Gỡ vướng về thể chế, đưa đất nước phát triển ở tầm cao hơn
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, chúng ta xác định 3 đột phá chiến lược để phát triển về thể chế, nhân lực, hạ tầng. Trong đó, thực tiễn cho thấy nhiều điểm nghẽn, nhất là về thể chế. Quan điểm là chỗ nào vướng, khó mà mình làm được thì cố gắng làm.
Sáng 12/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận tại tổ TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, tại Phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã phát biểu nêu rõ, việc xây dựng pháp luật làm rất chặt chẽ, theo quy trình. Đây là nhiệm kỳ rất đặc biệt, Quốc hội họp bất thường rất nhiều, nhưng cần thiết phải họp để giải quyết, xử lý các vấn đề, nhất là những vướng mắc, khó khăn với mục tiêu đưa đất nước phát triển.
![Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu thảo luận tại Tổ TP Hồ Chí Minh, sáng 12/2.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_5_51457249/d721c295f5db1c8545ca.jpg)
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu thảo luận tại Tổ TP Hồ Chí Minh, sáng 12/2.
Đối với việc quán triệt, triển khai Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch nước cho rằng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và báo cáo Trung ương "phải làm sao đích tinh gọn nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Với việc tổ chức lại tổ chức bộ máy, làm gì thì làm nhưng tinh thần là "bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ".
Chủ tịch nước Lương Cường thông tin, khi rà lại các vấn đề liên quan triển khai Nghị quyết 18, thấy vướng hơn 5.000 luật, văn bản dưới luật là các nghị định, thông tư, trong đó, có hơn 200 luật phải sửa đổi, bổ sung. Rất nhiều vấn đề nhưng quan trọng nhất là tập trung 4 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Cùng với đó, có 5 nghị quyết liên quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 18.
![Quang cảnh thảo luận tại Tổ TP Hồ Chí Minh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_5_51457249/e29dfd29ca6723397a76.jpg)
Quang cảnh thảo luận tại Tổ TP Hồ Chí Minh.
"Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt họp rất nhiều phiên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng họp chung và thống nhất rất cao, để thực hiện có nhiều vấn đề nhưng phải quyết tâm, tất cả mọi cấp, mọi ngành trong toàn đảng, hệ thống chính trị phải cố gắng. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng tất nhiên phải có nguyên tắc. Phải giữ được ổn định và phát triển ở tầm cao hơn", Chủ tịch nước khẳng định.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, chúng ta xác định 3 đột phá chiến lược để phát triển về thể chế, nhân lực, hạ tầng. Trong đó, thực tiễn cho thấy nhiều điểm nghẽn, nhất là về thể chế. "Quan điểm là chỗ nào vướng, khó mà mình làm được thì cố gắng làm". Liên quan nội dung thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên về luật, những người gắn bó với thực tiễn, ở cơ sở tập trung góp ý để sửa luật đáp ứng nhu cầu tốt hơn...
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thảo luận tại Tổ 8, sáng 12/2.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_5_51457249/00431cf72bb9c2e79ba8.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thảo luận tại Tổ 8, sáng 12/2.
Phát biểu tại Tổ 8 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Long, Điện Biên, Cần Thơ, Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương lớn của Đảng là tiến hành cách mạng về bộ máy, làm sao tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cơ cấu phù hợp với tổ chức bộ máy mới.
Thủ tướng cho rằng, bộ máy mới đi vào vận hành thì sẽ có vướng mắc, trục trặc, và chúng ta phải điều chỉnh. Tinh thần là "đúng vai, thuộc bài", dễ xác định trách nhiệm; phân cấp, phân quyền, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. "Đấy là những nguyên tắc rất cơ bản, chúng ta cần bám sát để triển khai. Từ thực tiễn, thấy vướng mắc thì phải sửa thôi, luật pháp là ta, quy định là ta hết cả, mình thấy vướng trên thực tiễn thì phải sửa", Thủ tướng chỉ rõ.
![Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_5_51457249/9f17bba38ced65b33cfc.jpg)
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8.
Đi sâu thảo luận về các dự thảo luật, Thủ tướng phân tích, lần này chúng ta phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách và quy trình. "Hiện nay, muốn nhanh, kỹ, cần có sự phối hợp hiệu quả với nhau, và một "anh" chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến cùng. Tuy nhiên, cùng một công việc mà có 2 cơ quan cùng làm thì có khi cũng không tốt. Một việc thì chỉ một cơ quan, và một cơ quan thì có thể làm nhiều việc. Phải rạch ròi như vậy để rõ trách nhiệm. Tôi thấy đó là đổi mới trong lần này".
Theo Thủ tướng, cái gì "đã chín, đã rõ", được thực tiễn chứng minh là đúng thì luật hóa. Còn những vấn đề biến động, như kinh tế thì nên có "khung" để làm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý lúc cấp bách, cá biệt. Thực tiễn mình ngồi đây không hình dung hết vấn đề có tính cá biệt, nên cần thiết kế sao cho có tính nguyên tắc, có khung. Làm sao để người dân, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan đổi mới sáng tạo và có cơ chế bảo vệ họ, cùng với việc phòng, chống tiêu cực, lãng phí...
Cái nữa là quy trình làm sao phải nhanh, quyết nhanh. Phải quý trọng thời gian, trí tuệ. Anh phải nắm chắc luật pháp; quy luật của tự nhiên; tiết kiệm thời gian, phát huy trí tuệ là những vấn đề mang tính quyết định thành công của một công việc. Thủ tướng dẫn chứng việc ủy quyền của Quốc hội cho các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết để xử lý vấn đề cấp bách, nhạy cảm, cá biệt liên quan đến kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại. Các cơ quan được ủy quyền này sau khi các chính sách được ban hành, báo cáo lại Ủy Thường vụ Quốc hội và báo cáo lại Quốc hội vào kỳ họp gần nhất, theo đúng tính chất phân cấp, ủy quyền. Cơ chế này nhằm xử lý các vấn đề cho kịp thời và hiệu quả...