Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Đóng góp trí tuệ, phát huy trách nhiệm công dân

Việc Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Dự thảo Nghị quyết) là một chủ trương quan trọng, thể hiện sự tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân.

Đây là dịp để mọi công dân thể hiện trách nhiệm, đóng góp trí tuệ nhằm xây dựng một đạo luật nền tảng thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Tăng cường hiệu quả hoạt động các thiết chế

Nghiên cứu kỹ lưỡng Dự thảo Nghị quyết và đối chiếu với “Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp” cho thấy những nỗ lực của Ủy ban trong việc cập nhật, điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, tổ chức đơn vị hành chính và chính quyền địa phương. Những thay đổi này, về cơ bản, hướng đến việc làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế.

HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: N. Hạnh

HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: N. Hạnh

Công tác nghiên cứu, triển khai của các cơ quan, đơn vị liên quan từ sau khi cấp thẩm quyền có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để tạo cơ sở pháp lý tổ chức lại chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp đã được triển khai rất tích cực theo đúng tinh thần chỉ đạo. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định về đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương là phù hợp, cần thiết.

Giữ quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND

Điều 110 Hiến pháp năm 2013 hiện hành quy định về đơn vị hành chính có 2 khoản được đề xuất sửa đổi, bổ sung thành 3 khoản; trong đó quy định về “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập” được tách thành khoản riêng (khoản 2 Điều 110 dự thảo), thay vì nằm trong khoản 1 Điều 110 hiện hành. Và tại khoản 1 Điều 110 được dự thảo sửa đổi thành “1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, nghĩa là không liệt kê các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc tách khoản 1 Điều 110 hiện hành thành 2 khoản (khoản 1, 2) có dẫn đến cách hiểu quy định ở khoản 2 “2. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.” là đơn vị hành chính ngang với tỉnh không? Trong khi theo chủ trương, định hướng của cấp thẩm quyền, đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 2 cấp gồm có: tỉnh, thành phố (gọi chung là cấp tỉnh); xã, phường, đặc khu (gọi chung là cấp xã).

Về quyền chất vấn của đại biểu HĐND (khoản 8 Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi khoản 2 Điều 115) đang được dự thảo theo hướng không quy định Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 115 là quy định chung với đại biểu HĐND các cấp. Như hiện nay, đối với cấp xã không có TAND, Viện KSND thì đại biểu HĐND cấp xã không chất vấn, còn cấp tỉnh, cấp huyện thì vẫn thực hiện thẩm quyền được hiến định. Do vậy, việc giữ nguyên quy định hiện hành của khoản 2 Điều 115 khi không tổ chức cấp huyện thiết nghĩ vẫn phù hợp. Và như vậy, quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân vẫn tiếp tục được khẳng định. Điều này cũng hoàn toàn thống nhất, đồng bộ với khoản 1 Điều 80 Hiến pháp năm 2013 quy định về chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Về thẩm quyền chỉ định các chức danh cấp xã. Việc thiết kế quy định tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết về việc chỉ định các chức danh lãnh đạo Đoàn ĐBQH cấp tỉnh; các chức danh lãnh đạo của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp xã để thể chế hóa Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới khi các đơn vị hành chính sau sắp xếp chỉ còn thời gian ngắn đến kỳ bầu cử nhiệm kỳ 2026 - 2031 là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp cần được điều chỉnh phù hợp hơn.

THANH THANH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-dong-gop-tri-tue-phat-huy-trach-nhiem-cong-dan-10372806.html