Sửa đổi các chính sách thuế để đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Sáng 22/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Các ý kiến tham gia đều cho rằng đây là 2 dự luật rất quan trọng. Việc sửa đổi lần này nằm trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế.

Điều chỉnh chính sách thuế hài hòa giữa các mục tiêu

Tham gia ý kiến tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo một lộ trình vừa bảo đảm công cụ quản lý của nhà nước vừa bảo đảm nguồn thu, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển; chống thất thoát nguồn thu.

Bên cạnh đó, cũng phải bảo đảm công bằng và thỏa đáng đối với các đối tượng nộp thuế, kể cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đối tượng là người nước ngoài, tổ chức thương mại trong nước hay nước ngoài... phải phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại tổ. Ảnh: ĐBND

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại tổ. Ảnh: ĐBND

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét rất kỹ lưỡng, tiến hành thảo luận nhiều lần về hai dự án luật nêu trên. Ngay sau khi có kết luận về nội dung phiên họp, Chính phủ đã tiếp thu, thể hiện những nội dung này trong hồ sơ dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

“Đây là việc hết sức quan trọng, không chỉ với hai dự án luật này mà nhiều luật về thuế khác đã, đang sửa đổi và sắp tới cũng sẽ phải sửa để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế...”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đánh giá chung, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi các luật thuế trên với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, các quy định mới trong dự thảo luật nhằm hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy vậy, việc sửa đổi luật cần có quy định nhằm tháo gỡ bất cập, vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đồng tình với nhiều nội dung tại dự thảo Luật và đánh giá sự điều chỉnh này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn phù hợp với những yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo đại biểu, trong những năm qua, tình hình thu, chi NSNN đã có những tín hiệu tích cực. Năm 2024, dự toán thu ngân sách được đặt ở mức 1,7 triệu tỷ đồng, nhưng ước tính thực thu có thể lên tới 1,873 triệu tỷ đồng, tức vượt dự toán 10%. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nỗ lực quản lý tài chính hiệu quả, đồng thời góp phần giảm nợ công và bội chi ngân sách so với GDP.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý rằng, trong bối cảnh này, việc xem xét điều chỉnh thuế cần được thực hiện một cách thận trọng, đảm bảo sự hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu NSNN.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân ủng hộ quan điểm cần thiết lập các chính sách ưu đãi thuế mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với các ngành mang tính động lực tăng trưởng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Đại biểu cũng đề nghị mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí nên được thống nhất ở mức 10% cho tất cả các hoạt động thu nhập, bao gồm cả báo in và các ngành nghề khác liên quan.

Cân nhắc lộ trình tăng thuế phù hợp

Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều đại biểu đồng tình với sửa đổi để hướng tới việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội)

Nhất trí cao với cơ quan chủ trì soạn thảo, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc đưa vàng mã thuộc diện chịu thuế là cần thiết bởi hành vi đốt mã của người dân đang ngày càng trở nên phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây lãng phí lớn. Vì vậy, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động người dân giảm đốt vàng mã, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ điều chỉnh cần thiết nhằm thay đổi hành vi của người dân.

Đại biểu Dương Minh Ánh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung các mặt hàng túi nilon, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây là những mặt hàng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguy hại đến sức khỏe của người dân.

Với mặt hàng rượu bia, một số đại biểu bày tỏ tán thành với việc tăng thuế suất để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia, gây tác hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội. Các đại biểu cho rằng, việc tăng thuế suất sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí y tế do tác hại của rượu, bia gây ra.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) khuyến nghị, việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp. Đại biểu đề nghị lùi thời gian áp dụng luật 1 năm để đạt mục tiêu thay đổi hành vi của người tiêu dùng và để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thay đổi hoạt động sản xuất sang các mặt hàng ít tác động đến sức khỏe hơn.

Tán thành với quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng trong dự thảo luật, các đại biểu đề nghị cân nhắc thực hiện ổn định chính sách, đi đôi với nghiên cứu lộ trình và mức tăng phù hợp đối với mặt hàng đặc thù này, tránh tăng sốc, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của người lao động trong các lĩnh vực này...

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-doi-cac-chinh-sach-thue-de-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-moi-164656.html