Sửa đổi Nghị định 132: Chờ cuộc 'đại phẫu' cứu sống doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tinh thần sửa đổi Nghị định 132 là hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng trong tình thế cấp bách hiện nay thì nên hướng tới mục tiêu ưu tiên cho doanh nghiệp bởi đây chính là động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện các doanh nghiệp vốn đang đứng trước bờ vực.

Chính sách có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp

Nhanh chóng tháo gỡ những rào cản pháp lý để trợ lực cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ thời gian qua. Trước tình thế cấp bách, Chính phủ thậm chí đã ban hành riêng Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về vấn đề này.

Trong Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết. Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi trong quý IV năm nay. Ngày 18/10, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đã có văn bản số 7725/TCT-TTKT xin ý kiến các Vụ, Cục về vấn đề này.

Đại diện một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cho biết, sau 3 năm thực thi, Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh cả nền kinh tế vừa phải hứng chịu “cú giáng” nặng nề từ COVID-19. Các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng khi Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Nghị định này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, với doanh nghiệp thì chính sách có ý nghĩa sống còn. Chính sách chậm thì thiệt hại với doanh nghiệp vừa là tiền, vừa là cơ hội. Với hàng nghìn doanh nghiệp có liên quan thì thiệt hại của sự chậm trễ này là vô cùng lớn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (ảnh: VietnamNet).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (ảnh: VietnamNet).

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, tinh thần sửa đổi Nghị định 132 là hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, nhưng trong tình thế cấp bách hiện nay thì nên hướng tới mục tiêu ưu tiên cho doanh nghiệp bởi đây chính là động lực quan trọng của nền kinh tế. Hiện các doanh nghiệp vốn đang đứng trước bờ vực.

“Theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì Bộ Tài chính có thể đẩy nhanh, làm nhanh và chủ động đề xuất làm theo quy trình rút gọn để sớm cởi các nút thắt pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi nền kinh tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Những quy định kìm hãm doanh nghiệp

Theo đại diện một số doanh nghiệp, các bất cập của Nghị định 132 mà Tổng cục Thuế chỉ ra trong văn bản 7725/TCT-TTKT là chưa sát thực tế và chưa thực sự chạm đúng “điểm đau” của doanh nghiệp. Một trong những nút thắt đang khiến nhiều doanh nghiệp “kêu trời” là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở 30% (điểm a, khoản 3, Điều 16).

Theo các chuyên gia, 30% là mức khống chế ở các nước phát triển. Việc áp dụng “thước đo” không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các doanh nghiệp đều có vốn mỏng, đang trong giai đoạn khởi nghiệp và cần phải sử dụng nhiều vốn vay - đang gây nhiều hệ lụy. Nhu cầu vốn càng lớn hơn khi doanh thu của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong 2 - 3 năm vừa qua do tác động của COVID-19.

Trong khi đó, với quy định chặn trần chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% EBITDA, vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh không được tính vào chi phí hợp lệ khiến nhiều doanh nghiệp đã khó lại càng khó do phải tiếp tục đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần đi vay bị vượt trần. Với nền lãi suất cho vay cao thời gian qua, quy định khống chế mức trần 30% giống như gọng kìm bóp nghẹt sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

“Quy định không chỉ ngăn các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn cần thiết để mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn làm giảm động lực phát triển và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nền kinh tế sẽ ra sao nếu các doanh nghiệp cứ mãi giậm chân tại chỗ, không thể lớn lên được vì những rào cản như vậy. Với đặc thù riêng của Việt Nam, trong lần sửa đổi này, nên điều chỉnh mức khống chế từ 30% lên 50%”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong kiến nghị.

Nhiều quy định đang đánh đố, kìm hãm doanh nghiệp (ảnh: Dương Hưng).

Nhiều quy định đang đánh đố, kìm hãm doanh nghiệp (ảnh: Dương Hưng).

Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu ban hành Nghị định 132 là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, thời gian qua, quy định này lại khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty holding, công ty mẹ - con bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể, quy định còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng trong giai đoạn 2020 - 2023, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh do liên tiếp chịu tác động của Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới. Ông dẫn chứng, giai đoạn này nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận bằng 0, thậm chí là âm. Trong bối cảnh đó, chi phí lãi vay cao càng khiến doanh nghiệp thêm kiệt quệ.

“Những vấn đề của thực tiễn đang cản đường sự phát triển cần được ghi nhận đầy đủ và khắc phục triệt để thì mới thực sự là gỡ khó cho doanh nghiệp. Đơn cử, cơ quan soạn thảo nên xem xét kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế từ mức 5 năm như hiện tại lên 7 năm; đồng thời, cho phép doanh nghiệp được chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang cả các kỳ tính thuế không phát sinh giao dịch liên kết”, ông Phong kiến nghị.

Trước đó, bàn luận về mức trần tổng chi phí lãi vay/EBITDA, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng có chung nhận định: “Trong mô hình như tập đoàn, việc công ty mẹ đứng ra huy động vốn và phân phối cho các công ty con là hết sức bình thường. Vì vậy, nếu tổng chi phí lãi vay/EBITDA ở mức 50% mà là chi phí thật, chi phí hợp lệ thì nên được chấp nhận.”

Nhật Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sua-doi-nghi-dinh-132-cho-cuoc-dai-phau-cuu-song-doanh-nghiep-post1585388.tpo