Tinh gọn bộ máy: Tạo sinh lực mới cho phát triển đất nước
Trong tuần qua, Kỳ họp thứ 9- kỳ họp lịch sử của Quốc hội cũng như của cả hệ thống chính trị, họp bàn nhiều nội dung về phục vụ công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặc biệt là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, kết thúc hoạt động của cấp huyện. Tại địa phương, các tỉnh, thành phố cũng đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Tất cả đều mong muốn cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy sẽ tạo sinh lực mới cho phát triển đất nước.

Quang cảnh phiên họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Ngày 17/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết này là việc điều chỉnh, bổ sung dự toán để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện tinh gọn bộ máy. Cụ thể, sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 của ngân sách trung ương còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 là 15.710 tỷ đồng để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ. Bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 là 28.290 tỷ đồng từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương, đồng thời bổ sung tương ứng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ. Chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền.
Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031. Theo các Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội việc quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, dự kiến vào ngày 15/3/2026. Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, việc rút ngắn thời gian nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp là cần thiết để chuẩn bị kỹ hơn cho cuộc bầu cử khóa XVI, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chính quyền 2 cấp.
Cũng trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 62/CĐ-TTg về việc triển khai thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 5 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với 3 bộ, cơ quan trung ương và 13 địa phương, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị thực hiện chuyển tiếp các công trình, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tính liên tục, nhất quán trong quản lý và triển khai thực hiện, không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, chủ trương là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nhằm phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy và Bộ được giao nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân như các cơ quan khác trong thời gian 1 tháng, đồng thời có nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến góp ý trình Chính phủ trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng. Một là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Hai là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây cũng mở Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng quy định về những vấn đề lớn, cơ bản, có tầm chiến lược của đất nước. Những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như chủ trương xây dựng chính quyền hai cấp.
Cùng với sự chuyển động mạnh mẽ từ Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tại Quảng Bình, Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh này đã tổ chức phiên họp thứ 4 để đánh giá lại những kết quả đạt được thời gian qua; đồng thời tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ cấp bách thời gian tới. Trong quá trình triển khai sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Quảng Bình đã nảy sinh một số vấn đề cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp như: Còn có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở cấp huyện, cấp xã có sự dao động về tư tưởng, ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết công việc. Một số địa phương tồn tại tình trạng số lượng lớn hồ sơ, thủ tục, nhất là về đất đai chậm được giải quyết; nhiều dự án do UBND cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư đang gặp khó khăn về nguồn vốn, dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản…
Trước những vấn đề nảy sinh đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề án kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện, đảng bộ cấp xã cũ, thành lập đảng bộ cấp xã mới; thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Các đơn vị, địa phương xây dựng phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức các phường, xã mới sau sáp nhập. Việc sắp xếp cán bộ phải sớm hoàn thành trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 để bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. Các đơn vị, địa phương có phương án sàng lọc, tinh giản và điều động hợp lý, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với hiệu quả công việc; nghiên cứu bố trí một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành cấp tỉnh còn trẻ, được đào tạo bài bản, có năng lực... để tăng cường cho cấp xã, phường. Song song với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, các địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ chịu tác động từ việc sắp xếp; thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức…