Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng

Do đặc thù công việc, nhiều lao động phải làm việc ngoài trời thường xuyên khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Ngoài kỹ năng phòng bị cho bản thân, các chuyên gia y tế khuyến cáo một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Shipper mang theo nước uống, giao hàng giữa trưa

Shipper mang theo nước uống, giao hàng giữa trưa

Tiếp nước thường xuyên, linh hoạt giờ giấc

Từ sáng sớm, ông Phạm Hùng, ở phường Gia Hội khoác chiếc áo rin dày, đội mũ tai bèo đến công trình xây dựng ở phường An Cựu, TP. Huế. Hơn 30 năm theo nghề phụ thợ nề, ông bảo cũng đã quen với chuyện nắng non nhưng không vì thế mà chủ quan về sức khỏe. Mỗi sáng, ông đều xem ti vi nắm tình hình thời tiết, chuẩn bị cho công việc. Biết ngày hôm nay là ngày nắng nóng, lại dài nhất trong năm 2024, ông dặn vợ lấy thêm ống C sủi cho vào túi mang theo.

Công trình nhà dân dụng nhóm ông đang xây dựng chưa đổ sàn lên tầng nên mọi người đều làm việc ngoài trời. Buổi sáng công việc bắt đầu từ 7h-11h, chiều từ 13h-17h. Chủ nhà mỗi ngày chuẩn bị cho nhóm thợ một bình nước 20 lít và ít đá, mỗi người tự chủ động bới thêm nước và các thức uống khác tùy nhu cầu. Dưới tiết trời nắng nóng như thế này, những khung giờ cao điểm, mọi người sẽ tranh thủ nghỉ giải lao dài hơn thường lệ hoặc chọn những phần việc linh hoạt dưới bóng cây, bóng bờ tường.

Ông Hùng bảo: “Đặc thù nghề ni phơi nắng dầm mưa riết nên khổ cực phải chịu. Năm ni nóng hơn các năm trước nên hết ngày làm việc về nhà là tui xụi lơ. Dù răng tui vẫn còn may mắn, buổi trưa còn tranh thủ về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Trong tổ thợ nề có người ở tận Hương Thủy, Hương Trà trưa ở lại ăn cơm bụi, ngủ dưới cây để chiều còn làm tiếp. Khi nào thấy mệt, khát thì nghỉ ngơi tiếp nước thôi chơ tránh nắng chi được”.

Ông Trần Hoàng Long, quản lý nhóm thợ nói trên cũng chung tay làm các phần việc nhằm đáp ứng tiến độ công trình. “Hầu hết anh em trang bị thêm mũ nón, găng tay để làm việc. Lúc nào nắng gắt quá, chúng tôi có thể chủ động dời giờ làm việc buổi chiều qua 13h30 và kết thúc lúc 17h50. Mọi người đều linh hoạt để vừa đảm bảo tiến độ công trình vừa giữ gìn sức khỏe. Công việc còn lâu dài chứ đâu phải ngày một, ngày hai”, ông Long nói.

Di chuyển liên tục ngoài trời, lực lượng shipper khá vất vả khi vừa phải đảm bảo số lượng đơn hàng và thời gian giao mỗi ngày. Áo chống nhiệt, bình nước mát, khẩu trang, găng tay dày… là những vật dụng không thể thiếu với họ khi trời nắng gắt. Có người còn mang theo khăn mát, quạt mini chạy bằng pin, võng cơ động móc ngủ ngoài công viên… Anh Nguyễn Đức Huy, giao hàng cho J&T Express cho biết: “Mấy hôm nay nóng kinh người, em bới theo cả phích nước mát to đùng để tiếp sức mà cũng mau hết. Trưa tranh thủ giao đơn xong, em về ăn uống, nghỉ ngơi chứ không dám chạy xuyên bữa như trước. Trời ni dễ sốc nhiệt kéo theo bao nhiêu thứ bệnh, nhiều khi cố quá tiền thuốc không lại tiền công”.

Nghề bán hàng rong cũng chấp nhận đội nắng mưu sinh mệt nhọc không kém. Bà Phan Thị Hường, một người bán bắp dạo 60 tuổi tại khu vực bến xe Nguyễn Hoàng khoác áo chống nắng hai ba lớp đi xe máy chở túi bắp luộc nóng hổi di chuyển liên tục tìm khách.

