cuộc đời, có những trái tim khát vọng đã phải xếp vào ba lô mọi ước mơ đơn giản nhất, tương lai cá nhân quen thuộc nhất mà đi đánh giặc. Trong số họ, nhiều người đã mãi mãi ngã xuống ở tuổi mười tám, đôi mươi. Sau ngày hòa bình, phần lớn liệt sĩ được tìm thấy, thế nhưng, không ít người vẫn nằm lại đâu đó trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Nhiều năm qua, thân nhân các liệt sĩ bước vào những cuộc tìm kiếm khắc khoải, đôi lúc tưởng chừng vô vọng nhưng không ai cho phép mình từ bỏ.

Thấu hiểu điều đó, một thời, ông Lê Văn Dăng cảm thấy trái tim như bị bóp nghẹt mỗi khi nhìn khu vườn bạch đàn trước mặt trụ sở Sở LĐ-TB&XH cũ chăng đầy tăng võng. Ban đầu, lúc cán bộ đang tra cứu thông tin liệt sĩ, một số thân nhân mắc võng, tranh thủ đặt lưng sau chuyến hành trình dài. Dần dần, cùng lượng thân nhân tìm kiếm liệt sĩ, số tăng võng ngày càng nhiều thêm. Cán bộ, công chức Sở LĐ-TB&XH thời bấy giờ thường bảo nhau, mỗi vết hằn trên thân bạch đàn là một câu chuyện đầy trăn trở, nhói lòng về liệt sĩ và người thân.

“Đó là thời cả nước, cả tỉnh vật lộn với khó khăn. Nhìn cảnh thân nhân liệt sĩ không có nổi một chỗ ngả lưng tươm tất, ai cũng đau lòng nhưng không biết phải làm gì. Sau khi bàn tính, lãnh đạo sở đã đề đạt nguyện vọng xây dựng một ngôi nhà để đón tiếp thân nhân liệt sĩ. Năm 1997, mong muốn bấy lâu đã trở thành hiện thực”, ông Lê Văn Dăng chia sẻ.

Những ngày đầu Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh đi vào hoạt động, nhiều vấn đề đặt ra khiến ông Lê Văn Dăng và các nhân viên phải đau đầu. Nhà đón tiếp chỉ vỏn vẹn có 50 giường mà số thân nhân liệt sĩ có khi lên đến hàng ngàn. Để giải “bài toán” khó, lắm lúc, ông Dăng và các cán bộ, nhân viên phải trưng dụng nhà riêng. Chưa đủ, họ còn cậy nhờ mọi người xung quanh giúp sức. Riết thành quen, có người bảo: “Thấy mặt ông Dăng là biết đến để xin cho thân nhân liệt sĩ ở nhờ”. Dù vậy, ông Dăng không hề e ngại.

 Nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh dọn dẹp buồng, phòng phục vụ thân nhân liệt sĩ - Ảnh: Q.H

Nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh dọn dẹp buồng, phòng phục vụ thân nhân liệt sĩ - Ảnh: Q.H

Biết không thể gỡ khó hết được cùng một lúc, ông Lê Văn Dăng và các cán bộ, nhân viên cùng thời xác định phải làm từ từ, tuần tự, đặc biệt là bù đắp cho thân nhân liệt sĩ bằng thái độ phục vụ. Cho đến hôm nay, dù làm việc bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm nhưng cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh chưa bao giờ tự hài lòng. Họ như người con út trong gia đình, ở lại mái nhà xưa lo hương khói cho ba mẹ, rồi quanh năm chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo để đón người thân trở về. Chỉ khác là số lượng “người thân” của cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh nhiều khi lên đến hàng nghìn. Mỗi người mang một tâm trạng, nỗi niềm riêng và đôi khi có những yêu cầu khó đáp ứng. Vì thế, nếu chỉ xem đây là công việc thuần túy, có lẽ ít ai gắn bó dài lâu. Nói như ông Lê Văn Dăng: “Không có tâm, không làm tròn việc…”.

