Sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp Quốc hội, quy định kỳ họp không thường lệ
Ban Soạn thảo đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép từ nhiệm kỳ tiếp theo của Quốc hội sẽ thực hiện đánh số tuần tự các kỳ họp.
Nhất trí với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 71 ngày 15/11/2022 của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, qua tổng hợp, các cơ quan đều nhất trí với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và hầu hết các nội dung của dự thảo Nghị quyết do Ban soạn thảo đề xuất.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
Cụ thể, một số điểm nhận được sự nhất trí là: Bổ sung vào khoản 1 Điều 11 của Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Không thể hiện trong Nội quy kỳ họp Quốc hội về tên cụ thể các cơ quan của Quốc hội để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và bảo đảm tính ổn định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Không quy định cứng trong nội quy kỳ họp Quốc hội về việc trình bày báo cáo thẩm tra; theo đó, việc trình bày hoặc không trình bày báo cáo thẩm tra (chỉ gửi báo cáo thẩm tra đến đại biểu Quốc hội) đối với từng nội dung sẽ thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật, nghị quyết có liên quan hoặc được Quốc hội xem xét, quyết định cụ thể, căn cứ điều kiện thực tiễn khi thông qua chương trình kỳ họp để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Sẽ đánh số tuần tự các kỳ họp, tránh nhầm lẫn
Về các nội dung Ban soạn thảo bổ sung, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến các cơ quan, ông Lê Quang Tùng cho hay, qua nghiên cứu ý kiến các cơ quan, Ban soạn thảo đã tiếp tục hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Nghị quyết.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).
Trong đó, đã bổ sung, chỉnh lý một số vấn đề quan trọng là: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 18 theo hướng không quy định cứng về thời gian được phép kéo dài của phiên họp (nội quy hiện hành chỉ cho phép kéo dài không quá 30 phút của phiên họp buổi sáng và 60 phút của phiên họp buổi chiều). Quy định này nhằm bảo đảm tính linh hoạt và đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Sửa đổi khoản 1 Điều 20 theo hướng yêu cầu gửi tài liệu sớm hơn đến đại biểu Quốc hội, cụ thể là: Dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua và đề xuất một số vấn đề còn ý kiến khác nhau cần biểu quyết trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, dự thảo nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm nhất là 48 giờ trước phiên biểu quyết thông qua (quy định hiện hành là 24 giờ).
Bổ sung một khoản (khoản 3 Điều 34) quy định về việc quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ tại các kỳ họp sau Kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội trong trường hợp cần thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp, phù hợp với yêu cầu thực tế.
Đồng thời, bổ sung quy định rõ về trình tự "Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội" trong quy trình xem xét, quyết định một số nội dung tại kỳ họp.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm ít nhất hai kỳ; không nên phân biệt kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường/kỳ họp không thường lệ; cần tránh đánh số thứ tự riêng cho kỳ họp thường lệ và số thứ tự riêng cho kỳ họp bất thường mà chỉ có số thứ tự kỳ họp thứ nhất cho đến kỳ cuối trong suốt nhiệm kỳ.
Ban soạn thảo nhận thấy khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 90 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định: "Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ". Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, xin được giữ cách thể hiện về số lượng kỳ họp thường lệ như trong dự thảo.
Tuy nhiên, đây cũng là một ý kiến hợp lý trong quá trình đổi mới và xu hướng tổ chức nhiều kỳ họp. Vì vậy, Ban soạn thảo xin được ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tham mưu sửa đổi các quy định có liên quan.
Đối với cách đánh số thứ tự các kỳ họp, để thuận tiện cho quá trình theo dõi, tránh nhầm lẫn, Ban Soạn thảo đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép từ nhiệm kỳ tiếp theo của Quốc hội sẽ thực hiện đánh số tuần tự các kỳ họp (cả kỳ thường lệ và kỳ không thường lệ) theo thứ tự thời gian.
Về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, đa số ý kiến tán thành bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 18 về việc Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội trong trường hợp có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên thời gian đại biểu phát biểu lần thứ nhất không quá 7 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút để bảo đảm đại biểu có thời gian tham gia ý kiến một cách đầy đủ, nhất là những nội dung phức tạp, chuyên môn sâu.
Về vấn đề này, Ban soạn thảo đề nghị cho giữ quy định về việc đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội để tạo sự chủ động, linh hoạt trong quá trình điều hành phiên họp, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả thời gian tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.