Đặc thù công việc, 9h sáng bà bắt đầu chở xe bắp từ Hương Long về phố, giờ này khách hàng mới thích ăn bắp. Nhiều khi hết sớm thì tầm 11h-12h trưa bà có thể về nhà, muộn hơn thì 13h-14h. Bà kể: “Phải chạy xe từ từ rao khách mới chộ mà mua, chơ không chạy nhanh được. Nắng quá phải chấp nhận, mình ‘bọc” áo khoác và uống thêm nước cam, C sủi tăng sức đề kháng. Nắng quá tui thường chọn bóng cây nghỉ chân. Nhà tui còn mấy hàng bắp nên bán cho xong để kết thúc vụ. Thứ Bảy, Chủ nhật ni tui nghỉ lấy sức chơ trời dễ sợ quá. Bán xong chiều về là nằm mệt dậy không nổi luôn”.

Lắng nghe dấu hiệu cơ thể

Nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc và cuộc sống, nhất là những người lao động trực tiếp ngoài trời, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, buôn bán… Những người này đối mặt với môi trường nhiệt độ, độ ẩm cao dễ phát sinh nhiều bệnh lý, trong đó điển hình là sốc nhiệt. Một điều nhiều người hay nhầm lẫn đó là nhiệt độ dự báo thời tiết sẽ khác với nhiệt độ môi trường làm việc (bị tác động bởi nhiều yếu tố) nên nếu chủ quan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhiệt độ thời tiết tăng cao là nguyên nhân phát sinh nhiều căn bệnh như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, viêm phổi, ngộ độc thức ăn, dị ứng da… Rất nhiều biến chứng nguy hiểm vì nắng nóng tác động đến cơ thể con người, đặc biệt đối tượng làm việc ngoài trời sẽ có nguy cơ cao hơn.

Mới đây, Khoa Cấp cứu đa khoa, BVTW Huế tiếp nhận một ca sốc nhiệt điển hình. Đó là ông Nguyễn C. 48 tuổi ở Phú Mỹ, Phú Vang. Trong lúc làm ruộng, ông C. bị mệt, ngất, tê bì tay chân. Người dân quanh đó liền gọi taxi đưa ông lên bệnh viện kịp thời. Sau khi thực hiện các bước kiểm tra các chỉ số sinh tồn ổn định, các bác sĩ đã cho hạ sốt, truyền dịch bù nước và tiến hành các xét nghiệm liên quan nhằm tầm soát các bệnh liên quan nhằm đi đến chẩn đoán chính xác. Ông C. chia sẻ: “Tui đang ở dưới đồng thì mặt mày tối sầm rồi chẳng biết chi nữa. Bác sĩ nói may tui không có bệnh nền, chỉ sốc nhiệt. Chừ nằm theo dõi kiểm tra thêm cho yên tâm thôi. Từ trước tới chừ tui chưa hề bị như ri. Chắc là do người mệt sẵn”.

Trong tiết trời nắng nóng, người dân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới suy thận cấp, sốc nhiệt, hôn mê và có thể tử vong. Nếu người lao động xuất hiện các triệu chứng: Mệt mỏi, đau đầu, ù tai, hoa mắt, tụt huyết áp, tim đập nhanh và mạnh, tay chân co quắp… thì phải tiến hành sơ cứu và chuyển ngay đến các cơ sở y tế.

ThS. BS Phan Lê Hiếu, Trưởng Khoa Cấp cứu đa khoa, BVTW Huế đưa ra lời khuyên: “Trong điều kiện môi trường làm việc đặc thù ngoài trời, hãy lắng nghe dấu hiệu cơ thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hay cảm giác say nắng thì hãy nghỉ ngơi nơi mát, bổ sung nước kịp thời. Trong chế độ ăn mùa này nên lưu ý uống 2-3 lít nước/ngày, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, bổ sung các thực phẩm giàu chất điện giải như nước dừa, chuối, khoai tây”.

Nhằm truyền thông cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe toàn dân mùa nắng nóng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế vừa tổ chức tập huấn trực tuyến “Hướng dẫn xử trí một số cấp cứu thường gặp khi người dân tham gia hoạt động ngoài trời” cho cán bộ y tế các tỉnh, thành. Nội dung này cũng được ngành Y tế quán triệt, chỉ đạo truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế: Khi lao động/làm việc ngoài trời cần bố trí thời gian hợp lý, không gắng sức, cung cấp nước, điện giải đầy đủ. Những người lao động nặng, lao động trong môi trường nắng/nóng, các vận động viên luyện tập hoặc thi đấu cần cung cấp đầy đủ lượng nước cho nhu cầu cơ thể. Theo khuyến cáo của WHO, cần bổ sung một số thành phần vào nước, trong đó có 7 khoáng chất cần được bổ sung với lượng vừa đủ là Canxi, Clorua, Magiê, Phospho, Kali, Natri và Sulphur.

Bài, ảnh: LINH GIANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/vat-va-muu-sinh-gong-minh-chong-nong-142723.html