Tiếp sức cho thân nhân liệt sĩ

Tuy mới bước vào những ngày cuối tháng 6 nhưng năm nay, Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh đã nườm nượp người vào ra. Ở dãy nhà hành chính, cánh cửa phòng làm việc của Phó Trưởng Ban Quản lý nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Trương Đức Khoa, người trực tiếp quản lý Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ hiếm khi đóng. Tất bật kiểm tra, tư vấn, hướng dẫn cho thân nhân liệt sĩ, ông Khoa cho biết, ở đây, mọi người không có khái niệm thời gian. “Vì trở ngại chuyện xe cộ, đôi khi thân nhân liệt sĩ đến nhà đón tiếp lúc nửa đêm hoặc mờ sáng. Nếu mình đóng cửa, tắt đèn thì bà con biết nghỉ ở đâu? Thế nên, chúng tôi cắt cử nhau đón tiếp, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ 24/24 giờ”, ông Khoa tâm sự.

Bận rộn với công việc, ông Trương Đức Khoa thậm chí chưa kịp đọc kỹ thông báo nghỉ hưu theo chế độ vừa được chuyển đến. Ông chia sẻ, khoảng tháng 9, ông sẽ chia tay nhà đón tiếp nên phải "chạy nước rút" để hỗ trợ thân nhân liệt sĩ. Chuyện trò nhiều với thân nhân liệt sĩ, ông Khoa biết, phần lớn họ đều có hoàn cảnh khó nghèo. Vì thế, nhà đón tiếp chính là nơi giúp thân nhân liệt sĩ có đôi chút thời gian thảnh thơi, tạm quên đi gánh nặng bạc tiền.

Mong muốn nhân lên những phút thảnh thơi ấy, các thế hệ cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh luôn dồn tâm sức cho công việc. Trong đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách cho thân nhân liệt sĩ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Có thời điểm, tiêu chuẩn chi trả tàu xe, ăn nghỉ chỉ dành cho thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng, còn các trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thì… còn để ngỏ.

Nút thắt ấy khiến nhiều gia đình phải rút ngắn hành trình tìm kiếm liệt sĩ vốn đã đẫm ướt mồ hôi, nước mắt. Nhờ sự đề đạt của lãnh đạo Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh, về sau, nút thắt ấy mới được tháo gỡ. Tiếp bước người đi trước, ông Trương Đức Khoa và các cán bộ hôm nay đã có nhiều kiến nghị, đề xuất xác đáng gửi các cấp, ngành để thiết thực hỗ trợ thân nhân liệt sĩ như: Tăng mức hỗ trợ kinh phí di chuyển hài cốt liệt sĩ; mở rộng đối tượng được hỗ trợ chế độ thăm viếng, tìm kiếm liệt sĩ; hỗ trợ phương tiện…

Ngoài xin chủ trương, chính sách, từ ngày đầu thành lập đến nay, cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh không nhớ hết số lần gõ cửa xin kinh phí, xăng xe, quà cáp… để hỗ trợ gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trương Đức Khoa kể, có lần, cán bộ, nhân viên nghe tiếng ồn ào trước cổng nhà đón tiếp. Thì ra, người chủ xe phát hiện thân nhân liệt sĩ đưa hài cốt con em mình về quê nên nhất quyết đòi thêm mấy triệu đồng. Biết thân nhân liệt sĩ không đủ tiền, chủ xe nhất quyết yêu cầu cả nhà xuống xe. Thấy vậy, các cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh liền gom góp người ít, người nhiều để thân nhân đủ “lệ phí” đưa liệt sĩ trở về. Chưa đủ, mọi người còn huy động sự chung tay của các nhà hảo tâm.

Gần 5 năm trước, tháng 4/2018, cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh rất lo lắng khi nhận chỉ đạo dừng việc chi tiền xăng xe đưa đón thân nhân liệt sĩ đi thăm, viếng tại nghĩa trang và di chuyển mộ liệt sĩ. Khoản hỗ trợ này sẽ được thanh toán cho thân nhân liệt sĩ cùng các khoản khác tại địa phương mình. Quyết định được cho là thuận tiện, tiết giãn thủ tục ấy lại vô tình gây ra khó khăn. Đến Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh, một số người lục hết túi vẫn không đủ tiền xăng. Buổi đầu, anh em nhà đón tiếp thuận lòng trích lương để hỗ trợ. Tuy nhiên, ai cũng khó khăn nên không thể giúp mãi được. Để gỡ khó, lãnh đạo, nhân viên nhà đón tiếp đã vận động sự hỗ trợ từ ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Bình, Hà Nội.

