Luật Nhà giáo: Giải quyết 'điểm nghẽn' trong thực tiễn

Cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Luật cần giải quyết mối tương quan giữa thầy và trò, khi ban hành phải tạo sự chào đón và phấn khởi của thầy, cô giáo.

Một lớp học của Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT

Một lớp học của Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT

Có trò, phải có thầy

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đã nói về thầy thì phải có trò. Nếu không có trò thì không có thầy. Luật Nhà giáo phải giải quyết mối quan hệ quan trọng này. “Ví dụ, chính sách của chúng ta là phổ cập giáo dục. Tức là các cháu đến tuổi đi học phải được đến trường; tiến tới, Nhà nước lo học phí, nuôi các cháu trong độ tuổi đi học - tiến bộ là phải như vậy”, Tổng Bí thư gợi mở.

Nhấn mạnh quan điểm có trò là phải có thầy, Tổng Bí thư lưu ý, Luật Nhà giáo phải quy định rõ như vậy. Với dữ liệu dân cư hiện nay, chúng ta sẽ thống kê được trong xã/phường, quận/huyện, khu phố và thành phố có bao nhiêu cháu đi học/năm. Khi có trò, thì phải chủ động có thầy.

Cùng với đó, có thầy, trò thì phải có trường học. Không có trường thì chính sách phổ cập giáo dục cho các cháu đến tuổi đi học không được thực hiện. Chưa kể vùng sâu, xa, có những chính sách đặc thù, đặc biệt giữa thầy và trò. “Mối quan hệ đó phải được giải quyết. Hay với đại học, các cấp học khác, thậm chí học tập suốt đời... Có nhiều chính sách phải được bao quát trong Luật Nhà giáo”, Tổng Bí thư yêu cầu.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa bày tỏ, dự thảo Luật Nhà giáo thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo.

Theo đó, các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ Đại hội đều nhất quán trong việc xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo; đồng thời khẳng định, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn và đặt ra yêu cầu sớm xây dựng luật về nhà giáo.

 Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày hội việc làm. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong ngày hội việc làm. Ảnh: NTCC

Giải quyết tốt mối quan hệ thầy - trò

Theo ông Trần Văn Thức, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chịu sự điều chỉnh của 6 luật, gồm: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, những nội dung về quản lý nhà giáo giữa các luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ.

Mặt khác, một số bất cập phát sinh trong công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo và việc kiến tạo các chính sách phát triển đội ngũ đột phá cho sự phát triển, nâng tầm quản lý nhà giáo về mặt lý luận cũng như thực tiễn không thể quy định chung trong các luật hiện hành nói trên.

Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng, sự quan tâm của xã hội đều xác định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của nhà giáo. Song, thực tế hệ thống pháp luật chưa có luật riêng về nhà giáo để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý, môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo như tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh, bảo vệ và phát triển...

Từ các căn cứ nêu trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết khi vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, giải quyết mối tương quan giữa thầy - trò và sự chào đón, phấn khởi của đội ngũ giáo giới.

Nghề giáo là nghề đặc biệt, đối tượng tác động của nghề giáo là con người, sản phẩm giáo dục là tri thức, tư chất của con người. Ông Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhìn nhận, thái độ và các hành vi của người thầy trong hoạt động nghề nghiệp, cộng đồng, thái độ và cách ứng xử xã hội của nhà giáo cũng phải được điều chỉnh theo cơ chế đặc biệt.

Lâu nay, những yêu cầu về thái độ và hành vi ứng xử được hình thành như một văn hóa quan niệm xã hội mang tính ước định trong nhận thức cá nhân của mỗi người, chưa mang tính pháp lý. Do vậy, các chuẩn mực chưa được đồng đều giữa những người làm thầy cũng như cách ứng xử của xã hội đối với nhà giáo.

“Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, tôi thực sự vui mừng và thấy may mắn cho các nhà giáo tương lai khi không còn phải loay hoay, dò dẫm trong các hoạt động chuyên môn và cách ứng xử xã hội. Để thực sự thầy ra thầy, Luật cần quy định khắt khe, đồng thời có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để nhà giáo toàn tâm, toàn ý với nghề”, ông Hoàng Văn Cường đề xuất.

Đảng và Nhà nước luôn xác định, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh gợi mở, xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự thảo Luật.

“Khi tham gia góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, tôi không chỉ kỳ vọng Luật được ban hành, mà cần giải quyết thật tốt mối quan hệ thầy - trò, là mối quan hệ chủ đạo trong môi trường giáo dục đào tạo, có trò thì phải có thầy, mà đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý mà không có trường”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nêu quan điểm, đồng thời gợi mở, việc xây dựng Luật Nhà giáo phải xác định người thầy là một nhà khoa học, có chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực giảng dạy, là “máy cái” để đào tạo ra thế hệ tương lai của đất nước. Người thầy phải luôn tìm tòi, nghiên cứu cái mới vì khoa học và tri thức không dừng lại.

Đồng tình cao với dự thảo Luật Nhà giáo, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) nhấn mạnh, nhà giáo là yếu tố then chốt trong đạo thầy trò, yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Bản chất của giáo dục luôn vận động, phát triển không ngừng để đạt đến tính hợp lý. Xây dựng Luật Nhà giáo thể hiện sự tôn vinh, trân trọng đối với hoạt động dạy học và mối quan hệ thiêng liêng của đạo thầy, trò.

Sĩ Điền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luat-nha-giao-giai-quyet-diem-nghen-trong-thuc-tien-post715612.html