Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng

Sáng 17.11, tại Ninh Bình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã phối hợp với Viện KAS tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trao đổi về một số nội dung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo có: Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đại diện Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Xã hội; đại diện Bộ Tài chính; các chuyên gia, viện nghiên cứu, Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, một số doanh nghiệp…

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Lắng nghe ý kiến, quan điểm đa chiều về chính sách thuế VAT

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi nêu rõ, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành có hiệu lực từ năm 2019. Từ đó đến nay Luật được sửa đổi, bổ sung 4 lần để dần thực hiện các chính sách quy định trong luật, cũng như giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tế và thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt một mặt đã đóng góp cho nguồn thu cho ngân sách, nhưng quan trọng hơn là đã có tác động tích cực về nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng, trong đó đặc biệt phải kể đến những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và môi trường trên tinh thần các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực y tế và môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu khai mạc hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu khai mạc hội thảo

Bên cạnh các kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, các chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành cũng bộc lộ một số bất cập và hạn chế, đặc biệt là phạm vi đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định chưa thật sự rõ ràng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; cơ cấu thuế suất với một số nhóm mặt hàng cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả. Căn cứ tính thuế còn chưa được cập nhật so với các thông lệ tốt của quốc tế và chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng đối với các sản phẩm có hại với sức khỏe, cũng như mục tiêu khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Để thúc đẩy công tác xây dựng pháp luật ở Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81-KL-UBTVQH về định hướng cho chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khóa XV, trong đó đã giao Chính phủ nghiên cứu rà soát Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính hiện đang rà soát để đề xuất sửa đổi một số nội dung chính sách của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trình Chính phủ cho ý kiến; phối hợp với một số cơ quan liên quan tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm về nội dung sửa đổi của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện cũng còn khá nhiều luồng quan điểm khác nhau đối với một số nội dung dự kiến sửa đổi của Bộ Tài chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã nhận được một số văn bản kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động của chính sách. Do đó, Hội thảo lần này nhằm lắng nghe ý kiến, quan điểm đa chiều liên quan đến các chính sách sẽ được sửa đổi trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện

Trình bày tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang xây dựng nhằm mở rộng cơ sở thu thuế; hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, môi trường; khuyến khích đầu tư, sản xuất, nhập khẩu và sử dụng xe ô tô thân thiện môi trường; sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, để thực hiện những mục tiêu nêu trên, dự kiến sẽ bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá; nghiên cứu tăng thuế suất thuế đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.

Đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội tham dự Hội thảo

Đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo cơ bản tán thành với sự cần thiết với sự sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành để phù hợp với sự thay đổi xu hướng tiêu dùng và bối cảnh kinh tế; đồng thời, thảo luận về tính thực tiễn, tính hiệu quả của các chính sách thu thuế hiện hành; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách; đưa ra các khuyến nghị hữu ích cho quá trình sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo

Nhiều ý kiến cho rằng, về nguyên tắc, khi sửa luật thuế cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp; tính đến lợi ích, chi phí các bên liên quan… Một số ý kiến lưu ý, Việt Nam thuộc nhóm 27% quốc gia trên thế giới chủ yếu áp dụng phương pháp tính thuế tương đối; còn lại 73% các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hệ thống thuế hỗn hợp có những lợi thế rõ ràng trong việc thực hiện các mục tiêu của chính phủ là giảm tác hại của việc tiêu thụ cồn, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững và khuyến khích sự phát triển của ngành bia. Nhưng, các ý kiến này cũng cho rằng, áp dụng phương pháp tính thuế nào cần được tính tổng thể tác động của chính sách; nếu chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp cần thực hiện theo một lộ trình phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thay đổi để thích ứng với chính sách mới.

Giám đốc Ngoại vụ Heineken Việt Nam - Nguyễn Thanh Phúc phát biểu ủng hộ phương pháp tính thuế hỗn hợp

Giám đốc Ngoại vụ Heineken Việt Nam - Nguyễn Thanh Phúc phát biểu ủng hộ phương pháp tính thuế hỗn hợp

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi nêu rõ, với tinh thần làm việc tích cực, Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến tham luận về tổng kết, đánh giá các quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành; đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật; sự cần thiết của cải cách chính sách thuế đối với các sản phẩm thuốc lá và đồ uống có đường, rượu, bia; kinh nghiệm quốc tế về xác định đối tượng chịu thuế, cách tính thuế…

Giám đốc Viện KAS tại Việt Nam Florian Constantin Feyerabend phát biểu

Giám đốc Viện KAS tại Việt Nam Florian Constantin Feyerabend phát biểu

Đánh giá cao các nội dung tham luận, ý kiến của các chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh, đây là những nội dung rất thiết thực và cần thiết, là kênh thông tin quan trọng để phục vụ cho quá trình xây dựng dự án Luật, cũng như quá trình thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tới đây.

Tin và ảnh: Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/sua-doi-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-cong-cu-chinh-sach-hieu-qua-de-dinh-huong-san-xuat-va-tieu-dung-i350467/