“Khi nhận được sự hỗ trợ, anh chị em chúng tôi vui như những đứa trẻ nhận quà. Từ 1/9/2018 cho đến nay, thân nhân liệt sĩ đã được Tập đoàn Hòa Bình tài trợ xăng xe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đó chỉ là một trong rất nhiều việc làm tốt đẹp của ông Đường và tập đoàn thiết thực giúp thân nhân liệt sĩ. Chúng tôi rất tri ân những tấm lòng như thế”, ông Trương Đức Khoa nói.

Nghề không thể bỏ

Theo lời giới thiệu của ông Trương Đức Khoa, chúng tôi gặp chị Phan Thị Bảy, một trong những nhân viên đầu tiên của Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống, từ nhỏ, chị Bảy đã thấy nỗi đau hằn trên gương mặt người thân mỗi khi nhìn bàn thờ người chú ruột đã hy sinh. Sau này lớn lên, mỗi lần xem những thước phim về hành trình tìm kiếm liệt sĩ, chị luôn xúc động, nước mắt dâng trào. Đó cũng là lý do thôi thúc chị Bảy nghỉ việc ở một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra để thi tuyển vào Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh.

Buổi đầu làm nhân viên phục vụ, tuy đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng thử thách mà công việc đặt ra vẫn vượt xa tưởng tượng của chị Bảy. Riêng việc giữ các phòng luôn sạch sẽ, chăn chiếu thơm tho đã vắt kiệt sức chị và các nhân viên phục vụ khác. Đó là chưa kể hằng ngày chị phải chạy hàng chục vòng lên xuống dãy nhà 3 tầng để hướng dẫn thân nhân dùng các thiết bị trong phòng; mua giúp hàng hóa; đưa các loại giấy tờ…

Có hôm, mệt quá, chị Bảy ngất lịm giữa nền nhà. Xót xa, người thân khuyên chị tìm công việc khác nhàn nhã hơn. Thế nhưng, hôm sau khi thấy đỡ mệt, chị đã quay lại với cây chổi, chiếc khăn, bàn chải... Chị Bảy nghĩ: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì lấy đâu ra người đón tiếp, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ. So với những khổ đau mà thân nhân liệt sĩ đã chịu, vất vả của mình có đáng gì”.

Câu chuyện của chị Phan Thị Bảy, nay là Phó Trưởng Phòng Đón tiếp thân nhân liệt sĩ cũng có điểm tương đồng với nhiều cán bộ, nhân viên khác ở đơn vị. Phần lớn anh chị em làm việc tại Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh đều thâm niên về tuổi nghề. Mỗi người một hoàn cảnh, cá tính nhưng họ gặp nhau ở điểm chung là đều đến với công việc bằng lương tâm, trách nhiệm. Ai cũng đặt cả trái tim vào nhiệm vụ đón tiếp, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ.

Những khó khăn, thử thách trong công việc giúp các cán bộ, nhân viên Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ mạnh mẽ, cứng cỏi hẳn lên nhưng trái tim họ chưa bao giờ chai sạn. Không ít lần các cán bộ, nhân viên lo lắng vì thấy tất cả giường ở nhà đón tiếp đã chật kín mà thân nhân liệt sĩ vẫn nườm nượp vào. Bí quá, nhiều người tình nguyện trải chiếu nằm dọc hành lang. Thấy các cán bộ, nhân viên áy náy chẳng yên, thân nhân liệt sĩ phải động viên ngược: “Thời xưa, mỗi lần vào Quảng Trị, chúng tôi phải ăn phất phơ, ngủ vật vờ. Giờ có chỗ che mưa, che nắng thế này, chúng tôi mừng lắm rồi”. Nói xong, các thân nhân liệt sĩ cười giòn tan, còn cán bộ, nhân viên ở nhà đón tiếp thì rưng rưng nước mắt.

Hôm ghé thăm, chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi biết nhiều người gắn bó với Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh trong những ngày đầu vẫn đang miệt mài làm việc, cống hiến. Ngoài công việc thường xuyên, họ lặng thầm thắp lên ngọn lửa trong lòng các bạn trẻ. Có lẽ nhờ ngọn lửa tri ân được lặng lẽ truyền lưu ấy mà Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh luôn ấm áp, đượm nghĩa tình.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=168467&title=su-tri-an-lang-tham-bai-3-nghia-tinh-o-ngoi-nha-chung-cua-than-nhan-liet-si