Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng mở rộng đối tượng, tăng quyền lợi

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế có nhiều đề xuất mới theo hướng tăng lợi ích cho người dân. Trong đó có đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo; bổ sung cơ chế hoàn trả chi phí người bệnh trong trường hợp cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng…(KTSG Online) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế có nhiều đề xuất mới theo hướng tăng lợi ích cho người dân. Trong đó có đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo; bổ sung cơ chế hoàn trả chi phí người bệnh trong trường hợp cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng…

Sau 15 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người, tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, TTXVN đưa tin.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, hạn chế cần được điều chỉnh. Thực tế cho thấy còn nhiều bất cập trong quy định của luật hiện hành, trách nhiệm các bên liên quan thực hiện chính sách bảo hiểm như chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế; các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật; một số khái niệm và thuật ngữ chưa có hoặc chưa rõ nghĩa trong Luật…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện những vướng mắc; đồng thời nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi của người tham gia, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa: Benhvienhungvuong.vn

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa: Benhvienhungvuong.vn

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có 5 đề xuất.

Thứ nhất là đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung khái niệm, nội dung giám định bảo hiểm y tế; cho phép người bệnh mắc một số bệnh nặng, hiểm nghèo được điều trị trái tuyến, không cần giấy chuyển viện; thanh toán bảo hiểm y tế đối với các trường hợp điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.

Ngoài ra còn bổ sung quy định cơ chế hoàn trả chi phí mua thuốc, vật tư y tế cho người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Thứ hai là đề xuất mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật các nhóm đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế; người dân tộc thiểu số thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian hỗ trợ 3 năm…

Thứ ba là đề xuất duy trì quyền kiểm tra sử dụng quỹ bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Điều này nhằm tăng cường kiểm soát, phòng chống lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, cũng như nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm y tế.

Thứ tư là đề xuất tăng cường trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Cuối cùng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ ra một số bất cập và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình thanh, quyết toán và nâng cao hiệu quả quản lý quỹ bảo hiểm y tế.

Hoài Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sua-doi-luat-bao-hiem-y-te-theo-huong-mo-rong-doi-tuong-tang-quyen-loi/