Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội
Tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/2, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
![Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51455244/12068508b3465a180357.jpg)
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đại diện Ban Soạn thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trên cơ sở mục đích, quan điểm chỉ đạo và kết quả rà soát Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội tập trung vào các nội dung: Sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập...
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51455244/3b3aa9349f7a76242f6b.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với các lý do được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại các nghị quyết, kết luận liên quan của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ và bảo đảm chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tán thành việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội như đã nêu trong Tờ trình.
Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, trong lần sửa đổi này, tập trung chủ yếu vào các quy định về cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Đối với các nội dung có liên quan khác được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chẳng hạn như việc thay đổi tên gọi của một số ủy ban sau khi sắp xếp, sáp nhập, về quy trình thực hiện một số công việc trong công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước... thì sẽ được nghiên cứu, kết hợp xử lý ở các văn bản phù hợp và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 hoặc kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan của Quốc hội, trong đó xác định cụ thể các văn bản cần được ban hành ngay để có hiệu lực đồng thời với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các văn bản cần được ban hành ngay sau khi Luật này có hiệu lực thi hành. Do đó, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc xác định phạm vi và cách thức sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội như nêu tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp...