Sửa đổi 11 luật trong lĩnh vực quốc phòng bảo đảm phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật trong lĩnh vực quốc phòng để bảo đảm phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Chiều 28-5, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể ủy ban lần thứ 2 để thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng không nhân dân; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội tới dự và phát biểu chỉ đạo; Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì phiên họp.

Tới dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà; Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, đây là dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XV.

 Trung tướng Thái Đại Ngọc và các đại biểu đại diện Bộ Quốc phòng tại phiên họp.

Trung tướng Thái Đại Ngọc và các đại biểu đại diện Bộ Quốc phòng tại phiên họp.

Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. “Việc ban hành luật là nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang địa phương, quân sự, biên phòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nói.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Trung tướng Thái Đại Ngọc trình bày dự thảo tờ trình tóm tắt dự án luật. Theo đó, dự án luật được xây dựng nhằm sửa đổi một số điều của 11 luật nêu trên, tập trung vào những quy định về vị trí, vai trò, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các quy định của pháp luật có liên quan.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao quá trình chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra; cơ bản nhất trí với dự thảo tờ trình, dự thảo báo cáo thẩm tra.

Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm, dự án luật được xây dựng chủ yếu nhằm phục vụ kiện toàn sắp xếp bộ máy. Ngoài tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Quốc hội cũng đã, đang xem xét nhiều luật, nghị quyết có liên quan đến tổ chức bộ máy. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần rà soát thật kỹ để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Lấy ví dụ cụ thể, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Trong đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã được đổi tên thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại. Một số luật được sửa đổi theo dự án luật này cũng có quy định liên quan tới Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, nên cần rà soát thật kỹ để bảo đảm tính thống nhất.

Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, ngay sau khi Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ chín theo chương trình.

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/sua-doi-11-luat-trong-linh-vuc-quoc-phong-bao-dam-phu-hop-voi-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-830354