Sửa chữa đường trong hầm đường sắt dài nhất Việt Nam
Đường trong hầm số 14 (Km 774+590) thuộc đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân (TP Đà Nẵng) vừa được khởi công sửa chữa.
Ngày 16/5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban QLDA Đường sắt Khu vực 1, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công công trình sửa chữa đường trong hầm số 14 (Km 774+590) thuộc đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân (TP Đà Nẵng).
Công trình sửa chữa đường trong hầm số 14 có tổng giá trị xây lắp hơn 13 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: Làm lại nền đá lòng đường sắt, lắp đặt ray P43 tận dụng, lắp đặt ray P50 dài 25m, gia công lắp đặt TVS bắt ray P50, gia công lắp đặt TVS P43 bắt ray phòng mòn, xây mới rãnh thoát nước ngoài hầm, cải tạo, nâng cấp rãnh thoát nước trong hầm, bổ sung đá balas, đục đá đáy hầm, đáy rãnh thoát nước và một số hạng mục phụ trợ khác.
Công trình sẽ được thi công trong 5 tháng và dự kiến hoàn thành trước mùa mưa bão, tháng 10/2023.
Công trình do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban QLDA Đường sắt Khu vực 1 làm đại diện chủ đầu tư và Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng là nhà thầu thi công.
Hầm số 14 (Km 774+590) thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân là hầm dài nhất trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Hầm có chiều dài 994,52m, hầm hẹp, độ ẩm lớn, không có điện chiếu sáng, trên đoạn tuyến có 5 đường cong, bán kính đường cong nhỏ nhất 98m. Đoạn tuyến từ Km 774+000 - Km 775+475 có độ dốc lớn, độ dốc lớn nhất xấp xỉ 16%.
Đường sắt qua hầm chủ yếu là ray P43, 12,5m do bình diện đoạn tuyến có nhiều đường cong bán kính nhỏ, độ dốc dọc lớn, thoát nước trong hầm kém, kèm theo độ ẩm cao, vì vậy ray trong hầm hầu hết đã mòn, có nguy cơ mất an toàn, hiện nhiều thanh ray đã mòn quá quy định, không đảm bảo chất lượng.
Ông Trần Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, đoạn tuyến này sử dụng tà vẹt sắt bắt cóc cứng, hiện tại nhiều thanh bị gỉ thủng, khuyết tật quá quy định, hai đầu tà vẹt hiện tại đã chạm đáy hầm do độ dày nền đá không đủ, dẫn đến cong vênh.
Ngoài ra, hiện nền đá balas bẩn, không đảm bảo kích thước hình học theo quy định. Đá balas xuất hiện tròn cạnh, vỡ nát mất độ đàn hồi. Nền đường hẹp, chiều dày nền đá mỏng, thoát nước kém làm nền đường thường xuyên ẩm ướt, khả năng thoát nước qua nền đá thấp. Rãnh thoát nước trong hầm nhỏ, bị bùn lắng đọng. Nhiều đoạn đáy rãnh cao ngang nền đường, mặt khác rãnh dọc phía ngoài hầm khả năng thoát nước kém nên làm giảm khả năng thoát nước trong hầm, dẫn đến hư hỏng kết cấu tải trọng đường sắt.
Theo ông Nghĩa, hiện tại kiến trúc tầng trên của đoạn tuyến trong hầm số 14 đã bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn và tốc độ chạy tàu. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng công trình sửa chữa đường sắt trong hầm số 14 - tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn và tốc độ chạy tàu.
Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho hay, đây là công trình rất quan trọng, vừa góp phần hoàn thiện mạng lưới đường sắt quốc gia, vừa tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hành khách, hàng hóa phát triển KT-XH. Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công đoàn Đường sắt Việt Nam lựa chọn công trình là dự án trọng điểm chào mừng Đại hội Công đoàn ngành Đường sắt Việt Nam lần thứ XVI.
Ông Phương cho biết, Công đoàn Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện chức năng giám sát trong suốt quá trình thi công sửa chữa và đưa vào sử dụng thuận lợi, đúng tiến độ, đạt chất lượng cao.