Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Đơn giản thủ tục với người lao động

'Thủ tục đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải rất đơn giản, cởi mở với người lao động'. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp Ban soạn thảo dự án xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) vừa được diễn ra.

Đối với DN, Bộ trưởng cho biết thủ tục phải chặt chẽ. “Chặt chẽ nhưng không phải là “bó” DN mà phải công khai, minh bạch, thậm chí cấp thủ tục không cần gặp trực tiếp mà tất cả tiến hành qua mạng”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiều nội dung của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải sửa đổi một cách toàn diện, từ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật, những vấn đề mới và cả những vấn đề còn vướng mắc trong thời gian qua. Đảm bảo Luật mới được xây dựng một mặt giải quyết được tất cả những vướng mắc đang đặt ra. Đồng thời, mở ra những vấn đề để vừa đảm bảo quản lý Nhà nước vừa thích ứng với thị trường lao động.

Việc sửa đổi Luật nhằm góp phần cải thiện chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp của các DN dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Việc sửa đổi Luật nhằm góp phần cải thiện chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp của các DN dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Bộ trưởng yêu cầu, Luật phải nêu rõ được vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Mở rộng quyền công dân trong việc lựa chọn địa bàn làm việc và mức thu nhập mong muốn. Đồng thời, đảm bảo tạo sự vận động phù hợp với thị trường lao động, góp phần xây dựng thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng phải bám vào hiệp định hợp tác lao động (MOC) với từng nước.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - ông Tống Hải Nam cho biết, Dự án Luật tập trung vào 6 nhóm nội dung chính. Gồm: Sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trên cơ sở các hình thức đi làm việc ở nước ngoài của Luật hiện hành; Minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, đảm bảo trách nhiệm của DN với người lao động; Các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trước đó, việc thực thi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 được đánh giá là đã góp phần tích cực vào việc củng cố và mở rộng thị trường lao động ngoài nước. Cải thiện chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp của các DN dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sau khi Luật được ban hành, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (con số này là 58.000 lao động/năm trong giai đoạn 2000 - 2006). Trong đó, năm 2019, Việt Nam có 147.387 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 122,8% kế hoạch). Đây là năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam có hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng là năm thứ 4 liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 đã không đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với các Luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, luật pháp của các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động cũng có nhiều thay đổi dẫn đến tình trạng xung đột pháp luật.

Ngoài ra, một số quy định của Luật đã bộc lộ sự bất cập. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ như quy định DN chỉ có phương án về cán bộ, cơ sở vật chất (DN chỉ phải hoàn thiện các điều kiện này sau khi được cấp giấy phép), điều kiện về tài chính còn tương đối dễ dàng (vốn pháp định là 5 tỷ, tiền ký quỹ là 1 tỷ), điều kiện về người lãnh đạo điều hành còn mở và không hoàn toàn phù hợp.

Chất lượng nguồn lao động chưa cao và chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Luật hiện hành quy định DN chỉ tuyển chọn lao động sau khi hợp đồng cung ứng lao động được cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận. Do đó, DN không có nhiều thời gian để tuyển chọn và đào tạo lao động theo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của đối tác…

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là cần thiết để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành. Việc sửa đổi Luật đảm bảo phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế và đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự kiến, Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình UBTVQH vào tháng 4-2020 và dự kiến sẽ đưa ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để thảo luận.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/sua-doi-luat-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-don-gian-thu-tuc-voi-nguoi-lao-dong-180324.html