Sửa đổi quy định dạy thêm, học thêm để tạo môi trường giáo dục lành mạnh

Trong một nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh công bố vào tháng 11-2024, hơn 63% trong số 12.500 giáo viên được khảo sát muốn được hợp pháp hóa việc dạy thêm, gồm cả dạy ở nhà và dạy online để tăng thu nhập chính đáng.

Theo nghiên cứu, việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào các môn học như: Toán, Ngữ văn, Anh văn, Vật lý, Hóa học. Giáo viên dạy thêm ở bậc tiểu học là 8,6 giờ/tuần, THCS là 13,75 giờ/tuần và THPT là 14,91 giờ/tuần.

Các giáo viên này cho biết: Dù lương cơ sở đã tăng song thu nhập từ nghề giáo chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu chi tiêu hàng tháng của gia đình. Việc dạy thêm cũng là việc làm chính đáng từ nghề nghiệp, chuyên môn của bản thân mỗi giáo viên.

 Học sinh tích cực tương tác với giáo viên trong một “Tiết học mở”. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Học sinh tích cực tương tác với giáo viên trong một “Tiết học mở”. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Thế nhưng, cũng từ nhu cầu thực tế đó mà dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trên các diễn đàn. Có thời điểm, việc học thêm, dạy thêm bị xem là vấn nạn. Nhiều giáo viên xem đó là “quyền lực mềm” để o ép, gây khó trên lớp chính khóa đối với những học sinh không đi học thêm. Việc này khiến cho hoạt động dạy thêm, học thêm bị biến tướng, phục vụ cho lợi ích của người tổ chức lớp là chính thay vì góp phần nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa.

Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, trong đó có quy định: Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Theo quy định này, giáo viên chỉ có thể dạy thêm thông qua các trung tâm tổ chức dạy thêm khác đã đăng ký hoạt động dạy thêm.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động dạy thêm, học thêm “chui” vẫn diễn ra. Mới đây, một giáo viên tiểu học tại TP. Hà Tĩnh đã bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì đã tổ chức dạy thêm tại nhà cho học sinh lớp 1. Cũng như nhiều địa phương khác, ở TP. Pleiku, theo phản ánh của báo chí, chỉ có khoảng vài chục cơ sở được cấp phép hoạt động dạy thêm, học thêm; trong khi thực tế vẫn còn nhiều giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà.

Sau khi bàn bạc, cân nhắc và lấy ý kiến rộng rãi ngày 30-12-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT với các quy định mới về dạy thêm, học thêm. Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2 tới. Các quy định mới siết chặt hơn đối với giáo viên, đồng thời mở nút thắt áp lực cho phụ huynh và học sinh, hướng đến một môi trường giáo dục lành mạnh.

Nổi bật là quy định: Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được phân công dạy học. Đây được xem là “cây gậy” hạn chế tiêu cực trong hoạt động dạy thêm của giáo viên. Học sinh trên lớp sẽ không còn bị giáo viên o ép, gây khó nếu không tham gia lớp học thêm của họ và thoải mái hơn khi chọn học thêm ở các thầy cô khác phù hợp với nhu cầu, năng lực.

Đồng thời, quy định này cũng khuyến khích các thầy cô nâng cao năng lực chuyên môn để có thể tạo danh tiếng, thu hút học sinh từ các lớp khác, trường khác đăng ký học thêm nhằm nâng cao kiến thức.

Ngoài ra, Thông tư số 29 cũng quy định: Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm.

Tuy nhiên, để học thêm, dạy thêm không còn tồn tại tiêu cực thì cùng với việc đổi mới các quy định cũng cần nhiều giải pháp song song. Trong đó, cần chú ý đến việc giảm tải chương trình, thay đổi cách giảng dạy, đánh giá năng lực học sinh; giáo viên phải đảm bảo chất lượng dạy học trên lớp.

Các cấp, ngành cần quan tâm cải thiện chế độ, chính sách, tiền lương cho đội ngũ giáo viên để họ yên tâm cống hiến, chung tay xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/sua-doi-quy-dinh-day-them-hoc-them-de-tao-moi-truong-giao-duc-lanh-manh-post307256.html