Sự trở lại của Mỹ tại Trung Đông đã rõ nét?
Chuyến công du Trung Đông vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden gồm có 3 điểm dừng chân: Israel, Palestine và Saudi Arabia. Chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới đang đứng trước hàng loạt cuộc khủng hoảng đan xen cùng lạm phát ở phương Tây liên tục ở mức báo động đỏ.
Giới quan sát nhận định, chuyến công du của ông Biden hướng tới 3 mục tiêu rộng lớn. Trước hết là thúc giục các nước trong khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia tăng sản lượng dầu khí nhằm bổ sung sự khan hiếm, thiếu hụt trên thị trường, từ đó làm suy giảm cơn “bão giá” đang đè nặng đời sống sinh hoạt của người dân Mỹ. Tiếp đó là cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, bao gồm việc Israel nỗ lực thực hiện tiến trình bình thường hóa quan hệ với các nước Arab vùng Vịnh.
Cùng với đó, trong vấn đề Iran, Mỹ dường như có mong muốn củng cố mối liên kết tại Trung Đông để tăng sức ép nhắm vào Iran, vừa xoa dịu mối lo ngại của các nước đồng minh về Iran, vừa là đòn bẩy góp phần giải quyết sự bế tắc trong các vòng đàm phán nối lại Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA).
Trong cả 3 vấn đề này, Saudi Arabia, Israel và Palestine - những đồng minh quan trọng của Mỹ đều có mối liên kết đan xen nhưng ở những chiều hướng đối lập nhau. Điển hình như mối quan hệ Saudi Arabia và Israel chưa bình thường hóa quan hệ và cũng chưa có những tín hiệu cho thấy có sự thay đổi mang tính tích cực. Giới học giả chính trị khu vực cho rằng, ông Biden ôm tham vọng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab vùng Vịnh với trọng tâm là quan hệ song phương giữa Saudi Arabia và Israel. Đây cũng là hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực.
Tại Israel, ông Biden cùng các nhà lãnh đạo nước này đưa ra Tuyên bố chung thành lập cơ chế Đối thoại chiến lược về công nghệ cao song phương, tập trung vào các công nghệ chiến lược như thông minh nhân tạo, khoa học lượng tử và các giải pháp cho những thách thức toàn cầu như chống biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh. Hai nước cũng ra Tuyên bố chung Jerusalem Đối tác chiến lược Mỹ - Israel khẳng định mối quan hệ không thể phá vỡ và cam kết bền bỉ của Mỹ đối với an ninh của Israel. Mỹ cam kết không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực giúp Israel mở rộng cơ chế hợp tác, quan hệ với các nước trong khu vực.
Giới chuyên gia cho rằng, các nội dung đạt được của Mỹ tại Israel hầu như chỉ mang tính chất trấn an đồng minh, thay vì tạo ra những thay đổi thực chất đối với Israel khi chưa mở ra biện pháp cụ thể để giải quyết hàng loạt vấn đề lớn, bao gồm cuộc xung đột với người Palestine và vấn đề đàm phán hạt nhân Iran.
Tại Palestine, ông Biden khẳng định sự ủng hộ lâu dài và nhất quán đối với giải pháp hai nhà nước và thừa nhận người dân Palestine xứng đáng có một nhà nước độc lập, hiện hữu. Ông Biden cũng cam kết hỗ trợ 100 triệu USD cho Palestine nâng cấp các dịch vụ y tế và 200 triệu USD cho cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine. Đây là những khoản mà Mỹ đã cắt trước đó. Trong dư luận Palestine, nhiều luồng quan điểm thất vọng với cách tiếp cận của ông Biden, nhất là việc ông Biden thừa nhận mục tiêu về giải pháp cho một nhà nước Palestine độc lập vẫn còn xa vời. Đặc biệt là các động thái của Mỹ chưa cho thấy triển vọng tái khởi động cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Tại Saudi Arabia, nơi chủ đề được coi là quan trọng nhất với Mỹ là thuyết phục các nước tăng sản lượng dầu thô cũng diễn ra không như kỳ vọng. Hai bên ký kết 18 thỏa thuận hợp tác thuộc các lĩnh vực không gian, đầu tư, năng lượng, y tế..., nhưng việc Saudi Arabia tăng sản lượng để hỗ trợ thị trường dầu mỏ thế giới đã không đạt được lời hứa hẹn chính thức nào.
Giới chuyên gia đánh giá, chuyến công du Trung Đông của ông Biden tuy chưa đạt được kết quả tích cực trong 3 vấn đề quan trọng, cấp bách nêu trên nhưng vẫn đạt được những kết quả tích cực về ngoại giao, bước đầu mở ra nhiều triển vọng hợp tác khu vực trong thời gian tới.