Sửa đổi 7 luật trong lĩnh vực tài chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Tiếp tục Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Việc sửa đổi các luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Việc sửa đổi các luật cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành; kế thừa và phát huy những quy định hiện hành đã được thực tiễn chứng minh đem lại các tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của đất nước; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận, cam kết của Việt Nam; đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển...
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật nêu trên nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều, khoản nêu tại dự án Luật; đánh giá tác động từng cơ chế, chính sách dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Những nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể cũng như có quy định rõ ràng nhằm quản lý chặt chẽ và tránh thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước, tài sản công...
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, thu hẹp các điều khoản đề nghị sửa đổi, đảm bảo các vấn đề cần thiết, cấp bách cần sửa ngay, đạt sự đồng thuận cao. Các nội dung còn lại đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi khi sửa đổi toàn diện các luật.